Mươi ngày trước, tại Hà Nội, những người yêu thơ Đặng Đình Hưng vừa có dịp tề tựu cùng nhau trong sự kiện ra mắt Di cảo Đặng Đình Hưng (NXB Hội Nhà văn) - cuốn sách gắn với dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1924 - 2024).
Do họa sĩ Lê Thiết Cương tổ chức bản thảo, sách dày 250 trang gồm các tập thơ như Rra (1965), Songe A (1968), Sử thi Phù Đổng ca (1970) cùng một số các trang thủ bút các tập thơ của ông, thư của Trần Dần gửi Đặng Đình Hưng, chân dung Đặng Đình Hưng qua ảnh của Hà Tường, bài viết của các tác giả Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phan Đan, Nguyễn Thụy Kha (lời bạt)...
Nhà thơ "thuộc về tất cả mọi người"
Họa sĩ Lê Thiết Cương tiết lộ: Có 3 duyên nhỏ tạo thành 1 duyên lớn để Di cảo Đặng Đình Hưng ra đời.
Trước hết, năm 2021, sau khi Một bến lạ (tập thơ và họa của Đặng Đình Hưng do nhóm nhà thơ Hoàng Hưng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện) ra mắt độc giả, Lê Thiết Cương được một số bạn bè tin tưởng đưa cho những bản thủ bút các tác phẩm của Đặng Đình Hưng.
"Tất cả đều chưa từng xuất hiện và họ mong muốn, một ngày nào đó nó có thể xuất bản để mọi người đều được biết tới. Di cảo như tên gọi của nó là những gì chưa xuất hiện. Nó cần phải được phổ biến để bức chân dung của tác giả hoàn chỉnh hơn" - ông Cương cho biết. Hơn thế, họa sĩ còn làm cuốn di cảo này bởi yêu thơ Đặng Đình Hưng và bởi tình cảm sâu nặng của một học trò dành cho người thầy của mình.
"Tôi được đọc thơ Đặng Đình Hưng cách đây 40 năm. Thích và "nhập" ngay vì thơ cụ lạ, mới, hiện đại. Đến bây giờ, vẫn hay vì vẫn mới" - ông bộc bạch - "Tính đến khi cụ Đặng Đình Hưng mất (tháng 12/1990), tôi được làm học trò của cụ khoảng 6 năm. Cụ dậy tôi về nghệ thuật nói chung trong đó có hội họa. Cụ là thầy của tôi".
Trong ký ức của mình, Lê Thiết Cương đã quá quen với hình ảnh Đặng Đình Hưng ngồi yên lặng, nhiều giờ bên chén rượu - ngoài chợ, ở quán ăn hay ở nhà cũng vậy - để cảm nhận xung quanh và cảm nhận mình.
"Những cảm nhận đó được ông viết thành tác phẩm Ô mai dưới dạng nửa thơ, nửa văn xuôi với nhân vật chính "người thể nghiệm" (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1993). Những lúc ông vào cơn "thể nghiệm" tôi thường lặng lẽ ra ngoài" - ông Cương hồi tưởng - "Nghe tiếng ông gọi, tôi vào chuẩn bị cho ông mầu, bút. Ông bảo, bóp cho ông ít mầu ra đĩa. Ông chọn một cái bút, nâng lên, đặt xuống vài lần, chấm vào mầu. Và rất nhanh "vẽ" lên mặt toan mấy chữ, chính xác là hai chữ, đọc thành ba âm tiết: Đêm Virgule (Đêm dấu phẩy)".
Khoảnh khắc "thể nghiệm" này của nhà thơ Đặng Đình Hưng đã để lại trong Lê Thiết Cương ngày đó bao xúc cảm khó lý giải: "Thực sự đó là một bài thơ, hay đó là một bức tranh vẽ về một bài thơ? Tôi không biết. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng gì ,vì nó chính là bài học đầu tiên ông khai mở cho tôi về quan niệm tối thiểu trong nghệ thuật mà tôi vẫn đang đi cho đến tận hôm nay".
Đón nhận những tình cảm đặc biệt dành cho cha của mình, NSND Đặng Thái Sơn đã không giấu nổi xúc động tại sự kiện. Ông chỉ nói ngắn gọn: "Bố Đặng Đình Hưng giờ đây không chỉ thuộc về gia đình, mà thuộc về tất cả mọi người".
