Theo nhà tuyển dụng, sinh viên có nhiều kinh nghiệm làm thêm, đặc biệt là những công việc liên quan đến ngành học sẽ có lợi thế khi đi xin việc.
Làm thêm khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường là cách nhiều sinh viên lựa chọn để kiếm thêm thu nhập. Công việc làm thêm cho sinh viên không chỉ giúp có nhiều kinh nghiệm va vấp với cuộc sống ngoài xã hội, mà còn giúp các bạn có một quỹ tiết kiệm nho nhỏ để trang trải cho việc học và các sinh hoạt phí khác.
Chạy xe ôm công nghệ để “lấy ngắn nuôi dài”
Hiện nay tỉ lệ sinh viên làm thêm chiếm số lượng khá lớn. Trong đó, các công việc được lựa chọn chủ yếu là phục vụ tại nhà hàng, quán cà phê, bán hàng, gia sự, hay xe ôm công nghệ...
Vừa học vừa làm nghe có vẻ là một thử thách đối với nhiều bạn sinh viên. Bởi, điều này đòi hỏi sinh viên có kỹ năng quản lý, tổ chức sắp xếp để cân bằng quỹ thời gian cá nhân cho việc học tập, đồng thời vẫn phải đảm bảo hiệu quả công việc làm thêm.
Tuy nhiên, thách thức cũng đồng nghĩa với nhiều cơ hội mới. Sinh viên được coi là “tỷ phú của thời gian”. Bạn có rất nhiều cơ hội để tham gia các công việc làm thêm cho sinh viên, vừa học tập trải nghiệm, vừa mang về thu nhập giúp cải thiện tài chính cá nhân.
Lê Viết Dũng - sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội, độc giả của YAN cho biết, đã từng làm thêm ở năm học thứ 1, 2. Công việc lúc đó Dũng lựa chọn là xe ôm công nghệ. Công việc này cũng mang lại nhiều giá trị cho sinh viên, thậm chí phần nào bổ sung kiến thức cho việc học ở trường.
Dũng chia sẻ: “Đầu tiên, sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua việc trò chuyện với khách, giúp ích cho việc kinh doanh. Thứ hai, công việc tài xế xe ôm công nghệ giúp tôi có một khoản thu nhập khá tốt để trang trải cuộc sống. Ví dụ, trung bình các công việc làm thêm có mức lương 20.000 đồng/giờ. Còn làm xe ôm kiếm được 40.000-50.000 đồng/giờ.
Công việc khá tự do, tôi chỉ làm khi rảnh, thường là khoảng 2-4 giờ buổi chiều, nên tối đến, tôi vẫn có thời gian tự học, nâng cao chuyên môn. Ngoài tiền, nghề này cũng mang lại nhiều niềm vui và giúp tôi cải thiện kỹ năng giao tiếp”.
Nhiều người cho rằng, chạy xe ôm công nghệ thì có khác gì công việc giản đơn, không cần kỹ năng. Có tiếp xúc với những lao động trẻ tham gia lĩnh vực này mới thấy, điều đó không hẳn là đúng. Họ không chỉ cần những điều kiện cơ bản như bằng lái xe, giấy tờ tùy thân, hiểu biết về phần mềm và hơn tất cả, là học cách ứng xử với khách hàng. Hơn nữa, chạy xe công nghệ cũng chỉ là “giải pháp tạm thời”, là “khoảng đệm” của những lao động trẻ để duy trì cuộc sống trước khi nghĩ đến những gì cao xa hơn.
Cùng quan điểm, bạn Đinh Vân Anh, sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, bản thân cũng đã “bỏ túi” công việc làm thêm để có thể tự chủ tài chính, giảm bớt gánh lo cho bố mẹ. Vân Anh lựa chọn một công việc làm thêm bán thời gian tại shop quần áo trên đường Cầu Giấy.
