Cho tôi xin một vé đi Hội An

Thứ Tư, 05/04/2017 11:33 GMT+7

Google News

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Hành trình đến với Hội An tuy chỉ thu gọn trong một ngày nhưng chứa cả kho kỷ niệm của tôi cùng chúng bạn. Khi màn sương sớm chưa kịp tan thì chúng tôi đã khởi hành, không khí se se lạnh của một buổi sáng cuối đông như cổ vũ chuyến chu du với số 0 về đường đi. Từ Đà Nẵng chúng tôi quyết định đi dọc đường biển để đến với Hội An.


Phố cổ Hội An

Con đường nhỏ dẫn lối vào đầu Hội An rực rỡ sắc màu với hình ảnh của những khu du lịch, nhà hàng, khách sạn nổi tiếng, sắp xếp lại với nhau tạo thành cuốn sổ di động cho những du khách không chuyên như chúng tôi tham khảo.

Trời bắt đầu ấm dần, những tia nắng yếu ớt của cuối đông nhuộm màu mới, xé tan màn sương mỏng, làn gió đầu xuân nhẹ khẽ đưa hương rau cỏ lan tỏa khắp không gian, níu kéo chúng tôi dừng lại điểm đến đầu tiên – làng rau Trà Quế.

“Ai về Trà Quế thì về

Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh

Buổi mai đi bán củ hành

Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm…”

Câu ca làng nghề được nhỏ bạn cất lên léo lắt , thôi thúc chúng tôi tiến vào vườn rau. Làng rau Trà Quế xưa nay vẫn nổi danh với thương hiệu rau sạch, vườn rau được khoác màu áo xanh mướt của hàng chục loại rau mùi: Diếp cá, xà lách, cải, hành, ngò, tần ô… vươn mình trên những luống dài tăm tắp trông thật thích mắt và mê hoặc. Điều thú vị nhất khi đến đây là hình thức kinh doanh du lịch” khác người” của các bác nông dân trồng rau biến những cô cậu sinh viên chúng tôi thành những “Nông dân làng Trà Quế”, cùng xoắn tay cuốc đất, trồng rau , tưới nước…

Năm vị cay, chua, ngọt, đắng, chát thơm thơm nơi cửa miệng khi bạn trực tiếp thưởng thức các loại rau cùng miếng bánh tráng mỏng, chấm một chút mắm cái, ôi, tuyệt vời. Chỉ hơn 30 phút, chúng tôi đã có cái nhìn thật đẹp về mảnh đất này- mảnh đất của những con người thân thiện.


Tiếp tục chuyến hành trình, bánh xe chúng tôi lăn về phía sông Thu Bồn – con sông của hoài niệm.

Là nơi giao thoa của hai nền văn hóa Chăm- Việt, con sông chở nặng những giá trị văn hóa đi cùng năm tháng, nhẹ nhàng vắt mình qua đất Hội như điểm tô thêm vẻ mỹ miều của mảnh đất xa xưa này. Nơi đây dậy lên kiểu du lịch sinh thái , là sự kết hợp giữa hai làng Đại Bình và Trung Phước( đối diện hai bờ sông Thu Bồn), bên bờ này sang bên bờ kia để tham quan các khu di tích, xem các sản phẩm mỹ nghệ trầm cảnh…

Bắt gặp thêm một dạng kinh doanh du lịch mới khi chúng tôi dừng chân tại nhà một người bạn -“Homestay”- có nghĩa khách du lịch vào ở tại nhà người dân, vừa nghỉ ngơi, vừa cùng sinh hoạt ngày thường cùng người dân, tìm hiểu phong tục, tập quán, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi bắt gặp du khách trong những bữa cơm gia đình, thật thân thiện. Đặc sản dừa nước là món quà đãi khách phương xa, chúng tôi được phép vừa bổ vừa ăn, vì đây là cách ăn dân dã nhưng nó không làm mất đi hương vị ngọt thanh của trái dừa, cơm dừa giòn giòn , nhai có tiếng kêu sột soạt, đến hết vẫn thấy còn chút vươn lại của mùi thơm.


Và đó cũng là món quà chúng tôi được ưu ái mang về làm quà. Lại một lần nữa, trong chúng tôi bật lên cảm nghĩ:” Người dân ở đây ôi sao mà dễ thương đến thế”.

Trải tiếp đoạn đường, chúng tôi tiến thẳng vào thị xã cổ kính – Di sản văn hóa thế giới Hội An. Con phố hiện ra yên ả đến giật mình, nó hoàn toàn như tách khỏi những dòng chảy và sự phá hủy của thời gian, mở ra trong tầm mắt chúng tôi một không gian thấm đẫm văn hóa xứ Quảng trong cuộc sống hiện đại .

