(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa có một kỳ nghỉ 3 ngày, gắn liền với dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Và trong chuỗi ngày nghỉ ấy, rất nhiều người đã chọn cho mình một chuyến hành hương để tìm về đất tổ ở núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ).
Cần nhắc lại, từ năm 2007, ngày 10/3 âm lịch mới trở thành ngày nghỉ lễ theo Luật lao động sửa đổi. Vậy nhưng, những chuyến hành hương như vậy đã tồn tại từ rất lâu trước đó, giống như câu “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”.
Rộng hơn, cũng từ rất lâu trong lịch sử, việc hướng về vua Hùng như một biểu trưng của lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên cũng đã là truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, trước mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương, dư luận đặt ra những lo lắng về cảnh chen chúc, xô đẩy trong ngày đặc biệt này.
Nỗi lo ấy là dễ hiểu, bởi cùng với sự phát triển của xã hội, lượng du khách đổ về đền Hùng trong dịp Giỗ tổ đã đông hơn trước rất nhiều. Như thống kê, khu vực đền Hùng hiện chỉ có thể đón tiếp cùng lúc 500.000 lượt người, trong khi lượng khách vào dịp Giỗ tổ thường đông gấp ba, gấp bốn con số đó.
Năm nay, như những gì được chứng kiến, công tác giữ trật tự, phân luồng giao thông tại đền Hùng đã tốt hơn trước, với gần 6000 cán bộ an ninh và tình nguyện viên được huy động để giữ trật tự.Và, cảnh giẫm đạp, xô đẩy cũng bị hạn chế phần nào.
Nhưng chỉ là hạn chế, bởi rất nhiều hình ảnh và clip được ghi lại vẫn cho thấy cảnh chen chúc của biển người lên đền Thượng với những em bé khóc nức nở, những người già tái nhợt vì nghẹt thở hay những đôi dép lăn lóc – khi chủ nhân của chúng đã bị dòng người cuốn bật đi mà không kịp cúi xuống chân mình.
Đó là điều đáng tiếc – khi lễ hội đền Hùng năm nay đã có thêm những nét văn hóa đẹp trong khâu tổ chức, chẳng hạn như yêu cầu du khách phải có trang phục phù hợp, hoặc vận động các gia đình tại Phú Thọ cùng làm một mâm cơm cúng trong ngày chính lễ.
***
Vượt lên những hạn chế về không gian lễ hội hay công tác tổ chức, rõ ràng, câu chuyện ở đây nằm ở cách đến với đền Hùng của khách thập phương. Bởi, những giải pháp về tổ chức đều không thay thế được một đòi hỏi cơ bản: ý thức tôn trọng trật tự công cộng của người trong cuộc.
Mà trước hết, đó là văn hóa xếp hàng – một ví dụ mang tính biểu tượng về sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời là biểu tượng về xã hội kỉ cương, trật tự.
Tình cờ, trước ngày Giỗ tổ vài tuần, một cuộc tọa đàm về văn hóa xếp hàng của người Việt” đã được tổ chức tại Hà Nội. Ở đó, đã có những ý kiến thẳng thắn rằng người Việt chưa có văn hóa xếp hàng – dù trong cuộc sống, chuyện xếp hàng vẫn diễn ra ở chỗ nọ, chỗ kia. Bởi, về bản chất, văn hóa xếp hàng chỉ đến khi chúng ta hình thành được một thói quen bền vững, và nhất nhất xếp hàng ở mọi nơi mọi lúc.
Chắc chắn, trong ngày hành hương hướng về tổ tiên, người đi lễ bằng tấm lòng cần có sự thanh thản, thành kính – thay vì bon chen, tranh giành. Nói cách khác, nếu việc nhớ về tổ tiên ông cha là một đạo lý đẹp cần gìn giữ, thì đạo lý ấy cần phải phát huy đúng cách, để xứng đáng với giá trị của mình.
Phải nhắc lại, từ năm 2012, UNESCO đã vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản Văn hóa Thế giới. Đó là sự thừa nhận của thế giới về truyền thống đạo lý của người Việt - với một cuộc hành hương vĩ đại về với nguồn cội tổ tiên, gắn kết mọi thành phần trong xã hội để quốc gia bền vững trường tồn.
Và, sẽ hoàn hảo hơn nữa, nếu trong ngày Giỗ tổ, chúng ta lại có dịp quảng bá hình ảnh về một cộng đồng kỷ luật và giàu tính văn hóa trong cách ứng xử nơi công cộng.
Sơn Tùng
Tags