(Thethaovanhoa.vn) - Thông thường, ngày 30/6 với bóng đá châu Âu là khoảng thời gian lặng lẽ nhất. Dịch Covid-19 chuẩn bị tạo ra những quả bom hẹn giờ vào ngày 30/6 năm nay với sức công phá tàn khốc tới làng túc cầu lục địa già.
Tuần trước, trong cuộc họp trực tuyến khẩn cấp được Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tổ chức, các giải đấu đã được ấn định ngày hoàn tất là 30/6 tới, tức chỉ còn khoảng gần 100 ngày nữa.
Quá khó để hoàn tất mùa giải
Bây giờ thì sao? Chẳng có bất cứ một lời đảm bảo nào về khả năng trái bóng có thể lăn bình thường tại châu Âu vào thời điểm ấy, chứ chưa nói đến việc mùa giải 2019-20 có thể được hoàn tất. Cứ mỗi ngày những dòng tin về Covid-19 lan tràn khắp toàn cầu, thì việc các giải VĐQG châu Âu khóa sổ trước tháng Bảy trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
UEFA cũng chẳng có lý do gì để áp ngày 30/6 kia trở thành “deadline” cho tất cả các giải đấu với tình hình dịch bệnh chưa dễ gì kiểm soát ở châu Âu như hiện nay. Một cơ chế sẵn sàng điều chỉnh lịch thi đấu của Champions League và Europa League, dự kiến bắt đầu khởi tranh vào tháng Bảy tới, chính là sự thừa nhận rõ nhất quá khó để hoàn thành mùa giải này như dự tính.
Mốc thời gian 30/6 thật ra chính là thời điểm để những rắc rối về pháp lý hiện hình dưới các quả bom hẹn giờ. Dễ thấy nhất, thời điểm ấy là lúc hợp đồng của nhiều cầu thủ tại châu Âu sẽ đáo hạn. David Seligman, một luật sư thể thao của công ty luật Brandsmiths tại Anh lý giải: “Thật bất thường nếu hợp đồng của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp không kết thúc vào ngày 30/6, trừ phi là hợp đồng ký theo từng tháng hoặc một bản hợp đồng cho mượn”.
Hầu hết các đội bóng đều có ít nhất một cầu thủ sẽ trở thành cầu thủ tự do nếu không ký vào bản hợp đồng mới trước khi tháng Sáu kết thúc. Riêng Chelsea thậm chí có đến ba cầu thủ trên hàng công gồm Pedro, Willian và Olivier Giroud rơi vào hoàn cảnh như thế. Nếu Premier League hay bất cứ giải VĐQG châu Âu nào khác không hoàn thành trước ngày 30/6, tính đồng nhất về chuyên môn của các giải đấu sẽ bị đặt dấu hỏi, khi nhiều đội bóng có thể mất đi các cầu thủ chủ chốt trong giai đoạn quyết định mùa giải. Một giải pháp chữa cháy cho việc này là ký hợp đồng từng tháng một với các cầu thủ cho đến khi mùa giải kết thúc. Nhưng theo lời ông Seligman, điều này cần nhận được đặc ân từ các quan chức điều hành bóng đá Anh và không phải cầu thủ nào cũng chấp thuận phương án đó.
Những rắc rối không chỉ liên quan đến cầu thủ
Cơn đau đầu của các CLB không chỉ giới hạn ở thời hạn và lương bổng trong hợp đồng cầu thủ. Những điều khoản khác như tiền thưởng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nếu mùa giải kết thúc muộn hơn dự tính. Chẳng hạn, ông Seligman dẫn chứng khoản tiền thưởng 1 triệu bảng cho sự cống hiến của một cầu thủ cho CLB trong hợp đồng 4 năm: “Khoản tiền ấy một cầu thủ có thể nhận 250.000 bảng trong một năm. Một nửa đến vào ngày 1/9 ngay sau khi kỳ chuyển nhượng mùa hè kết thúc và nửa còn lại được nhận sau kỳ chuyển nhượng mùa đông”. Mọi thứ sẽ rối rắm nếu giả sử kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay phải dời lại sang ngày 1/10 mới mở cửa trong khi cầu thủ kia đã nhận tiền thưởng vào tháng 9 và rời CLB. Một cuộc chiến về pháp lý sẽ nổ ra vì CLB đó sẽ đòi lại khoản tiền ấy. Tiền thưởng cho những đóng góp trên sân cũng là một chuyện đau đầu khác. Chẳng hạn, một cầu thủ được nhận tiền thưởng nhờ việc đội bóng của anh ta vượt qua vòng bảng Champions League mùa này, nhưng điều gì xảy ra nếu mùa giải này bị coi là vô giá trị (null and void)?
Các CLB cũng sẽ “khó ăn khó nói” với các nhà tài trợ. Ông Seligman nêu ra một vấn đề khác: “Nếu thương hiệu nào đó không đặt quảng cáo vì CLB không thi đấu, tại sao thương hiệu ấy lại phải trả tiền cho một dịch vụ chẳng hề tồn tại và phục vụ?”. Tương tự như chuyện hợp đồng cầu thủ, nhiều hợp đồng tài trợ sẽ đáo hạn vào 30/6 tới và các thương hiệu có thể viện dẫn điều đó để từ chối việc trả tiền.
Tất cả những thành viên tham gia bóng đá, từ cầu thủ, CLB, người đại diện, quan chức và các bên có liên quan khác sẽ có hơn ba tháng để ngồi lại, phác thảo ra những vấn đề và tìm cách tháo gỡ. Bằng không, 30/6 năm nay sẽ mang đến những quả bom hẹn giờ nổ tung trái bóng châu Âu, để lại mớ rắc rối độc hại không kém dịch Covid-19.
Đức Hùng
Tags