"Chạm đình trong phố" - Cuộc lãng du qua những ngôi đình cổ

Thứ Ba, 17/12/2024 07:14 GMT+7

Google News

Diễn ra giữa phố cổ Hà Nội, cuộc triển lãm Chạm khắc đình trong phố vừa qua đã đưa người xem "chạm" vào những tác phẩm chạm khắc gỗ truyền thống theo những cách rất khác nhau, với những giác quan khác nhau.

1. Cuộc triển lãm diễn ra từ cuối tháng 11 tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc, Hà Nội) do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích phối hợp với Bối Ân Studio thực hiện. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội đón nhận bằng Di tích lịch sử quốc gia, đồng thời cũng là 20 năm hoạt động không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (2004-2024).

"Chạm đình trong phố" - Cuộc lãng du qua những ngôi đình cổ - Ảnh 1.

Hình ảnh chạm khắc đình Kim Ngân được trưng bày trong triển lãm. Ảnh: Lê Bích

Triển lãm đã giới thiệu khoảng 80 tác phẩm từ nhiếp ảnh, điêu khắc gỗ, cho tới bản mô phỏng lại các bức chạm khắc ở nhiều ngôi đình trên địa bàn phố cổ quận Hoàn Kiếm. Các hình ảnh được thực hiện bằng công nghệ đồ họa, kỹ thuật kim hoàn… Cùng với đó, công chúng cũng được chiêm ngưỡng những ảnh chụp, dụng cụ chế tác kim hoàn ở nhiều làng nghề nổi tiếng của đồng bằng sông Hồng.

Được biết, đây là triển lãm đầu tiên do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội hợp tác với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích và Bối Ân Studio thực hiện. Lựa chọn đình Kim Ngân cho cú bắt tay đầu tiên này, Lê Bích cho biết: Nơi đây hội tụ nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo, có niên đại lâu đời. Đồng thời, đây còn là nơi thờ Hiên Viên Hoàng đế - ông tổ bách nghệ và ông tổ nghề kim hoàn Lưu Xuân Tín người Hải Dương.

"Chạm đình trong phố" - Cuộc lãng du qua những ngôi đình cổ - Ảnh 2.

Một góc triển lãm “Chạm khắc đình trong phố”. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ sĩ Lê Bích "bén duyên" với đình Kim Ngân từ năm 2011. Khi mới khánh thành sau 2 năm tôn tạo, anh đã là một trong những người đầu tiên có cơ may được chụp ảnh tại ngôi đình. Những năm trở lại đây, khi quận Hoàn Kiếm đã khôi phục lại được nhiều kiến trúc cộng đồng như đình Nam Hương, đình Hà Vỹ… Lê Bích cũng đã lưu lại nhiều bức ảnh tại những ngôi đình ấy. Nhờ vậy, nhiều tư liệu quý giá về kiến trúc độc đáo của những ngôi đình trong khu vực phố cổ đã được anh ghi lại bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Khi lên ý tưởng cho triển lãm, Lê Bích đã nghĩ ngay tới KTS Bùi Tiến (đại diện Bối Ân Studio). Anh Tiến phụ trách chuyển hóa ảnh của Bích thành những bức vẽ vector đơn nét. Phương pháp này sử dụng đồ họa máy tính để diễn giải lại hình ảnh dưới dạng 2D.

"Chạm đình trong phố" - Cuộc lãng du qua những ngôi đình cổ - Ảnh 3.

Từ hình ảnh vector, KTS Bùi Kiên đã ứng dụng vào công nghệ in ấn, phối thêm màu sắc và in trực tiếp lên vải. Ảnh: Bối Ân

Theo anh Tiến, mỗi hình ảnh trưng bày trong triển lãm đều có giá trị riêng, phục vụ cho đối tượng người xem nhất định. Chẳng hạn, với ảnh tư liệu của Lê Bích, đây là cơ sở để quan sát quá trình biến đổi của di sản theo thời gian. Trong trường hợp hiện vật bị hư hại, có thể tiến hành phục chế dựa vào tư liệu này. Còn hình ảnh vector do anh Tiến thiết kế rất có giá trị đối với những nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật. Cùng với đó, các nhà thiết kế, nghệ nhân có thể lấy đây làm cơ sở, sáng tạo nên các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.

