(Thethaovanhoa.vn) - Dĩ nhiên, đừng có mơ tới một con gà Đông Tảo có giá hơn chục triệu. Hay một con cá Anh Vũ 2-3 triệu/kg. Và cũng thật khó để lên kế hoạch cho một kho đồ uống có chai rượu Tây hay thùng bia Đức cũng sẽ tốn vài triệu đồng. TT&VH Cuối tuần làm một cuộc khảo sát nhỏ với một đầu bài cho sẵn là với chẵn 20 triệu để trang trải cho cái Tết đang tới. Vậy họ sẽ làm gì?
NSND Minh Châu: Tết của tôi đơn giản lắm
Trước đây Tết người ta chi nhiều cho ăn uống, nhiều khi ê hề thừa mứa rất phí phạm. Bây giờ tôi thấy mọi người cũng bớt đi rồi. Tôi độc thân, con gái ở xa nên Tết cũng đơn giản lắm. Phần lớn chi tiêu của mình là mua đồ thắp hương ông bà tổ tiên, mua quà biếu xén cho anh chị em trong gia đình. Tết tôi vẫn thích nhất là gói bánh chưng, thường gói 5-6kg, rồi đem đi tặng bạn bè.
Hồi NSND Bạch Diệp còn sống bao giờ tôi cũng mang cho bà bánh chưng. Lúc luộc bánh gọi bàn bè đến cùng ăn uống rất vui vẻ. Riêng tôi, Tết đến tôi thích mua thật nhiều hoa, để ngôi nhà thật ấm cúng. Khi con gái về thì hai mẹ con cùng các gia đình khác đi du lịch, đi chùa, hoặc đến những nơi có thiên nhiên để thấy tâm hồn mình thư thái, thanh thản.
Nhà báo Lan Phương: Bao nhiêu tiền tôi cũng sắm đủ Tết
Tôi là con cả còn chồng là con trưởng nhưng không phải vì thế mà quá "nặng gánh". Thực lòng là có bao nhiêu tiền để tiêu Tết thì chúng tôi cũng lo được, mình co kéo khoản này khoản kia, bù đắp cũng được.
Với tôi, có 20 triệu để lo cho cái Tết, tôi nghĩ là cũng nhiều, có thể sắm lễ tươm tất đặt lên trên bàn thờ Tổ tiên, bàn thờ ông Thần linh, cũng chừng 3 triệu. Thực phẩm ngày Tết cũng chỉ cần 3 đến 4 triệu thôi. Rồi hoa cảnh thì hơn triệu. Sắm thêm quất hoặc đào khoảng 1 triệu. Sắm bộ quần áo mới cho con, chuẩn bị ít đồ uống, bánh kẹo để tiếp khách. Nếu có về quê tết họ hàng thì mình lại bớt ở các khoản kia đi một chút.
Nhà báo Khương Xuân: 20 triệu không đủ lo Tết
Với gia đình tôi, 20 triệu quả thực không thể đủ được. Không phải là vì 2 vợ chồng, 2 đứa con nhỏ. Tôi dự tính 2 vợ chồng sẽ phải dành riêng khoảng 40 triệu dịp Tết này. 10 triệu cho các cụ hai bên. Rồi quà bánh ở quê cũng hết chừng 4-5 triệu. Vợ chồng tôi cũng dành ra khoảng 5 triệu để chuẩn bị mua lợn sạch, gà sạch ở quê gửi lên, rồi nhờ quê gói bánh chưng nữa. Chúng tôi ít khách, lại không thích rượu bia cũng phải chuẩn bị sẵn chừng năm chai vang, thùng bia để còn tiếp khách.
Nhà báo Xuân Khương
Thêm một chút tiền đổi tiền mới để lì xì nữa. Đấy là tôi còn không giống với nhiều đồng nghiệp của mình, họ chuẩn bị những tờ 50 - 100 ngàn mới cứng, vì làm như thế nó thực dụng quá. Và tám năm làm ở cơ quan, tôi cũng chưa từng phải đi biếu sếp. Quả thực là với ngân sách 20 triệu để chi tiêu cho một cái Tết thì khó quá.
