Chúng ta bước sang tuần mới, với dư âm từ một tin vui: Ít ngày trước, UNESCO vừa chính thức công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tin vui ấy cũng khép lại một năm rất thành công cho các hồ sơ di sản của Việt Nam khi đệ trình lên UNESCO. Trước đó, vào tháng 5, "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở hoàng cung Huế" được đưa vào danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 9.
Riêng với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, sự công nhận từ UNESCO không chỉ mang lại cho Việt Nam danh hiệu thế giới lần thứ 16 thuộc về Di sản văn hóa phi vật thể. Xa hơn, nó còn giúp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu thêm một di sản thế giới thứ 2 ở lĩnh vực này, sau Đờn ca tài tử Nam bộ (được công nhận năm 2013). Có nghĩa, đây vừa là câu chuyện chung của sự độc đáo và đa dạng trong văn hóa Việt Nam, vừa là niềm tự hào gắn với một vùng đất trong việc khẳng định bản sắc.
Cũng cần nhắc lại, từ trước khi trở thành Di sản thế giới, thậm chí trước khi là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (2014), lễ hội này đã thu hút một lượng rất lớn du khách trong và ngoài nước mỗi khi được tổ chức vào cuối tháng 4 âm lịch hàng năm.
Bởi, bên cạnh nét đặc sắc về nghi lễ, diễn xướng hoặc không gian thiêng, lễ hội này còn gắn với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ - vốn được nhiều nhà nghiên cứu cho là ra đời từ nhiều thế kỷ trước và luôn in đậm trong tâm thức cộng đồng.
***
Hiện tại, với từ sự vinh danh của UNESCO, chắc chắn sức hút từ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Đó vừa là hiệu ứng tất yếu của một danh hiệu lớn, vừa ít nhiều gắn với xu thế hiện đại - khi tại nhiều địa phương, những di sản truyền thống đang được phát huy như thành tố quan trọng nhất của du lịch nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung. Trường hợp của những lễ hội phía Bắc từng được UNESO vinh danh, như Hội Gióng hoặc Lễ hội đền Hùng, là minh chứng điển hình cho câu chuyện này.
Nếu có gì để nói thêm, thẳng thắn, đó chỉ là việc Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam có lẽ cũng nên tham khảo kinh nghiệm - và khuyến cáo của các chuyên gia - về việc bảo tồn bản sắc riêng sau khi trở thành di sản thế giới. Đó là việc phía quản lý tiếp tục "trao quyền" làm chủ lễ hội cho cộng đồng - chủ thể chính của di sản - như nó từng diễn ra những năm qua; là việc không can thiệp vào quy mô vốn có của lễ hội, đồng thời có những giải pháp xử lý khoa học để không gian lễ hội không bị ảnh hưởng trước lượng khách quá đông dồn về.
Bởi, về lý thuyết, bên cạnh niềm vui, việc được UNESCO vinh danh cũng đồng nghĩa với những trách nhiệm đang đặt ra cho chúng ta trong khâu bảo tồn một di sản văn hóa đã có giá trị như "tài sản chung" của cả nhân loại.
Còn bây giờ, hãy cứ tin rằng danh hiệu mới của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một sự khích lệ lớn cho những hồ sơ khác của Việt Nam đang được xây dựng để trình lên UNESCO như trường hợp Mo Mường, Nghệ thuật chèo - hoặc kể cả Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê cũng tại chính tỉnh An Giang.
Tags