Chào tuần mới: Hạn chót cho 'ma men'

Thứ Hai, 23/12/2019 07:16 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần lễ cuối cùng của năm 2019 là thời hạn chót để chúng ta trau dồi bản lĩnh trước sự mê dụ của “ma men”. Bởi vì, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, người dân khi tham gia giao thông chỉ được phép lựa chọn: đã uống bia rượu thì không điều khiển xe, dù là xe đạp.

Sống chậm cuối tuần: 'Tiếng ồn' bia rượu

Sống chậm cuối tuần: 'Tiếng ồn' bia rượu

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vừa được trình Quốc hội dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, làm nóng cả nghị trường lẫn dư luận xã hội.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm gồm: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…

Bên cạnh đó, Luật nêu rõ những nơi không được uống rượu, bia, gồm 7 địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đển chất lượng lao động…

Có thể coi đây là thời điểm của lịch sử, là thử thách với nhiều người trong cuộc chiến chống lại thói quen lạm dụng bia rượu của chính mình. Với cơ quan thực thi luật pháp, phải làm cách nào đây để khi áp dụng luật, người tham gia giao thông sẽ “tâm phục khẩu phục” khi bị xử phạt, phải có biện pháp ra sao để việc tuyên truyền luật mới được sâu rộng đến mọi người. Nhất là khi Luật mới về bia rượu khi lái xe rất quyết liệt: Cấm tiệt, không còn quy định nồng độ cồn trong máu phải trên ngưỡng mới bị coi là vi phạm như trước đây và mở rộng đến các đối tượng tham gia giao thông. Thêm nữa lại có những điều khoản mới như là“cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia”, vậy thì bằng chứng nào cần phải có để đưa ra xử phạt?...

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thói quen lạm dụng rượu bia đến bây giờ có lẽ không cần phải nhắc lại, chúng ta ai cũng biết rõ cả. Cái điều mà tôi cho rằng phải quan tâm đấy chính là luật mới như vậy liệu đã đủ sức buộc cho mọi người phải thay đổi chưa hay là vẫn vin vào lý do này kia để trì hoãn, “mặc cả” khi vi phạm? Nhất là khi thời điểm cuối năm Âm lịch, sắp bước sang năm mới là giai đoạn mà các cuộc vui, hội họp, tiệc tùng… luôn tưng bừng trên nhiều vùng miền cả nước. Vì nhiều lý do, vin vào những “tục lệ” xưa nay để “đến hẹn lại uống”…

Khó, nhưng không phải vì thế mà không thực thi, luật đã ban hành rồi cho nên chúng ta buộc phải tuân thủ. Cũng vì khó cho nên từng cá nhân buộc phải có những thay đổi từ trong suy nghĩ của mình và phải dứt khoát làm ngay, không chần chừ.

Chắc hẳn mọi người sẽ đồng tình và ủng hộ khi chúng ta biết rằng trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 12.675 vụ TNGT, làm chết 5.659 người, bị thương hơn 9.619 người. Theo một con số thống kê trước đây, có đến 60 - 70% những vụ tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân liên quan từ việc uống rượu bia.

Và tôi tin rằng chẳng ai lại ủng hộ việc uống rượu bia để rồi xảy ra tai nạn với chính bản thân mình trước, sau là ảnh hưởng đến mọi người.

Chính vì vậy, hãy thay đổi. Có thay đổi được không và bằng cách nào thì từng cá nhân chúng ta hãy suy nghĩ và lựa chọn. Nhưng tôi cho rằng, lúc này không phải là thời điểm phù hợp để nói rằng chúng ta chưa thích nghi, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bởi cuộc sống thì vẫn luôn tiếp diễn hàng ngày, những tai nạn giao thông vẫn cứ liên tiếp xảy ra, nguy cơ rình rập không “chừa” một ai.

Thay đổi thói quen lạm dụng rượu bia để an toàn hơn khi đi lại chưa bao giờ là việc làm muộn hay quá muộn đối với bất kỳ ai cũng như đối với cả cộng đồng.

Quốc Thắng

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›