(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: Thông tin phát hiện có thủy ngân độc hại bay lơ lửng trong không khí Hà Nội gây nguy hại cho con người, là không đúng, gây hoang mang dư luận.
- Hà Nội: Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông
- Hà Nội đầu tư 13.000 tỷ đồng xử lý ô nhiễm môi trường
Người dân đang bị thực phẩm bẩn tấn công. Nay, người dân lại bị bủa vây bởi ô nhiễm không khí. Với thực phẩm bẩn, người dân vẫn phải lầm rầm niệm chú “khuất mắt trông coi” khi ăn. Còn nay, với ô nhiễm không khí, người dân chỉ còn biết vừa thở vừa cầu nguyện.
Chưa hết, ngoài ăn, ngoài thở, việc sử dụng nước cũng đang ở tình trạng báo động. Theo số liệu thống kê mới của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có tới 9000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm; có tới 200 nghìn trường hợp được phát hiện ung thư, mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nước bị ô nhiễm.
Hiện tại, người dân nhìn đâu cũng thấy hoang mang; nhìn đâu cũng thấy bẩn, cũng thấy con đường tới nghĩa địa, cũng bất lực trước nhu cầu cơ bản của cá nhân không được đảm bảo. Nhưng, nỗi sợ không giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn.
Sự hoang mang trong lòng xã hội càng không giúp chúng ta vượt qua được sự sinh- tử. Những cái chết vì ăn, vì uống, vì thở, vẫn treo lơ lửng trong khi chúng ta hoảng loạn.
Bởi, môi trường không thể sạch khi chúng ta vừa quan ngại vừa xả thải. Đồ ăn cũng không sạch khi chúng ta vừa thở than, vừa ăn liều, nhậu liều.
Quan tâm tới thực phẩm, tới nguồn nước, tới môi trường sống là đúng. Nó cũng thể hiện bước tiến của toàn xã hội khi bước thêm những nấc thang văn minh. Nhưng, cách quan tâm cũng là điều đáng bàn. Vì bó gối thở than không phải là cách thông minh để vượt qua những sự xấu xí, bẩn thỉu đang tồn tại trong lòng xã hội. Đối mặt với vấn đề, chung tay giải quyết vấn đề là lối thoát duy nhất cho tất cả.
Cần nhấn mạnh, chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề khi xóa nhòa được lằn ranh phân cách giữa các nhóm đối tượng. Tức là, chống thực phẩm bẩn không đồng nghĩa với việc chĩa mũi dùi dư luận vào những người nông dân, coi họ là thủ phạm chính gây ra “đại dịch ung thư”.
Chống ô nhiễm không khí không phải là dồn tất cả lỗi lầm của những sự hỗn mang bẩn thỉu lên các chiếc xe chở cát khủng. Chống ô nhiễm nguồn nước cũng không thể giải quyết rốt ráo nếu chỉ tấn công duy nhất vào các hệ thống xử lý rác thải của bệnh viện…
Đồng nghĩa, chúng ta chỉ có thể cùng thắng và cùng sống khi chúng ta là một. Thực phẩm sạch, nước sạch, không khí sạch sẽ trở lại khi chúng ta ngừng tạo ra các chiến tuyến giữa các nhóm người trong xã hội. Những nhóm đối tượng là tác nhân chính gây ô nhiễm cần được cộng đồng mở những lối “phục thiện”.
Vì, chừng nào họ còn bị dồn vào chân tường, chừng đó, họ còn chống đỡ bằng mọi cách, vì sự tồn vong của bản thân. Và, chừng nào còn những sự chống đỡ, luồn lách của những nhóm đối tượng gây bẩn, chừng đó, không khí bẩn, thức ăn bẩn, nước bẩn vẫn còn tồn tại ở dạng thức này, dạng thức khác.
Tức là, khi và chỉ khi nhóm người đang bị đám đông la ó được tạo điều kiện để có “sinh kế sạch” thì xã hội mới giải quyết rốt ráo được câu hỏi: “Chạy trời sao khỏi bẩn?”.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags