(Thethaovanhoa.vn) – Paulo Dybala rực sáng trước Barca, Gonzalo Higuain là người hùng ở Monaco, trong khi Mario Mandzukic im tiếng trong cả hai trận ấy. Không bàn thắng, không kiến tạo, nhưng đóng góp của chân sút người Croatia là không hề nhỏ...
- Juventus khó bị đánh bại với cặp tiền đạo... phòng ngự Mandzukic – Cuadrado
- Mario Mandzukic: 'Bóng ma' trong vòng cấm
- Hàng công Juve: Mario Mandzukic chưa thực sự đáng tiền
- Với Mandzukic, Juventus sẽ (phải) thay đổi thế nào?
- Mario Mandzukic: 'Ghét truyền thông và... Guardiola'
So với đội hình từng vào chung kết cách đây hai năm, Juventus đã không còn Pogba (sang Man United), Pirlo (New York City), và Arturo Vidal (Bayern Munich). Allegri, vì thế, không thể chơi với sơ đồ cũ. Ông đã đặt Dybala bên dưới Higuain, còn dưới nữa là cặp tiền vệ trung tâm Sami Khedira – Miralem Pjanic, cánh phải có Juan Cuadrado. Chỉ có một vấn đề nhỏ: họ không có một tiền vệ trái thực thụ nào, và ông đã quyết định thử nghiệm Mandzukic.
Trước đó, chưa bao giờ Mandzukic đá cánh. Anh thường xuyên chơi trung phong, và thậm chí được đặt biệt danh "thợ săn" khi đã ghi 48 bàn thắng chỉ trong hai mùa giải khoác áo Bayern. Nhưng sự hiện diện của Higuain khiến anh không còn là lựa chọn số một cho vị trí ấy nữa, mà để anh dự bị thì lại quá phí phạm. Trong quá khứ, Bayern từng bắt Mandzukic chơi như thế, và thất bại hoàn toàn. Bởi vậy, thử nghiệm của Allegri bị xem là quá mạo hiểm.
Nhưng rốt cục, Mandzukic đã chơi thành công ở vị trí chạy cánh trái, và anh được xem là một nhân tố bí mật đằng sau thành công của Juve. Mùa này, Mandzukic mới ghi vỏn vẹn 8 bàn sau 41 trận, thấp nhất kể từ năm 2006 và quá kém so với Paulo Dybala (18), Gonzalo Higuain (31). Nhưng đóng góp của anh không hề nhỏ, đặc biệt là ở khả năng... hỗ trợ phòng ngự.
Ở Champions League mùa này, Juve là đội bóng siêu phòng ngự, khi mới thủng lưới vỏn vẹn 2 bàn, còn khoảng thời gian sạch lưới liên tiếp đã lên tới 621 phút. Trong lối chơi ấy, Juve có tới 3 lớp phòng ngự, và những cầu thủ chạy cánh như Mandzukic hay Cuadrado (Daniel Alves) được coi là lớp phòng ngự đầu tiên. Họ có nhiệm vụ gây sức ép lên hàng thủ đối phương, chặn các đường chuyền phát động tấn công, đón trái bóng văng ra từ những tình huống tranh chấp, khép lại mọi khoảng trống của đối phương, đồng thời tạo không gian cho đồng đội.
Cùng với Alex Sandro, Mandzukic đã làm quá tốt nhiệm vụ ấy. Ở Monaco đêm hôm qua, Bernardo Silva và Nabil Dirar đã hoàn toàn bất lực trong việc triển khai tấn công bên hành lang do Mandzukic trấn giữ. Trước đó, Maxi Perreira, Andre Silva (Porto), Sergi Roberto và thậm chí là Lionel Messi (Barcelona) cũng bó tay trong nỗ lực xuyên thủng lớp phòng ngự đầu tiên này.
Song những đóng góp của Mandzukic quá thầm lặng, và ít người để ý đến, đặc biệt là những người có sẵn định kiến rằng đã là tiền đạo thì phải biết ghi bàn, hoặc chí ít là kiến tạo cơ hội. Đó là lý do nếu xét về tấn công, Mandzukic chỉ là cái bóng của Gonzalo Higuain, một cỗ máy làm bàn, hay Dybala, đại diện tiêu biểu của thế hệ sáng tạo mới. Còn nếu xét về khả năng phòng ngự, anh không được ngợi khen nhiều như Gianluigi Buffon hay bộ đôi Bonucci – Chiellini.
Mandzukic đã định nghĩa lại khái niệm tiền đạo, bằng cách hy sinh nhiều hơn, lùi vào bóng tối nhiều hơn, nhưng đóng góp thì không hề nhỏ. Anh chính là một người hùng thầm lặng trong chiến tích của "Lão bà".
Tuấn Cương
Tags