“Mình nghĩ, muốn cân bằng được việc đi làm thêm và học tập thì phải sắp xếp thời gian phù hợp, có kế hoạch chi tiết, không thể đánh đồng đi làm thêm sẽ ảnh hưởng việc học. Mặc dù chỉ là nhân viên bán hàng nhưng mình cũng học hỏi, trau dồi cho bản thân nhiều kỹ năng. Từ việc làm thêm này, mình đỡ rụt rè và tự tin giao tiếp hơn. Mình có thêm kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ trong công việc”, Vân Anh tâm sự.
Làm thêm trước khi ra trường cũng là một lợi thế
Với nhiều nhà tuyển dụng, kinh nghiệm làm việc là phần đầu tiên trong CV ứng viên họ tìm đọc. Vì thông qua những thông tin này, họ biết được các công việc mà ứng viên đã làm trước đó, cân nhắc liệu nó có phù hợp với vị trí đang tuyển dụng hay không. Nhưng đó cũng là điểm yếu của nhiều sinh viên mới ra trường.
Tất nhiên, trong những bài tư vấn tuyển dụng, vẫn có những lời khuyên rằng: kinh nghiệm của người mới ra trường là những hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học tại nhà trường.
Anh Nguyễn Hoàng Trọng Anh – Chủ doanh nghiệp chia sẻ một số kinh nghiệm tuyển dụng của mình. Anh cho biết, chỉ tuyển người học đại học cho các vị trí làm việc tại văn phòng, tại nhà máy có một số vị trí không cần phải có bằng đại học. Bốn năm học đại học, tốt nghiệp trường có uy tín là bằng chứng về việc bạn theo đuổi một thứ gì đó đủ khó, đủ dài và đi đến đích.
“Tôi chỉ tuyển bạn nào có đi làm thêm lúc học đại học. Vì cuộc sống có rất nhiều thứ phải học, phải va chạm ngoài việc học trên giảng đường, nên nếu bạn nào từng chạy xe ôm công nghệ lúc đang học đại học là điểm cộng.
Tôi luôn trả lương theo thị trường, trong một số trường hợp tôi còn đề nghị ứng viên lương cao hơn họ mong muốn, vì tôi thấy người đó có năng lực so với nhân sự hiện có tại công ty. Mục tiêu công ty tôi không phải khai thác tối đa người lao động mà là môi trường để cả người lao động và công ty đồng hành phát triển”.
Với mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung công việc bán thời gian, chạy xe công nghệ giúp sinh viên dễ dàng trang trải cuộc sống, đóng học phí, mua tài liệu hỗ trợ việc học, giúp các bạn biết quý trọng đồng tiền để chi tiêu khoa học hơn.
Chạy xe ôm công nghệ hay không là quyền lựa chọn của sinh viên. Điều quan trọng là các bạn tận dụng công việc làm thêm này để phát triển bản thân như thế nào. Sinh viên cần đặt việc học lên hàng đầu, chạy xe trong thời gian rảnh chỉ nhằm tích lũy tài chính, phục vụ việc học, nghiên cứu, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, để sau đó, các bạn có thể thoải mái thử sức với công việc khác hợp chuyên môn hơn.
Hiện nay, sinh viên chạy xe ôm công nghệ rất phổ biến. Thu nhập một ngày trung bình đi làm được khoảng 300.000 đồng - 400.000 đồng, cao hơn việc phát tờ rơi gấp 2 lần, phụ bàn 3 lần. Mức thu nhập đó đủ để hấp dẫn các bạn trẻ chọn xe ôm công nghệ là bước đầu khởi nghiệp, là cơ sở để sinh viên kiếm thêm sinh hoạt phí, phụ cho bản thân trong khoảng thời gian rảnh rỗi.
Xét cho cùng, chạy xe ôm công nghệ là một công việc lương thiện, đáp ứng dịch vụ đi lại của người dân với giá hợp lý và chất lượng tốt hơn, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nếu sinh viên tốt nghiệp ra trường coi đây là công việc lâu dài thì đó là một câu hỏi lớn đối với khát vọng của họ - những người trẻ.
Tags