Chung kết Champions League: Thiên đường đã mất

Thứ Bảy, 28/05/2016 20:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Báo chí Madrid, báo chí Milan mấy ngày nay cùng nhắc đến Zidane, Simeone và... Arrigo Sacchi. Zidane và Simeone đối đầu nhau ở chung kết thì rõ, còn Sacchi? Mấy ngày rồi, ông là người được hỏi ý kiến nhiều nhất về trận chung kết đáng được trông đợi ấy.

1. Sacchi đánh giá cao Simeone hơn, và bởi vậy, ông cũng đánh giá cao Atletico hơn, dù ở nhận định cuối cùng ông không hề dự đoán Atletico sẽ vô địch. Với uy tín của ông, người Madrid càng tin vào Atletico hơn, coi sự nổi trội của Simeone trong nghề là nguyên nhân chủ yếu để Real Madrid phải nằm ở cửa dưới.

Người Madrid nhắc đến Sacchi với ấn tượng của chiếc cúp C1 năm 1988-89. Đó là mùa giải mà Real loại đương kim vô địch PSV Eindhoven ở tứ kết và gặp Milan của Sacchi tại bán kết. Milan “làm gỏi” Real ở lượt về, sau khi đã hòa 1-1 tại Bernabeu, bằng một tỷ số kinh hoàng: 5-0 với 3 trong 5 bàn thắng ấy được ghi bởi những người Hà Lan bay (Gullit, Van Basten, Rijkaard) và 1 trong hai bàn còn lại là của Ancelotti, người đã khiến Simeone ôm hận ở Lisbon 2 năm trước. Milan đến chung kết, tại Camp Nou, với sự tự tin rất lớn, và họ hạ gục Steaua Bucuresti 4-0. Sau trận chung kết mang lại chức vô địch C1 đầu tiên cho Sacchi ở cương vị HLV, La Gazzetta dello Sports đã giật tít “Cosí si gioca soltanto nel Paradiso” (Đây là thứ bóng đá chỉ được chơi ở thiên đường).

Đúng là thiên đường, khi Milan tấn công đẹp mắt dựa trên những pha phối hợp nhuần nhuyễn của Donadoni-Ancelotti-Rijkaard-Van Basten-Gullit và lấn lướt hoàn toàn một Steaua Bucuresti của những thiên tài như Hagi, Stoica, Lacatus. Trận cầu ấy thực sự là bữa tiệc của tấn công, là bóng đá của thiên đường, thứ bóng đá mà sau này Capello đã coi nó như nền tảng để phát triển một Milan mà người Catalonia không muốn nhắc tới dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Góc chiến thuật: Muốn thắng Atletico phải có tốc độ

Góc chiến thuật: Muốn thắng Atletico phải có tốc độ

Vũ khí tốt nhất để phá vỡ boongke kiên cố mà HLV Diego Simeone sẽ dựng lên cho Atletico Madrid chỉ có thể là tốc độ. Thứ đã được Bayern dùng để ghi 2 bàn vào lưới Atletico và cũng là thứ mà Real có sẵn trong bản năng của họ.

2. Nhưng kể từ thời kỳ ấy đến nay, đã gần 30 năm, và bóng đá đã khác. Thiên đường không còn nữa, dù trận chung kết diễn ra ở Milan, nơi đã từng chứng kiến một thứ bóng đá của thiên đường.

Cuộc chiến giữa các triết lý bóng đá ở thời hiện đại đã chỉ còn gói gọn lại ở hai triết lý chủ yếu: Kiểm soát bóng và kiểm soát thế trận. Đỉnh điểm của đối đầu là Guardiola và Mourinho khi một bên (Pep) bị ám ảnh của thời gian kiểm soát bóng và một bên thì chỉ muốn báo thù những kẻ kiểm soát bóng bậc thầy bằng thứ bóng đá chặt chẽ, nhường quyền kiểm soát bóng như nhường độc dược, để đối thủ phải bộc lộ sai lầm liên tục vì giữ bóng quá lâu mà không tổ chức được tấn công một cách hiệu quả. Cuộc đối đầu ấy cuốn hút kinh khủng trong suốt chục năm qua nhưng bây giờ nó đã bắt đầu lỗi thời khi Simeone đã tạo dựng ở Atletico một thứ triết lý hoàn thiện hơn triết lý của Mourinho.

Simeone thích kiểm soát thế trận nhưng không bị ám ảnh bởi nó quá mức như Mourinho. Atletico biết lúc nào thì nhường quyền kiểm soát bóng (khi họ gặp đối thủ mạnh hơn) và lúc nào thì nắm lấy quyền kiểm soát bóng (khi gặp các đối thủ dưới tầm). Đó là một thứ bóng đá khôn ngoan, một thứ bóng đá thực dụng đến tận từng tế bào. Bởi vậy, dù chọn lối chơi chặt chẽ, cứng rắn, nặng tính chiến đấu nhưng không một ai dám chê Atletico là tiêu cực. Đơn giản, họ vẫn có những pha bóng ở đỉnh cao của nghệ thuật mà Griezmann, Saul, Koke đã thực hiện suốt thời gian qua.

3. Trong khi ấy, Real dù được những nhà báo Madrid ca ngợi là “vẻ đẹp gợi mở” đi chăng nữa cũng vẫn chơi một loại bóng đá thực dụng đã được giấu kín bởi lớp vỏ “đẹp mắt” kể trên. Zidane đã quy hàng trước sự thực dụng sau chính trận thua Simeone ở Liga, ngay tại Bernabeu. Và sự quy hàng đó đã dẫn đến một Real chấp nhận cửa dưới, chơi phản công ở El Clasico. Thứ bóng đá đó không thể nào được coi là “vẻ đẹp gợi mở” cả. Nó cũng là sự nhịp nhàng trên lằn ranh giữa triết lý kiểm soát bóng hay kiểm soát cuộc chơi. Chỉ có điều, Real dù sao cũng là đội bóng siêu mạnh nên việc họ nhún mình không diễn ra quá nhiều lần đủ để người ta có thể nhận ra cái thực dụng ấy của Zidane.

Và ở Milan, giữa một Real chấp nhận rằng Atletico là một đối thủ mạnh mẽ hơn mình với một Atletico trung thành với lối chơi đã thành thương hiệu, có thể nói, thiên đường đã mất, ngay trước mắt Arrigo Sacchi, người đã tạo ra bóng đá xứ thiên đường…

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, đội nào sẽ vô địch Champions League mùa 2015-16?


Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›