(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi thông tin một số cầu thủ V.Ninh Bình có liên quan đến nghi án tiêu cực và ông bầu Hoàng Mạnh Trường tuyên bố giải tán đội bóng, tương lai của mấy chục con người (đội 1) và hàng trăm cầu thủ ở các tuyến trẻ của đội bóng này được quan tâm hơn lúc nào hết. Nếu chỉ vài con sâu làm rầu nồi canh thì đó còn bị xem là tội ác.
Tất nhiên, cho đến trước khi một số người được cho là không có liên quan hay liên đới nào đến nghi án nhận giấy thanh lý hợp đồng để tìm bến đỗ mới, V.Ninh Bình sẽ cần phải có kết luận tạm thời của cơ quan điều tra. Đây là khoảng thời gian thị trường chuyển nhượng giữa mùa ở giải quốc nội mở cửa trở lại, nên nó hẳn phải là dịp may cho họ.
Nhưng, dân gian vẫn có câu: “Về đâu khi nhà đã bán?”. Thời buổi người đông việc khó này, không đơn giản để tìm một bến đỗ mới cho những cầu thủ không thuộc hàng sao số và lại từng dính “phốt”. Đấy là điều chắc chắn. Nhiều người trách cứ cầu thủ không biết thân, biết phận mà nhúng chàm, nhưng vai trò của lãnh đạo đội bóng V.Ninh Bình không thể không tính tới.
Vậy, các ông chủ của V.Ninh Bình đã làm gì để đội bóng có nguy cơ tan đàn xẻ nghé như hiện tại?! Nhắc đến đây, chúng ta phải liên tưởng đến hoàn cảnh ra đời của đội bóng này và việc hơn một lần trong quá khứ, bầu Trường (ông chủ tối thượng của V.Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường) từng tuyên bố bỏ giải, bỏ bóng đá, bởi không còn cảm thấy vui vẻ nữa.
V.Ninh Bình bắt đầu xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam kể từ năm 2007, sau khi các ông chủ quyết định mua lại suất chơi hạng Nhất từ Sơn Đồng Tâm, với giá được cho là không dưới 10 tỷ đồng.
Từ hạng Nhất, năm 2009, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Ninh Bình (kể từ sau tách tỉnh) có một đại diện chơi ở giải đấu cao nhất Việt Nam và đến lúc này, đã có gần 6 năm trụ lại.
Trải qua bao thăng trầm, nhưng không một ai phủ nhận, đất cố đô Hoa Lư luôn là điểm đến của hàng loạt những bản hợp đồng tiền tỷ, nhờ vào túi tiền không đáy của bầu Trường.
Song, vẻ như bản thân ông Trường cũng đã không còn giữ được động lực, đam mê nữa, khi từ đôi năm qua, ông rất hiếm khi thăm đội bóng và công việc điều hành được giao lại cho thuộc cấp.
Trăm công nghìn việc, những chuyến công cán liên tục hay vì lý do gì, khiến bầu Trường ngãng ra? Hết đam mê rồi thì chia tay, như một sự giải thoát? Hy vọng (chỉ hy vọng thôi), bầu Trường không giống như bầu Thụy (XMXT.SG), bầu Tuấn, bầu Long (HP.Hà Nội), hết đam mê mà bỏ, thay vì bỏ bởi đội bóng dính líu đến tiêu cực.
Thêm một lần nữa, nền bóng đá (với hệ thống các giải đấu được cho là chuyên nghiệp) lại có thêm bài học nhãn tiền, khi phó mặc tất cả cho các ông chủ doanh nghiệp, vốn năm nắng mười mưa và niềm vui, đam mê còn phụ thuộc trực tiếp vào tỷ giá, cổ phiếu và các con số tăng trưởng nền kinh tế.
Trần Hải
Thể thao & Văn hóa
Tags