Để bày tỏ thêm, nghệ sĩ này "đáp lễ" bằng một bản nhạc ngắn của Chopin - bản nhạc mình từng chơi cho cha nghe ở tuổi 13 và được cha rất thích. Đó cũng là những năm tháng Đặng Thái Sơn có nhiều thời gian sống cùng cha.
"Bố Đặng Đình Hưng giờ đây không chỉ thuộc về gia đình, mà thuộc về tất cả mọi người" - NSND Đặng Thái Sơn
Cô đơn toàn phần mới sinh sáng tạo
"Cảo thơm lần giở…" thơ Đặng Đình Hưng vẫn khiến bao thế hệ người đọc hôm nay không thôi tâm tư về những cách tân, thể nghiệm của ông. Và bài thơ Tôi có trăm xu in trong cuốn di cảo là một ví dụ như thế.
"Khi mới tập làm thơ, tôi được một nhà thơ đưa cho bài Tôi có trăm xu. Ông bảo, đọc đi, tôi không hiểu gì hết. Nhưng tôi cảm giác có một điều gì đó thật lớn lao, bí ẩn trong bài thơ ấy" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) kể - "Tôi đã nghĩ một ngày nào đó, khi lớn lên, mình có thể xâm nhập bài thơ này và tìm cách hiểu nó. Nhưng đến 30 tuổi rồi 50 tuổi, tôi vẫn không hiểu. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết".
Nghe một bạn đọc trẻ đọc lại bài thơ này tại sự kiện ra mắt Di cảo Đặng Đình Hưng, ông Thiều bày tỏ: Tôi có trăm xu đã đi xuyên không gian, nó trụ lại và vang lên trong từng thế hệ người đọc. Mỗi thế hệ ấy đều có những người đón nhận nó, dù có thể không nhiều. Nhưng, chính điều này đã tạo nên tầm vóc của Đặng Đình Hưng.
Còn nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cho rằng, tư tưởng thơ của Đặng Đình Hưng hướng về sự hiện đại. Như lời ông, nhà thơ từng có một câu nói rất hay: "Cô đơn toàn phần mới sinh sáng tạo". Chính sự cô đơn này đã biến thành động lực để tạo ra những sáng tạo mang tính chất đột phá trong thơ của Đặng Đình Hưng.
Theo nhà nghiên cứu này, vốn là một nhạc sĩ, Đặng Đình Hưng khi làm thơ rõ ràng phải có những độc đáo hơn so với những người khác.
"Trong thơ của Đặng Đình Hưng chất âm nhạc rất nhiều. Ở đây, chất âm nhạc không phải là nhạc điệu mà là nhịp điệu. Nhịp điệu là thứ âm nhạc bên trong, còn nhạc điệu chỉ là thứ âm nhạc bên ngoài. Dĩ nhiên cảm thụ thứ âm nhạc bên trong luôn khó hơn! Thơ Đặng Đình Hưng chính là nhịp điệu, ảnh hưởng từ âm nhạc. Cho nên ngôn ngữ thơ Đặng Đình Hưng tuôn chảy với nhịp điệu giàu có" - ông Thúy phân tích.
Nhà phê bình này nói thêm: "Những tác phẩm tiêu biểu của Đặng Đình Hưng như là sự mô phỏng những tác phẩm âm nhạc. Ở đó, Bến lạ như một bản giao hưởng có rất nhiều bè. Những bè đó vừa hòa vào nhau, vừa có những nối cặp đối với nhau. Còn Ô mai lại giống như một vở nhạc kịch".
Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy còn đặc biệt nhấn mạnh, "âm nhạc vào thơ" của Đặng Đặng Đình Hưng là một đặc điểm độc nhất so với những nhà thơ cách tân cùng thời như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.
"Giữa Hoàng Cầm và Trần Dần, tôi nghĩ Đặng Đình Hưng đứng ở giữa. Trần Dần thiên về mặt trí tuệ, lý trí. Hoàng Cầm lại thiên nhiều về nghệ thuật, bản năng. Và, Đặng Đình Hưng là người đứng giữa 2 cực đó. Chính vị trí đứng giữa này tạo ra vị thế không thể thay thế của Đặng Đình Hưng" - ông bày tỏ.
Tags