(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ 18 ngày sau khi nghỉ việc, HLV Chung Hae Seong đã quay trở lại ngồi vào ghế cầm quân ở CLB TP.HCM. Quyết định “tái hợp” đã được đưa ra sau cuộc họp vào ngày 11/8 giữa lãnh đạo đội bóng cùng thuyền trưởng người Hàn Quốc. Từ việc thay đổi đến chóng vánh vị trí dẫn dắt ở CLB TP.HCM đến câu chuyện bầu Đệ “lấy phiếu tín nhiệm” của cầu thủ để sa thải HLV Fabio Lopez cách đây chưa lâu đã vỡ ra nhiều điều về cái gọi là “chuyên nghiệp kiểu V-League”.
“Với bóng đá chuyên nghiệp thì việc HLV chủ động từ chức, bị sa thải hay chia tay đội bóng được coi như hết sức bình thường mà chúng ta vẫn luôn được thấy. Còn câu chuyện HLV mất việc dựa trên kết quả của phiếu tín nhiệm từ cầu thủ hay mới hôm qua sa thải người ta, hôm nay quay lại cộng tác thì đúng là có điều gì đó rất lấn cấn.
Cái lấn cấn mà lâu nay chúng ta vẫn hay chép miệng “Đặc trưng bóng đá ta nó thế”. Một đặc trưng mà chúng ta vẫn thường thấy lâu nay ở môi trường V-League”, chuyên gia Đoàn Minh Xương mở đầu câu chuyện trong chuyên mục “Bàn tròn cùng Thể thao & Văn hóa” tuần này với chia sẻ như thế.
20 mùa giải chuyên nghiệp mà vẫn lơ mơ
Ông Đoàn Minh Xương nhìn nhận: “Đầu tiên phải nói rằng, V-League mặc dù đã được vận hành theo cơ chế chuyên nghiệp đã 20 mùa giải nhưng thực chất mọi thứ rất lơ tơ mơ. Nói cách khác, chuyên nghiệp với chúng ta không được quy củ, bài bản, chuẩn mực theo đúng những tiêu chí cần có để tất cả các mắt xích của nền bóng đá cùng nhau kết nối, vận hành.
Quá ít CLB của chúng ta đáp ứng cơ bản nhất những điều cần có khi tham gia vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp nếu nhìn trên nhiều khía cạnh khác nhau. Môi trường hoạt động đó, anh cần phải chuyên nghiệp ở tất cả mọi khía cạnh, từ công tác tổ chức, quản lý, điều hành cho đến con người, cơ chế, bộ máy cùng các điều kiện khác về tài chính, cơ sở vật vật chất”.
“Nói cách khác, các CLB ở ta mới chỉ hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp nửa vời hay qua loa, lấy lệ theo kiểu đối phó hơn là thật sự xây dựng đúng theo mô hình, lộ trình. Đa số các đội bóng sống dựa vào bầu sữa ngân sách hoặc nguồn tiền từ nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, các ông bầu khi đầu tư vào bóng đá đôi lúc cũng chưa am hiểu tường tận hết mọi vấn đề cần phải làm một cách nghiêm túc nhất. Thậm chí, có nhiều người đầu tư vào bóng đá để thực hiện những mục đích khác ngoài bóng đá.
Chúng ta thấy, ví như ở một đội bóng nào đó mà vai trò của các chức danh khác nhau chưa được hiểu đúng nghĩa thì rất khó để thực hiện công việc. Đâu là vai trò của lãnh đạo, của GĐĐH, GĐKT hay Giám đốc truyền thông chẳng hạn thì câu chuyện dài tay, va vấp, giẫm chân nhau sẽ luôn xảy ra.
Đó còn chưa nói đến việc những người ngồi các vị trí đó không đáp ứng năng lực chuyên môn về công việc của mình sẽ gây ra những xáo trộn và vô cùng bất cập”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: “Câu chuyện chung như thế còn nhìn riêng môi trường V-League, chúng ta thấy nhiều bất cập hay cả những chuyện không giống ai vẫn hay xảy ra. Ở nhiều đội bóng, chưa hẳn các HLV trưởng là người được toàn quyền quyết định chuyên môn từ khâu tuyển chọn con người, kế hoạch tập luyện hay chỉ đạo cầu thủ.