Với những mái ngói lô xô của những ngôi nhà cổ, những chiếc đèn lồng rực rỡ, không gian cổ xưa của những ngôi nhà, những gánh hàng rong trên chiếc lưng cong của mế già, những tiếng nói mà những người như chúng tôi không tài nào luận ra, và chẳng thể thiếu là hình ảnh của những đoàn du khách, tay trong tay dạo bước trên những con đường của khu phố. Hội An sau bao nhiêu thăng trầm vẫn giữ mãi được vẻ cổ kính và rêu phong của nó.



Phố cổ Hội An vẫn giữ được nét cổ kính

Lang thang trong phố cổ , lách mình qua những con đường quanh co,bắt gặp những hình ảnh của một đô thị xưa trong hình ảnh những cửa hàng, cả những gánh hàng ven đường bán tò he thổi( sản phẩm của làng gốm Thanh Hà), hoa chậu, cả những chiếc lồng đèn xinh xắn…Lịch sử còn ghi lại trên nhiều cánh cửa, trên những mái ngói lô nhô của những ngôi nhà hình ống, hẹp ngang nhưng sâu hun hút đầy bí mật.

Được mênh dah là viên ngọc giữa lòng Hội An, Chùa Cầu chứa đựng những thăng trầm dưới mái ngói âm dương huyền bí. Sự kết hợp giữa kiến trúc Việt, Hoa , Nhật in đậm qua mái che độc đáo, các kết cấu, họa tiết trang trí bên trong , đặc biệt ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế .

Không kém phần tinh tế, nhà cổ Tấn Ký được xây dựng cách đây 200 năm, có kiểu kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà cổ, nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có một chức năng riêng, nhỏ nhắn , thanh thoát và ấm cúng.


Trải qua bao dâu bể , những kiến trúc này dường như đã nhuộm đặc một màu thời gian , lặng lẽ đứng trầm mặc suy tư ở những nẻo đường. Mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc có giá trị, mang đậm nét tài hoa của những nghệ nhân hang mấy trăm năm trước. Và theo dòng chảy của những thế hệ, đẫm mình trong vũng bạc của thời gian, Phố cổ trong chúng tôi đã có một hồn riêng, rất riêng…

Sẽ chẳng trọn vẹn nếu như bạn bỏ qua thế giới ẩm thực nơi đây. Hội An có rất nhiều món ngon như Cao lầu , Cơm gà Phố Hội, Hến xào Cẩm Nang, Bánh đập, Bánh ít, Đậu hũ… Với túi tiển không mấy rủng rỉnh của đám sinh viên chúng tôi, nhưng cũng đủ để thưởng thức phố ẩm thực ngon- bổ- rẻ, nếu đi theo đoàn, bạn nhớ tách ra nhiều quán để tránh tình trạng khó chịu vì phải chờ lâu , ngoài ra còn có cơ hội thưởng thức hương vị của nhiều quán.

Theo chúng tôi, muốn ăn Cao Lầu ngon thì hãy đến quán chị Liên nằm trên đường Thái Phiên, với Mỳ Quảng chị chọn quán chị Lài người Cẩm Thanh nhé . Đây đều là những quán ăn đơn sơ nhưng sạch sẽ, đồ ăn lại ngon và đậm đà hương vị xứ Quảng. Các món đều thơm thơm, ngậy ngậy , mùi vị đặc trưng làm cho ai ai một lần thưởng thức khó lòng quên được.


Chiều dần buông , ánh mặt trời khuất dần sau bóng núi cũng là lúc chúng tôi đành nói lời tạm biệt. Tôi cứ tưởng khi cánh cửa đóng lại, lòng người cũng khép lại. Chiếc xe lăn bánh rời Hội An, để lại trong tôi một niềm nuối tiếc, giá có thể thêm một ngày, có khi tôi lại không muốn về lại Đà Nẵng nữa mất. Những nét mặt thân thương, mến khách, cái điệu hò rao bán hang rong lại cứ văng vẳng bên tai mãi khi tôi ngủ thiếp đi trên xe lúc nào không hay. Phố Hội thật sự lặng lẽ đi vào tâm trí và bất chợt tôi nhớ tới những câu thơ của Chế Lan Viên:

”Yêu ở đâu thì yêu

Về Hội An xin chớ

Hôn một lần ở đó

Một thời vang thủy Triều"

Chắc có lẽ Hội An là nơi duy nhất con người hiện đại lại tắm mình trong nền văn hóa cổ xưa, trầm mặc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Để rồi đây, cái truyền thống ấy sẽ được thế hệ trẻ bảo lưu và tiếp nối. Vài trăm năm sau những mầm chồi mới của Hội Thành sẽ có quyền tự hào về chính di sản thật mà họ đang nắm giữ, cả phần hồn lẫn phần xác.

“ Cho tôi xin một vé đi Hội An”

Bài: Khương Lời, Ảnh: DM

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›