"Cao thâm nghìn trùng" không phải là một đơn vị trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt (cũng không phải thành ngữ gốc Hán), nhưng nó được Nguyễn Du sử dụng như một thành ngữ (trong Truyện Kiều). Để có một phân tích thấu đáo, xin mọi người đọc lại đoạn trích:
"Nghe lời sửa áo cài trâm
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng.
Thân tàn gạn đục khơi trong
Là nhờ quân tử khác lòng người ta".
Đó là đoạn mô tả hành động và lời lẽ của Thúy Kiều với Kim Trọng trong trường đoạn nói về cảnh đoàn viên của gia đình Vương Ông (sau 15 năm lưu lạc). Trong cảnh sum vầy ấy, Thúy Vân (em gái Kiều) cho rằng "Bây giờ gương vỡ lại lành", "Còn duyên may lại còn người" và ngỏ ý muốn cho Kim Trọng và Thúy Kiều "tái hợp", "Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì". Quả là một cái kết có hậu lắm lắm.
Nhưng sự tình không đơn giản. Từ đây, người đọc được chứng kiến một cuộc đối thoại dài và gay cấn (tới mức quyết liệt) giữa chàng Kim và nàng Kiều. Một bên (Kim Trọng) muốn Kiều đồng ý với giải pháp mà Thúy Vân gợi ý. Một bên là nàng Kiều cự tuyệt. Kiều cự tuyệt vì nghĩ mình không xứng đáng với sự hợp duyên tái ngộ ấy. Kiều quá tỉnh táo và từng trải. Cũng bởi, với cách nhìn nhận bản thân, xét theo lễ giáo và lẽ thường ở đời cần tuân thủ, nàng thấy mình, như bông hoa hết nhụy "Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa", "Nghĩ mình chẳng hổ mình sao?" và "Từ rày khép cửa phòng thu/ Chẳng tu thì cũng như tu mới là". Kiều mong mọi quan hệ dừng lại ở đây...
Tuy nhiên, Kim Trọng không phải tay vừa. Chàng không tặc lưỡi cho qua. Là người từng trải, lịch duyệt, với tình yêu đích thực, chàng đã vận dụng tối đa năng lực lập luận, nói có lý có lẽ, có trước có sau, để thuyết phục Thúy Kiều. Và cuối cùng như ta thấy, Kiều đã ưng thuận. Ưng thuận vì cảm kích trước tình nghĩa, sự độ lượng và tấm lòng bao dung của một người nàng đã cảm, đã yêu, đã từng thề thốt một lời "ghi tạc đá vàng" trong mối tình đầu bất ngờ, đầy thi vị và sóng gió. Nhân cách đặc biệt cao cả "khác lòng người ta" của Kim Trọng tài danh đã cảm hóa và thuyết phục được một cô gái bản lĩnh, đoan chính như Kiều. "Tương tri dường ấy mới là tương tri" chứ!
"Cúi đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng" là một thái độ khâm phục và biết ơn hết lẽ. Trong Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa học xã hội, 1974), Đào Duy Anh giải nghĩa từ cao thâm là "nghĩa cao, ơn sâu", còn nghìn trùng là "nghìn lớp, chỉ cái gì cao lắm, sâu lắm". "Từ điển tiếng Việt" của Trung tâm Từ điển học (Vietlex), bản mới nhất, vừa bổ sung nghĩa 2 cho từ "cao thâm" [高深]: "(công lao) to lớn, sâu nặng như trời đất". Tựu trung, "cao thâm nghìn trùng" chỉ "điều lớn lao, sâu nặng như núi cao biển sâu".
Điều này giúp nàng Kiều nhìn ra điều tốt đẹp, ý nghĩa nhân văn của hành động "tái duyên" cùng Kim Trọng như một quá trình tự "gạn đục khơi trong" cuộc đời mình. Nàng vui vẻ "Thêm nến giá nối hương bình/ Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan" một cách tâm phục khẩu phục. Sự đoàn viên của 2 người thật trọn vẹn và chan hòa hạnh phúc.
Ơn sâu tới mức cúi đầu
Tình xưa nghĩa cũ cho nhau vẹn toàn.
Tags