(Thethaovanhoa.vn) - Mùa Hè 2020 gắn với những sân khấu rực lửa, bắt đầu từ châu Âu đến Nam Mỹ, và kết thúc tại châu Á. Rất có thể, đấy cũng là thời điểm kết thúc cuộc đua tranh giữa Cristiano Ronaldo với Lionel Messi, ở sân chơi quốc tế.
Đã hơn một thập niên trở lại đây, tâm điểm của bóng đá thế giới luôn là cuộc chiến Cristiano Ronaldo và Lionel Messi. Trong mọi hoàn cảnh, dù những đội bóng của họ không ở đỉnh cao, Ronaldo và Messi vẫn luôn tạo hiệu ứng vượt trên tất cả. Họ không chỉ là hai gương mặt vĩ đại nhất thế kỷ 21, cũng như thuộc hàng ngũ những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới, mà còn là những biểu tượng của bóng đá thương mại.
Ronaldo luôn cạnh tranh với Messi. Ngược lại, Messi cũng nhìn Ronaldo để tạo thêm động lực chiến đấu cho mình. Mới đây thôi, Ronaldo đã bày tỏ sự không hài lòng khi Messi bỏ anh lại phía sau, lập lục lục 6 lần giành Quả bóng Vàng. CR7 từ chối tham gia Gala mà France Football tổ chức, để tôn vinh Leo Messi. Trước đó, Ronaldo cũng “trốn” khi FIFA trao giải The Best 2019 cho Messi ở Milan, dù bản thân anh sống tại Turin cách không quá xa.
Thời gian không buông tha một ai. Đã đến lúc cuộc chiến giữa Ronaldo và Messi đi vào hồi kết. Ít nhất là sân chơi quốc tế không còn thời gian cho họ nữa, khi cả hai đều lớn tuổi.
EURO 2020: Lời cuối cho Ronaldo
Vài năm trước, Ronaldo từng tuyên bố anh muốn duy trì phong độ đỉnh cao đến năm 40 tuổi. Nhưng rất khó để CR7 đạt được mục tiêu, và diễn biến trong mùa giải 2019-20 với Juventus thể hiện rõ gánh nặng tuổi tác đang níu bước chân của anh. Ronaldo trở nên chậm chạp hơn, hiệu suất giảm, và bị che mờ bởi những người đồng đội trẻ trung hơn.
Trong những tháng cuối năm 2019, hiệu suất của Ronaldo chỉ ở mức trung bình. Tất cả những gì anh làm là tập trung vào các trận đấu cùng Bồ Đào Nha, trước các đối thủ rất yếu của bóng đá châu Âu, hòng tìm kiếm kỷ lục ghi bàn quốc tế. Chỉ riêng hai trận với Lithuania giúp Ronaldo tích lũy đến 7 bàn. Rồi thêm cả Luxembourg. Nhờ vậy, CR7 đã có 99 bàn quốc tế. Chỉ cần đá vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu (diễn ra trong năm 2021), Ronaldo sẽ dễ dàng vượt qua kỷ lục của huyền thoại người Iran, Ali Daei – tác giả của 109 bàn thắng quốc tế.
Ronaldo luôn thích những kỷ lục. Nhưng ở sân chơi lớn, cơ hội dành cho anh không nhiều. Ngày 5/2 tới, Ronaldo sẽ đón sinh nhật 35. Điều đó cũng đồng nghĩa, EURO 2020 có thể là giải đấu lớn cuối cùng của Ronaldo. Nếu tiếp tục khoác áo Bồ Đào Nha, CR7 đến World Cup 2022 cũng không còn ở đỉnh cao phong độ. Tất nhiên, liệu Bồ Đào Nha có giành vé đi Qatar hay không lại là chuyện khác.
Thế nên, EURO 2020 là cơ hội để Ronaldo ghi dấu ấn cho riêng mình. Năm 2016 ở Pháp, Bồ Đào Nha lần đầu tiên trong lịch sử vô địch một giải đấu lớn. Nhưng dấu ấn của Ronaldo không nhiều, và anh chỉ đóng vai khán giả trong trận chung kết. Có điều, để tỏa sáng tại EURO 2020 là điều không đơn giản với CR7, vì Bồ Đào Nha rơi vào bảng đấu có Đức, Pháp, và 1 trong các đội Iceland, Romania, Bulgaria, Hungary. Một bất lợi khác với Ronaldo và ĐKVĐ Bồ Đào Nha là bảng đấu này diễn ra ở Munich, Đức.
Sau thất bại ở The Best và Quả bóng Vàng 2019, năm 2020 không hứa hẹn nhiều điều ngọt ngào với CR7.