"Chạm đình trong phố" - Cuộc lãng du qua những ngôi đình cổ - Ảnh 4.

Hình tượng linh vật la hầu trong điêu khắc gỗ được “vector hóa”, giới thiệu trong triển lãm. Ảnh: Bối Ân

Ở góc độ khác, sự khéo léo của người nghệ nhân trong việc hồi sinh hiện vật còn được minh chứng trong triển lãm qua những cấu kiện gỗ được tạo tác bởi KTS Nguyễn Giang (làng Chàng Sơn, Hà Nội).

"Chạm đình trong phố" - Cuộc lãng du qua những ngôi đình cổ - Ảnh 5.

Hiện vật được KTS Nguyễn Giang (làng Chàng Sơn, Hà Nội) phỏng dựng từ hình ảnh vector của KTS Bùi Kiên. Ảnh: Phúc Nam

2. "Chạm", theo Lê Bích, là một động từ mang nhiều nét nghĩa. Đó vừa là sự tiếp xúc bằng xúc giác vào hiện vật, vừa là kỹ thuật truyền thống để tạo tác ra những tác phẩm tuyệt mỹ.

Ở triển lãm, "chạm" hiện lên thật phong phú với những tác phẩm chạm khắc trên những cấu kiện gỗ của những ngôi đình nổi tiếng đất Kẻ Chợ. Và rồi, "chạm" lại thu hẹp không gian địa lý, trở về với phố Hàng Bạc - nơi nghề chạm bạc là sinh kế của người dân trong lịch sử xưa - trước khi đi xa hơn tới nhiều địa phương ở Bắc Bộ.

"Chạm đình trong phố" - Cuộc lãng du qua những ngôi đình cổ - Ảnh 6.

Chạm khắc đình Kim Ngân được số hóa, ứng dụng vào thiết kế thành hình ảnh vector. Ảnh: Lê Bích

KTS Bùi Tiến cho biết, điểm đặc sắc của triển lãm là việc tập trung nhiều hơn vào các kỹ thuật đặc trưng của từng làng nghề, thay vì chỉ giới thiệu những làng nghề kim hoàn nổi tiếng. Cụ thể, người xem có thể được tìm hiểu về kỹ thuật ghép tam khí của làng Đại Bái (Bắc Ninh) - sự kết hợp hoàn hảo giữa 3 chất liệu đồng, bạc và vàng trên một sản phẩm. Hoặc, đó là kỹ thuật làm quỳ làng Kiêu Kỵ (Hà Nội) - dát đập vàng, bạc để sơn thếp lên các sản phẩm thủ công.

Rồi, đó là kỹ thuật đậu của làng Định Công (Hà Nội) - kéo vàng, bạc thành những sợi chỉ với nhiều kích thước, rồi bện chúng thành các hoa văn sống động. Hoặc kỹ thuật thúc bạc của làng Đồng Xâm (Thái Bình) cho phép chạm trổ những món đồ mỹ nghệ bằng sự phối hợp nhịp nhàng giữa sức mạnh và sự tinh tế của đôi tay.

"Chạm đình trong phố" - Cuộc lãng du qua những ngôi đình cổ - Ảnh 7.

Hình ảnh la hầu được nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh (làng Định Công, Hà Nội) thực hiện bằng kỹ thuật đậu bạc. Ảnh: Bối Ân.

"Từ những chạm trổ công phu ấy, công chúng đến với triển lãm được chạm vào lịch sử" - KTS Bùi Tiến chia sẻ. Ở đó, lần "chạm" đầu tiên là bằng thị giác, từ các bức ảnh của Lê Bích. Các bức tranh vector do Bối Ân Studio minh họa, đưa người xem "chạm" tiếp vào hiện tại. Xa hơn nữa, anh Tiến bày tỏ, đích đến của triển lãm là chạm vào tương lai, vào những cái mới được nảy sinh từ di sản vốn có.

Còn như chia sẻ từ Lê Bích, anh mong đợi mình và các cộng sự sau triển lãm Chạm khắc đình trong phố sẽ mở ra nhiều triển lãm hơn nữa về các đình trong phố. Nhờ đó, cộng đồng sẽ có thêm nhiều sáng tạo mới, đưa hoa văn trên cao đến gần hơn với công chúng, và hòa nhịp cùng đời sống đương đại.

Phúc Nam

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›