GÓC ANH NGỌC: Những ngày Milan trở thành 'thuộc địa' Tây Ban Nha

Thứ Năm, 26/05/2016 07:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - "Cả Madrid sẽ có mặt ở Milan", Antonio, một người bạn Tây Ban Nha của tôi đã nói thế. Cậu sinh viên trẻ mà tôi từng gặp trên một chuyến tàu từ Kiev sang Warsaw sau trận chung kết EURO 2012 ấy là một "blanco" (cổ động viên Real) và cậu sẽ có mặt ở San Siro cho trận derby Madrid tối thứ Bảy này, khi Milan trở thành một thành phố của xứ Iberia.

Những người Milan liệu có thể chịu đựng nổi cái cảnh này không, nhất là khi họ là Milanista hay Interista, cổ động viên khốn khổ của hai đội bóng ở cái thành phố đã từng là thủ đô của bóng đá Ý trên đất Châu Âu: hơn 40 nghìn cổ động viên Tây Ban Nha sẽ ùa tới thành phố lớn nhất của miền Bắc nước Ý, phất cờ trên những con phố của thủ phủ xứ Lombardy, diễu hành và phô trương lực lượng bằng tiếng hát, tiếng thét, tiếng trống ầm ỹ trên những quảng trường, quán bar, các restaurant? Họ sẽ nghĩ gì khi các "blanco" và "colchonero" (cổ động viên Atletico) mang đến bày ở trung tâm Milan bản sao của những đài phun nước nổi tiếng Cibeles và Neptuno ở Madrid, những nơi mà họ thường xuyên ăn mừng sau mỗi chiến thắng vang dội? Và họ nghĩ gì khi báo chí Tây Ban Nha gọi dòng người đổ về Milan cho trận đấu này là một cuộc xâm lược?

Một cái tát vào mặt của các fan bóng đá ở Milan! Phải, có khi còn hơn thế, và vì hôm ấy là thứ Bảy, không ít người ở đây đã nhân cơ hội ấy để trốn khỏi thành phố, đến một nơi nào đó để không phải chứng kiến một cuộc "xâm lược Tây Ban Nha", không phải thở dài khi nghĩ đến cái cảnh bi đát mà các đội Milan và Inter của họ đã sống trong những mùa bóng thất bại và thất vọng, với một tương lai không biết có màu gì. Những người Milan sẽ làm gì? "Tôi sẽ về quê mẹ tôi ở xứ Marche để khỏi bị làm phiền bởi sự ầm ỹ", một người bạn của tôi, Federico, một milanista, trả lời.


Trận Chung kết Champions League mùa này diễn ra ở Milan

Còn người Inter? "Tôi sẽ chui vào một quán bar nào đó và uống thật say, để hôm sau tỉnh dậy thì trận đấu cũng đã qua rồi", Domenico, một người bạn khác trả lời qua nhắn tin. Và Antonio, anh chàng Tây Ban Nha rất hay toe toét đã từng có mặt ở Kiev và ăn mừng thâu đêm chiến thắng của Tây Ban Nha trước Ý trong trận chung kết EURO 2012? "Chúng tớ sẽ cố gắng kìm nén để không làm gì chọc vào nỗi đau của họ", cậu trả lời. "Nhưng nếu hứng quá, chúng tớ sẽ phát cuồng lên đấy và chọc giận họ chưa biết chừng".

Và rồi, một cách rất tự nhiên, những hình ảnh của quá khứ tràn về. Tháng 5/2007, ở quảng trường Duomo, người ta đã từng chứng kiến một trong những lễ ăn mừng lớn nhất của thời hiện đại. Hồi đó, cả Inter lẫn Milan đều đăng quang, trên những mặt trận của riêng họ. Các interista đổ ra các con đường dẫn đến Duomo và phủ cái không gian rộng lớn cổ kính ấy một màu xanh-đen bất tận sau khi Inter đoạt Scudetto, danh hiệu vô địch Serie A đầu tiên mà họ giành được trên sân cỏ sau 18 năm.