Copa America 2020: Áp lực của Messi
Giã từ rồi trở lại, nhận án treo giò vì lăng mạ trọng tài, tạm thời rút khỏi đội tuyển để nghỉ ngơi và tập trung cho Barca, có thể vắn tắt như thế về Leo Messi với Argentina những năm gần đây. Messi đang giữ kỷ lục 34 danh hiệu cùng Barca, và vừa có Quả bóng Vàng thứ 6 trong sự nghiệp. Nhưng bảng thành tích của anh với đội tuyển Argentina chỉ là tờ giấy trắng. Sự nghiệp của Messi với “La Albiceleste” gắn liền với thất bại, quá nhiều những lần lỡ hẹn dù tưởng như đã chạm tay vào vinh quang.
Messi đang giữ kỷ lục 70 bàn thắng cho Argentina. “La Pulga” cũng chỉ cần 10 trận đấu nữa để trở thành cầu thủ có nhiều lần khoác áo Argentina nhất. Messi đã có 138 trận, trong khi kỷ lục hiện tại là 147 trận, do Javier Mascherano nắm giữ.
Trong mắt người Argentina, Messi là huyền thoại, nhưng cũng tạo nên nhiều tranh cãi. Người ta vẫn hay nói, Messi nợ Argentina một danh hiệu. Liệu có hay không danh hiệu ở Copa America 2020, được xem là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa? Argentina và Colombia là đồng chủ nhà Copa America 2020 (mặc dù vậy, trận chung kết diễn ra ở Colombia). Hơn nữa, Messi đang cải thiện bản thân rất nhiều, đặc biệt là khả năng tạo đột biến từ những tình huống bóng chết.
Copa America 2020 cũng có thể là giải đấu lớn cuối cùng mà Messi còn ở đỉnh cao. Giải vô địch Nam Mỹ tiếp theo chỉ diễn ra năm 2024. Trong khi đó, World Cup 2022 được tổ chức vào cuối năm. Khi ấy, Messi 34 tuổi rưỡi, rất khó để duy trì phong độ như hiện nay. Cho dù lối đá “đi bộ” của Messi không mất nhiều sức, nhưng chắc chắn sức bền và cảm giác bóng cũng suy giảm theo thời gian. Điều kiện khí hậu ở Qatar cũng là một vấn đề không nhỏ.
“Ahora o nunca” (bây giờ hoặc không bao giờ), đây là câu gắn liền với Messi trước mỗi giải đấu lớn cùng Argentina, nhưng chưa bao giờ thành hiện thực. Mùa hè năm nay, chắc chắn “Messi, ahora o nunca” sẽ một lần nữa xuất hiện trên mặt báo chí Argentina, với tần suất cao hơn bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến anh.
Olympic Tokyo: Châu Âu trở lại?
Mùa Hè 2020 thêm sôi động với cuộc tranh tài ở Olympic Tokyo (23/7 – 8/8). Hiện tại, các khu vực châu Á, Nam Mỹ, Bắc – Trung Mỹ và Caribbean vẫn chưa tìm ra đại diện tham gia ngày hội ở Nhật Bản. Trong khi đó, 3/4 đại diện châu Âu đã từng ít nhất 1 lần giành HCV Olympic. Họ là Đức (thực tế, chiến thắng thời Đông Đức), Pháp và Tây Ban Nha. Đại diện còn lại là Romania.
Bóng đá Olympic hiện đại gắn với thất bại của châu Âu. Đã gần 3 thập niên trở lại đây, các đại diện từ lục địa già không thể chiến thắng. Tây Ban Nha năm 1992 là trường hợp gần nhất giúp cho bóng đá châu Âu giành HCV Olympic. Giải lần ấy, họ là chủ nhà (Barcelona). Kể từ đó đến nay, cũng chỉ 2 lần các đại diện châu Âu vào chung kết nhưng thất bại, là Tây Ban Nha năm 2000, và Đức ở Rio de Janeiro 2016. Trong 6 kỳ Thế vận hội từ sau Barcelona 1992, Nam Mỹ có 3 chiến thắng (Argentina 2, Brazil 1), 2 của châu Phi (Nigeria, Cameroon), lần còn lại thuộc về đại diện Bắc – Trung Mỹ và Caribbean (Mexico).
Trong quá khứ, Olympic từng là sân chơi của bóng đá châu Âu. Trong 13 kỳ liên tiếp, từ 1936-1992, HCV không vuột khỏi tay các đội bóng thuộc UEFA. Riêng Hungary có đến 3 lần chiến thắng trong thời gian này, hiện đang cùng Anh giữ kỷ lục giành HCV (chiến thắng gần nhất của Anh là 1912). Các đại diện châu Âu đều đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ chất lượng. Tokyo 2020 là cơ hội để lục địa già hồi sinh.
Ngọc Huy
Tags