Thêm vào đó câu chuyện dài tay của ông chủ hay lãnh đạo đội bóng cũng tác động, gây ra nhiều khó chịu với các nhà cầm quân khi họ thực hiện công việc chuyên môn của mình. Khi ông chủ lạm dụng chuyện “cầm tay chỉ việc” như thế sẽ khiến những HLV, nhất là chuyên gia nước ngoài cho rằng mình không được tôn trọng”.
“Chúng ta không lạ gì chuyện nhiều ông bầu quyết định mua sắm con người theo ý thích hay quan điểm của cá nhân mình chứ không phải là HLV. Thậm chí, khôi hài hơn nhiều vị Chủ tịch CLB ngồi khu kỹ thuật hay vào phòng thay đồ để cầm sa bàn chỉ đạo phải đá thế này thế khác, rồi thay cầu thủ này, không dùng người kia cũng không hiếm với bóng đá chúng ta.
Nói tóm lại một khi chưa có được môi trường làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp sẽ là rào cản lớn nhất trong việc cầm quân của những HLV”.
Đến câu chuyện của những ông thầy ngoại
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng khi nhìn nhận tổng thể như thế chúng ta mới thấy hết được những đặc trưng hay bất cập mà bóng đá nước nhà đang đối mặt: “Nhìn từ V-League hay các giải đấu trong nước sẽ thấy được bức tranh chung của bóng đá nước nhà ở những tiêu chí để xây dựng môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Cụ thể ở câu chuyện của HLV Chung Hae Seong bây giờ hay Fabio Lopez trước đó mới thấy rõ được cung cách xử lý trước những tình huống đặt ra với các đội bóng. Như tôi nói ở trên, khi chúng ta chưa có được cung cách làm việc, hoạt động chuyên nghiệp thì sẽ dẫn đến những thái độ và cách ứng xử cũng không thể đáp ứng được tiêu chí đó”.
“Chúng ta là người ngoài cuộc, hẳn nhiên không thể biết rõ sự tình câu chuyện CLB TP. HCM nhanh chóng thay đổi quyết định là như thế nào. Có thể đội bóng nóng vội trong cách xử lý vấn đề khi hôm trước mới nói lời chia tay thì bây giờ nối lại công việc.
Ở đây, sẽ thấy CLB TP.HCM thời gian qua đã có nhiều đầu tư, tạo ra nét tích cực trong việc tổ chức đội bóng, nâng cao chất lượng con người hay đặt ra tham vọng ở các giải đấu.
Chúng ta ghi nhận những biến chuyển tươi mới về họ nhưng để có ngay thành tích thì chưa thể vội vàng như thế. Nói cách khác, cần những kiên nhẫn, cần thời gian và nhiều yếu tố kèm theo nữa để thu về kết quả như mong đợi.
Anh đầu tư nhiều, anh mua sắm này nọ, anh đặt ra tham vọng là điều cần thiết nhưng quan trọng còn cần cả quá trình tích lũy, những căn cơ trong cách làm để tạo ra nền móng vững chắc”.
Ông Xương nhìn nhận: “Có thể hiểu, năm ngoái đội bóng có được ngôi vị á quân nên những đòi hỏi năm nay phải cao hơn chẳng hạn. Một khi, chưa có được điều mình muốn, sẽ dẫn đến sự mất kiên nhẫn và nóng vội trong những quyết định đưa được ra. CLB TP. HCM nên nhớ một điều là ông Chung Hae Seong mới chỉ làm việc ở đây mùa bóng thứ 2 mà thôi nên cần nhất vẫn là kiên nhẫn chứ không thể nóng vội theo kiểu cứ muốn là được”.
“Chuyện sa thải HLV Fabio Lopez cho đến quyết định tái hợp với ông Chung Hae Seong thôi thì cứ coi như đó là quan điểm, là ứng xử, là quyết định của mỗi đội bóng. Có thể họ có những cách giải quyết theo quan điểm và cách nhìn nhận riêng mà chúng ta không thể bao quát hết được.
Tuy nhiên, từ những lát cắt đó, chúng ta có được góc nhìn đa chiều hơn về thực trạng, về những bất cập, về cung cách ứng xử trong môi trường vẫn hay được gọi là chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà lâu nay”.
“Từ câu chuyện ứng xử của các đội bóng với HLV nước ngoài gần đây, tôi cho rằng V-League nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung nếu cứ mãi dễ dãi, đầu tư, định hướng không đưa cả quá trình vào khuôn khổ thì sẽ những câu chuyện khôi hài rất đặc trưng như thế vẫn sẽ còn tiếp diễn”, chuyên gia Đoàn Minh Xương chốt lại câu chuyện.
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags