(TT&VH Cuối tuần)- Việc 3 trong 4 đội bóng có mặt ở vòng bán kết đều là các đội thuộc Nam Âu và Tây Ban Nha bảo vệ thành công vương miện EURO tiếp tục cho thấy sự thống trị của trường phái kỹ thuật và đề cao quyền sở hữu bóng trước lối chơi kiểu khoa học và đề cao sức mạnh kiểu Bắc Âu, hay bài miếng cổ điển kiểu Đông Âu.
Sau vòng bảng, các đại diện tiêu biểu của Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch) và đặc biệt là Đông Âu (Nga, Ba Lan, Ukraina, Croatia) lần lượt nói lời chia tay. Trong 8 đội có mặt ở tứ kết, chỉ có Anh và Czech là nằm ngoài Nam Âu. Tại vòng bán kết, Đức cũng không còn chơi theo phong cách thực dụng, kỷ luật và đề cao sức mạnh kiểu Bắc Âu, và họ cũng đã thất bại trước một đội tuyển Nam Âu cách tân là Italia.
Cách tân
Tây Ban Nha đã vô địch một cách thuyết phục bằng cách đẩy trường phái Nam Âu lên đến đỉnh điểm, sơ đồ không tiền đạo- Ảnh Getty
Trường phái Nam Âu còn được chọn lựa trong những cuộc cách tân bản sắc, thậm chí là ở những đội tuyển ngoài khu vực này. Đội tuyển Đức đã thực hiện một cuộc cách mạng thay đổi tư duy bóng đá dựa trên triết lý bóng đá của khu vực Nam Âu: khả năng kiểm soát bóng dựa trên những đường chuyền và ý thức tấn công chủ động. Họ chỉ kết hợp thêm tư duy tổ chức khoa học để xây dựng một lối chơi tốc độ hơn, và cụ thể hóa quyền sở hữu bóng một cách nhanh chóng hơn.
Đội tuyển Italia vốn không theo trường phái Nam Âu điển hình, nhưng ngay khi huấn luyện viên Cesare Prandelli ngồi vào ghế huấn luyện viên trưởng, cuộc cải cách đã nhanh chóng diễn ra và Italia của giải này trở thành một trong những đội Azzurri chơi tấn công nhất lịch sử. Với phong cách đó, họ thậm chí đã đi đến chung kết với đội ngũ không có nhiều ngôi sao. Không còn dựa vào cách đá phòng ngự mưu mẹo và giàu tiểu xảo, Italia phát triển trường phái Nam Âu một cách phóng khoáng, mở rộng biên độ đội hình và luôn tìm cách giải quyết tình huống tấn công ngay cả khi nó chưa thực sự rõ ràng. Các bàn thắng của họ ở giải lần này phần lớn đều bắt nguồn từ những pha tấn công trực diện táo bạo như thế, có thể từ một pha đá phạt của Andrea Pirlo, một pha phản công với một, hai đường chuyền, hoặc một tình huống bùng nổ của Mario Balotelli.
Bồ Đào Nha chơi tấn công nhanh và thoáng tương tự Italia, nhưng họ tập trung lên bóng ở hai biên nhiều hơn vì các tiền vệ và tiền đạo cánh của họ tốt hơn hẳn các tiền vệ trung tâm, và dựa nhiều vào những pha đột phá cá nhân của Nani, hoặc Cristiano Ronaldo. Kỹ thuật và tốc độ cá nhân cũng đã đưa Bồ Đào Nha đi đến vòng bán kết, và chỉ chịu thua Tây Ban Nha, đội đã đạt đến đỉnh cao của trường phái Nam Âu, bằng cách đẩy quyền kiểm soát bóng, độ chính xác của các đường chuyền và tính hợp lý trong các pha di chuyển lên đến đỉnh điểm.
Tức là dù phát triển theo hướng nào, thì trường phái Nam Âu, với các yếu tố cấu thành chủ chốt là chất kỹ thuật, khả năng kiểm soát bóng và thế trận bằng những đường chuyền chính xác và ý thức tấn công chủ động cũng đều đem lại hiệu quả. Cách chơi này có thể không tạo ra sự chênh lệch trong một trận đấu cụ thể ở EURO 2012 (hãy nhớ là Tây Ban Nha đã vất vả trước Croatia đến thế nào), nhưng về tổng thể, nó tạo ra trạng thái bền bỉ về tinh thần và phong độ, cũng như những khoảnh khắc thăng hoa vào thời điểm quyết định của trận đấu.
