Chúng ta vừa đi qua một tuần lễ đậm đặc những sự kiện gắn với Hà Nội nhân kỷ niệm tròn 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Để rồi, bước sang một tuần mới, dư âm của nó vẫn còn nguyên, bên cạnh nhiều hoạt động đang tiếp tục được duy trì trong sự hào hứng của cộng đồng.
Đa dạng và muôn màu sắc, mỗi sự kiện trong tuần qua lại vẽ nên một Hà Nội riêng, tùy theo những cách tiếp cận đặc trưng.
Rất nhiều hình ảnh Hà Nội, ở những bối cảnh và lát cắt thời gian khác nhau, đã được tái hiện lại trong chuỗi ngày qua.
Đó là những kiến trúc cổ kính đặc trưng của Thủ đô, với những mô hình chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, Cột cờ Hà Nội… được mô phỏng tạo hình tại phố đi bộ Hồ Gươm. Là những chiến lũy, nhà cổ, băng rôn khẩu hiệu… với đầy đủ các anh tự vệ mặc áo trấn thủ tại phố bích họa Phùng Hưng để đưa cộng đồng trở về với Hà Nội ở thời điểm cuối 1946.
Đó là những cuộc trưng bày tư liệu chỉ về một câu chuyện riêng gắn với lịch sử Hà Nội, ví dụ như những cửa ô trong quá khứ hay những cây bàng là chứng nhân của những thăng trầm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Hoặc, là những cuộc tọa đàm đủ "đánh thức" vô vàn ký ức của những người lớn tuổi, về cây cầu thép Long Biên bắc qua sông Hồng hay dấu ấn kiến trúc Hà Nội trong thời bao cấp.
Và tất nhiên, cũng không thể bỏ qua giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), với lễ trao giải vào ngày 8/10 vừa qua. Ở đó, chúng ta được chứng kiến và sẻ chia với những việc làm, tác phẩm, ý tưởng xoay quanh một Hà Nội cả trong quá khứ và tương lai - mà động lực tự thân cho những "quả ngọt" được tôn vinh ấy trước hết vẫn phải là tình cảm và sự nhiệt huyệt dành cho thành phố.
Nhìn vào sự náo nức, hồ hởi của những dòng người đổ tới mọi sự kiện văn hóa trong tuần qua có thể khẳng định: Ngày "sinh nhật" độc đáo mà lịch sử đặt cho Hà Nội vào 10/10 hàng năm cũng chính là dịp để cộng đồng bày tỏ tình cảm với Hà Nội.
Nói cách khác, đó chính là ngày hội thường niên để quy tụ những người yêu Thủ đô. Họ có thể là những chuyên gia, nghệ sĩ, nhà khoa học… cùng gặp nhau, chung vui rồi trở thành bạn bè, đối tác trong các dự án về nghiên cứu, phát triển Thủ đô. Và cũng có thể chỉ là những công dân bình thường, tìm thấy niềm vui được một lần chia sẻ cảm xúc với những người đồng điệu vừa thoáng gặp.
Chừng ấy là đủ. Không phải ai trong số hàng triệu người dân Hà Nội cũng là những nhà khoa học, là nghệ sĩ hay nhà quản lý để có thể đóng góp cho thành phố ở cấp vĩ mô, hoặc ở sự sáng tạo mang tính chất thiên phú. Nhưng ngược lại, là một công dân bình thường, bất cứ ai cũng có thể hướng về thành phố chỉ với lối sống, cách ứng xử và tình yêu của mình.
Giống như lời chia sẻ của KTS Hoàng Đạo Kính, người được vinh danh với Giải thưởng Lớn tại lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vừa qua. Ở đó, ông nói rằng Hà Nội của tương lai cần được tiếp tục được bồi đắp, lan tỏa và chắt lọc những giá trị tinh hoa - để tới một ngày, 8 triệu cư dân của thành phố đều có thể xưng danh một cách khiêm tốn, nhưng đủ tự tin: Tôi là người Hà Nội!
Tags