(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê của hãng tin AFP ngày 24/3, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đã vượt 200.000 người, trong đó Italy với 63.927 ca nhiễm và Tây Ban Nha với 39.673 ca đã chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm tại khu vực này.
Với 200.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 10.732 ca tử vong, châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Xếp thứ hai là châu Á với 98.748 ca nhiễm và 3.570 ca tử vong.
Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố sẽ siết chặt việc hạn chế người dân đi lại để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, người dân sẽ chỉ được phép rời khỏi nhà khi có lý do cần thiết.
- Dịch COVID-19 ngày 24/3: Ca mắc số 123 tại Việt Nam hiện cách ly ở Bến Tre, Italy 601 người chết trong 1 ngày
- Bệnh viện FV sẽ thực hiện xét nghiệm miễn phí Covid-19
- Cầu thủ Viettel chung tay đẩy lùi Covid-19
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Morawiecki khẳng định lệnh mới này nhằm chuẩn bị cho xu hướng gia tăng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này. Bên cạnh đó, Chính phủ Ba Lan cũng giới hạn việc tụ tập và số người được phép cùng lúc đi trên các phương tiện giao thông công cộng, nhằm làm giảm số người có mặt trên xe buýt và tàu. Thủ tướng Morawiecki nhấn mạnh các lệnh hạn chế mới sẽ không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan dự kiến diễn ra vào ngày 10/5 tới. Theo giới chức y tế Ba Lan, các lệnh hạn chế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 24/3 cho đến ngày 11/4.
Trong khi đó, Tổng thống Romania Klaus Iohannis thông báo sẽ áp đặt hạn chế đi lại đối với người dân vào ban ngày và cấm hoàn toàn những người trên 65 tuổi rời khỏi nhà kể từ ngày 25/3 nhằm làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.
Theo lệnh mới, người dân sẽ chỉ được phép rời khỏi nhà để đi làm với giấy tờ có chữ ký xác nhận của chủ lao động hay đi mua thực phẩm. Những người cao tuổi sẽ được yêu cầu ở trong nhà. Quân đội sẽ hỗ trợ lực lượng cho cảnh sát giám sát việc thực thi lệnh.
Trước đó, Romania đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 16/3, trong khi lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đã có hiệu lực vào ngày 23/3. Những hạn chế mới này nhiều khả năng sẽ kéo dài trong suốt thời gian 30 ngày của tình trạng khẩn cấp. Tính đến thời điểm này, Romania đã ghi nhận 762 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 8 ca tử vong do COVID-19.
Tại Bồ Đào Nha, Bộ Nội vụ nước này thông báo hơn 1.000 hành khách trên du thuyền MSC Fantasia, hiện đang neo đậu ngoài khơi thủ đô Lisbon, sẽ bay về nước trong ngày 24/3 bất chấp việc có 1 hành khách đã dương tính với virus SARS-CoV-2.
MSC Fantasia khởi hành từ Brazil vào ngày 9/3 và tới thành phố Lisbon vào ngày 22/3 vừa qua. Trên tàu có 4.363 hành khách và 1.370 thành viên trong thủy thủ đoàn. Hành khách trên tàu chủ yếu tới từ Liên minh châu Âu (EU), Anh, Brazil và Australia. Điểm đến cuối cùng của tàu này là Genoa, Italy - quốc gia đang là tâm dịch của châu Âu.
Ban đầu, giới chức Bồ Đào Nha tuyên bố toàn bộ các hành khách sẽ ở trên tàu cho đến khi họ được xét nghiệm, song sau đó chỉ có hành khách người Bồ Đào Nha mới được kiểm tra. 39 công dân Bồ Đào Nha và những người có giấy tờ thường trú tại quốc gia này đã được phép lên bờ vào ngày 23/3. Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha cho biết trong số những người này, có 1 người đã dương tính với virus SARS-CoV-2 và tất cả đều đã tự cách ly tại nhà.
Trước đó, Bồ Đào Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 18/3 vừa qua. Để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh, các du thuyền đã không còn được phép để du khách nước ngoài lên bờ. Bồ Đào Nha hiện đang phối hợp với đại sứ quán các nước để triển khai công tác hồi hương cho những hành khách trên tàu MSC Fantasia.
Các chuyến bay đưa công dân về nước sẽ khởi hành từ sân bay Humberto Delgado ở Lisbon đến Đức, Brazil và Anh trong ngày 24/3. Những chuyến bay này có sức chứa 1.140 người trên tổng số 1.299 hành khách vẫn còn trên tàu. Hiện chưa rõ 159 hành khách còn lại khi nào sẽ về nước.
Theo thống kê, Bồ Đào Nha hiện có 2.060 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 23 ca tử vong do COVID-19, thấp hơn nhiều so với Italy và Tây Ban Nha.
Đặng Ánh - TTXVN
Tags