Không cần tiền đạo, chỉ cần cầm bóng
Dù thua trận chung kết, cuộc cách tân của huấn luyện viên Cesare Prandelli (giữa) và đội tuyển Italia đã thành công ngoài mong đợi- Ảnh Getty
Ý thức đề cao kỹ thuật và kiểm soát bóng được phản ánh trong các hệ thống chiến thuật phổ biến ở EURO 2012, thường là chỉ sử dụng một tiền đạo để dành chỗ bổ sung nhân sự cho hàng tiền vệ (Đức, Bồ Đào Nha). Ngay cả đội chơi hai tiền đạo như Italia cũng không áp dụng công thức cổ điển một mẫu đá cắm và người còn lại đá lùi, mà sử dụng hai chân sút đều có xu hướng di chuyển rộng và chơi kỹ thuật là Antonio Cassano và Balotelli để khai thác khả năng cầm bóng và tạo ra các khoảng trống nhờ những pha đi bóng quấy rối. Tây Ban Nha thậm chí còn có tham vọng đẩy quyền kiểm soát bóng lên đến cực điểm bằng sơ đồ không tiền đạo, với sáu tiền vệ trung tâm hoán chuyển vị trí liên tục kiểu tổng lực.
Xu hướng trọng dụng các tiền vệ phòng ngự thiên về cầm nhịp và chuyền bóng hơn là chuyên trách đánh chặn cũng đang trở nên phổ biến, và họ thường được sử dụng theo cặp “số 6” để phát huy tối đa tính liên kết. Tây Ban Nha sử dụng Sergio Butsquet và Xabi Alonso làm giá đỡ cho Tiqui-taca. Đức có cặp Sami Khedira - Bastian Schweinsteiger. Italia dùng Pirlo và Daniele De Rossi…
Đó là những tiền vệ thủ không quá dữ dội về tranh chấp và xoạc bóng, nhưng có khả năng tung ra những đường chuyền ở nhiều cự ly, khác hẳn mẫu tiền vệ trung tâm cổ điển giàu sức mạnh kiểu Bắc Âu chỉ biết chuyền bóng ở đoạn ngắn. Những tiền vệ trung tâm kiểu Nam Âu còn có thể tham gia tấn công, ghi bàn tích cực, nhằm phục vụ cho việc chuyển đổi thật nhanh từ trạng thái phòng ngự sang tấn công và ngược lại. Sự linh hoạt này là một lợi thế lớn trước cách đá chậm chạp và xoay trở khá cồng kềnh kiểu Bắc Âu truyền thống, và lối chơi máy móc kiểu Đông Âu.
Thời đại của những người tí hon
Bóng đá hiện đại đòi hỏi nhiều hơn sự chủ động thay vì rình rập chờ đối phương sai lầm. |
Sự thon gọn của thân hình và tư duy cơ động đang tỏ ra chiếm lợi thế trước sức mạnh, thể hình to lớn và lối chơi thực dụng. Bóng đá hiện đại giờ là cuộc chơi đòi hỏi nhiều hơn sự chủ động, thể lực để chạy liên tục trong 90 phút, thay vì rình rập chờ đối phương sai lầm. Bóng đá hiện đại cũng đề cao tính linh hoạt, hơn là kiểu chơi chắc chắn nhưng bị động và thiếu đi sự biến hóa cần thiết.
Trường phái Nam Âu, với các yếu tố tích cực và chủ động, đang tỏ ra thắng thế trước lối chơi có tổ chức, lì lợm và giàu sức mạnh của Bắc Âu, cũng như cách chơi theo bài và thiếu sự đột phá táo bạo của các đội tuyển Đông Âu. Chức vô địch của Tây Ban Nha, đội tuyển đã đạt đến đỉnh cao của trường phái Nam Âu nhờ phát triển tối đa những yếu tố cơ bản của trường phái này là kỹ thuật ở trong phạm vi hẹp, khả năng chuyền bóng và đặc biệt là khả năng thay đổi nhịp độ xuất sắc, là lời khẳng định không thể tranh cãi. Trong tương lai, chúng ta chắc chắn sẽ còn được chứng kiến nhiều cuộc cách tân mang màu sắc của lối chơi này. Một trường phái tích cực và đem lại nhiều cảm xúc hơn.
Ban Cầm