Lần thứ hai kể từ mùa 2013-14, hai đội bóng thành Madrid lại so tài với nhau ở Chung kết Champions League

Nhưng lễ ăn mừng của Milan sau đó hai tuần còn lớn thế nữa. Đội bóng của Berlusconi vừa trở về từ Athens sau chiến thắng Liverpool và biến toàn bộ nơi đây thành một sàn nhảy tập thể trong màu đỏ-đen, vừa là để ăn mừng thắng lợi, vừa là để chế giễu các fan của Inter, rằng chiếc Cúp Champions League của Milan "to hơn". Những buổi ăn mừng còn to hơn thế cũng được tổ chức ở Duomo ba năm sau đó, không chỉ một, mà hai lần, sau Scudetto và Champions League năm ấy của Inter. Lần gần nhất người ta chứng kiến Duomo trở thành sân khấu của lễ hội đăng quang cách đây đã 5 năm, khi Milan của Ibra đoạt Scudetto.

Không có một thành phố nào ở Châu Âu có vinh dự lớn lao như Milan, khi cả hai đội Milan và Inter đã giành tổng cộng 10 Cúp C1/Champions League (Madrid cũng giành 10 chức vô địch Cúp này, nhưng đều thuộc về Real, chưa có Cúp nào cho Atletico). Milan cũng là một trong số những thành phố đăng quang nhiều trận chung kết Cúp C1/Champions League nhất (3 lần). Nhưng niềm tự hào về bóng đá ấy đêm thứ Bảy có thể trở thành một sự bẽ bàng cho những đội bóng đã khiến Milan từng là một vùng đất hứa của bóng đá.


Các CĐV Real Madrid và Atletico Madrid sẽ tràn tới Milan vào cuối tuần này để xem Chung kết Champions League

Milan đã trải qua năm thứ hai liên tiếp không được dự Cúp Châu Âu và mùa bóng mới rồi kết thúc ở vị trí thứ 7, qua tay 2 HLV (các HLV thứ 3 và thứ 4 trong vòng 2 năm qua) để rồi từ mùa tới có thể nói tiếng Trung Quốc. Inter đã sưu tập vô số lời ngợi khen trong nửa đầu mùa bóng, khi họ dẫn đầu bảng, trước khi một quá trình sa sút không phanh kéo dài lôi tuột họ xuống phía dưới. Báo chí viết rằng, Inter cũng có khả năng sẽ rơi vào tay của những người Hoa.

Thất bại trên sân cỏ, thất bại trong làm ăn, thất bại trong những nỗ lực trở lại với đỉnh cao, Milan và Inter chính là những hình ảnh trái ngược với những gì đang diễn ra với Real và Atletico, khi hai đội bóng Madrid này sẽ gặp nhau lần thứ hai trong vòng 3 năm qua, trở thành một biểu tượng của thành công đáng thèm muốn cho bất cứ ai.


Milan đã trải qua năm thứ hai liên tiếp không được dự Cúp Châu Âu

Zidane và Simeone, những người đã từng khoác áo các đội bóng Ý, không lạ gì Milan và San Siro. Zidane đã từng cùng Juve hạ nhục Milan đến 6-1 ở đây vào một ngày tháng 4/1997. Simeone cũng không thiếu kỉ niệm đẹp ở nơi đây, khi anh thi đấu nhiều mùa bóng trong màu áo Inter và Lazio. Những người ấy sẽ trở lại nơi này trên cương vị của HLV của những đội bóng kiểu mẫu của thời hiện đại trong hình dáng của Real và Atletico.

Những hồi ức của ngày xưa ở đây giống như những viên gạch xây lên những tượng đài mang tên họ. Và những ai yêu calcio nhìn họ và khâm phục. Những hồi ức về các ngôi sao lớn mà Milan và Inter đã từng sở hữu cách đây chưa lâu cũng trở thành một nỗi nhức nhối trong lòng các milanista và interista bởi hiện tại đau buồn. Bao giờ những ngày xưa mới trở lại...   

Dù thế nào chăng nữa, không phải mọi điều đều quá tồi tệ và bi quan. Khi người Tây Ban Nha đưa tới đây các bản sao của những đài phun nước Cibeles và Neptuno (chính là tên của những vị thần Hy Lạp, một vị là thần đất, vị kia thần biển) cùng với hàng vạn cổ động viên, họ cũng bị người Milan "móc túi", như một sự đền bù về việc mất mặt trên khía cạnh bóng đá, khi giá khách sạn đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Thu nhập mà thành phố Milan ước tính từ việc đăng cai chung kết này lên tới hơn 60 triệu euro....        

                          Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›