Chào tuần mới: Dư âm từ giỗ Tổ

Thứ Ba, 08/04/2025 06:58 GMT+7

Google News

Bất chấp trời mưa phùn, hàng vạn người vẫn nối nhau thành kính tới dâng hương tại đền Hùng (Phú Thọ). Đó là thông tin được ghi nhận trên các báo, trong ngày giỗ Tổ 10/3 Âm lịch hôm qua (7/4).

Những chuyến hành hương ấy cho thấy: Với cộng đồng, dịp giỗ Tổ luôn gắn với một nhu cầu tâm linh thiêng liêng, chứ không đơn thuần chỉ là ngày nghỉ mang tính "khởi động" trước kỳ nghỉ dài cuối tháng 4.

Và thực tế, từ 2007, ngày 10/3 Âm lịch tại Việt Nam mới được quy định là ngày nghỉ lễ theo Luật Lao động sửa đổi. Nhưng, những chuyến hành hương và tâm thức hướng về ngày Giỗ Tổ đã tồn tại từ rất lâu trước đó.

Chào tuần mới: Dư âm từ giỗ Tổ - Ảnh 1.

Đông đảo người dân về Đền Hùng dự ngày Giỗ Tổ. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Như lời nhà sử học Dương Trung Quốc, từ một tập quán tín ngưỡng lâu đời ở Phú Thọ - cái nôi của người Việt Nam thuộc châu thổ Bắc Bộ - giỗ Tổ đã sớm đi vào chính sử các triều đại tự chủ (đặc biệt là từ thời Lê sơ) để trở thành cốt lõi về ý thức cùng chung cội nguồn của dân tộc. Và cũng từ đó, các ý niệm về "đất Tổ", "thờ Tổ", "giỗ Tổ" đã trở thành những điều thiêng liêng trong lịch sử của chúng ta.

Để rồi, từ năm 2012, khi được UNESCO ghi danh là Di sản Thế giới, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã gắn với sự công nhận của thế giới về truyền thống đạo lý của người Việt Nam, với những cuộc hành hương vĩ đại về với nguồn cội, gắn kết mọi thành phần trong xã hội để quốc gia bền vững trường tồn.

Như thế, vượt lên giá trị của một ngày nghỉ, dịp giỗ Tổ còn mang theo một nhu cầu sâu sắc, bền bỉ của cộng đồng: Tìm kiếm ý nghĩa và sự gắn kết giữa nhịp sống gấp gáp đầy biến động.

Trong dòng chảy ấy, giỗ Tổ là khoảng lặng hiếm hoi để mỗi người dừng lại, nhìn về nguồn cội, và hiểu rằng chúng ta không phải là những cá thể cô lập, mà là mắt xích của một chuỗi giá trị kéo dài hàng ngàn năm trong truyền thống.

Và, cũng không phải ngẫu nhiên: Theo một số tư liệu, giỗ Tổ trong quá khứ từng được tổ chức vào mùa Thu, trước khi cố định chuyển sang ngày 10/3 Âm lịch (từ năm 1917) - thời điểm gắn với dịp Thanh minh trong văn hóa phương Đông.

Đó là thời điểm tiết trời trong sáng nhất của năm, thích hợp với các nghi thức chăm sóc, dọn dẹp để mộ phần gia tiên trở nên khang trang, sạch sẽ. Giống như, với đạo lý "cây một gốc, con một bọc" của người Việt Nam, tục giỗ Tổ đã có sự tiếp biến và giao thoa với tục thờ cúng tổ tiên ông bà của chúng ta, khi cộng đồng cùng hướng về một tổ tiên chung cho cả dân tộc.

Một kỳ nghỉ vừa chấm dứt để bắt đầu vòng quay mới với sự thanh thản từ đáy lòng mỗi người - khi giữa nhịp sống gấp gáp, chúng ta vừa có dịp quay về với bệ đỡ tinh thần là những giá trị của gia đình, tổ tiên, nguồn cội.

Trí Uẩn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›