Ca sĩ Tạ Quang Thắng: Tết mẹ toàn quyền chi tiêu
Nói thực là tôi không biết chi tiêu gì vào dịp Tết đâu, vì làm bao nhiêu tôi đưa tiền cho mẹ, tùy mẹ chi tiêu. Nếu có 20 triệu chắc chi 10 triệu cho ăn uống, mua sắm Tết. Ôi, 20 triệu chi cho Tết cũng nhiều đấy. Thực tình Tết tôi cũng không chi tiêu cho cá nhân nhiều đâu, vì lúc nào mình hứng lên thì mua sắm chứ không đợi đến đến Tết. Năm qua tôi đi quá nhiều rồi, cả năm bay 40 chuyến, nên hơi sợ… du lịch. Tết được ở nhà 2 tuần chủ yếu dành thời gian cho mẹ, chở mẹ đi chùa, đi thăm họ hàng.
Diễn viên Bảo Thanh: Tết ở quê rất đầm ấm
Xong xuôi công việc tại Hà Nội tôi đã về Bắc Giang chuẩn bị Tết cho gia đình từ rất sớm. Với tôi thì đến Tết quan trọng nhất là gia đình nội ngoại. Đến Tết hai vợ chồng thường hỏi ông bà hai bên cần gì thì đi sắm. Năm nào hai vợ chồng cũng lãnh nhiệm vụ mua đào, quất cho gia đình hai bên.
Mà Tết ở quê cũng đầm ấm lắm không tốn kém lắm đâu, các bác hay gói bánh chưng sớm, thấy cháu về lại cho, hay mình đi mua thịt, mua gà của mọi người thì phần lớn là vừa bán vừa cho. Mình có bánh chưng sớm lại tặng bạn tặng bè, ai cũng thích lắm vì người nhà làm sạch sẽ.
Giả dụ chỉ có 20 triệu tiền dành cho Tết thì chắc chắn tôi sẽ dành một khoản kha khá mua đào quất cho ông bà nội vì ông bà thích cây lớn. Còn bên ngoại tôi sẽ mua theo ý thích của mình. Không hiểu sao tôi vẫn chỉ cổ truyền, cắm bích đào truyền thống, chơi hoa thược dược. Ngoài ra, sẽ dành một khoản mua quần áo cho con. Đi chợ Tết cho hai bên nội ngoại cũng không mất nhiều lắm đâu vì tôi đi chợ giỏi lắm. Tốn nhất là khoản lì xì, nhiều năm hai vợ chồng chi khoảng 10 triệu mà vẫn chưa đâu vào đâu.
Tôi cũng rất mong một Tết nào đó hai vợ chồng được đi du lịch Đà Nẵng, Hội An, vì tôi thích không khí đó, nhưng chỉ là ước mơ thôi vì chồng tôi Tết nào cũng phải trực, và ông bà hai bên Tết nhất đều mong con cháu ở nhà.
Anh Hoàng Minh Phương (người lao động tự do): Càng Tết càng lo
Làm nhiều nghề, từ lái máy xúc tới sửa xe, anh Phương không giấu nổi những lo âu khi Tết đến: “Từ ngày lập gia đình cách đây 3 năm, Tết nào vợ chồng tôi cũng phải tính toán chi tiêu rất kỹ. Hai vợ chồng cùng có thu nhập không cao nên không thể mua theo “hứng” như mọi người.
Bên cạnh việc tính toán chi tiêu, ngay trong ngày Tết, tôi cũng sẵn sàng nhận việc để ngày Tết thêm sung túc. Ví như năm ngoái, sau khi làm mâm cơm tối 30 xong, tôi nhận được điện thoại nhờ sửa ô tô cách nhà 50 km. Đêm đó, sau khi làm xong công việc, tôi đón giao thừa ngoài đường quốc lộ. Nhưng khi về, tôi cũng mua được cành đào “hạ giá” cho gia đình. Có lẽ, đấy là số ít lần có điều kiện để tiêu theo “hứng” (cười lớn).
Nếu được 20 triệu tiền Tết, tôi sẽ chỉ lấy ra 10 triệu tiêu Tết. 10 triệu ấy tôi dành biếu bố mẹ hai gia đình 4 triệu, sắm sửa đồ ăn thức uống, quất hoặc đào 2 triệu, mua quần áo mới cho cả gia đình 2 triệu, 1 triệu để mừng tuổi, 1 triệu thừa để đề phòng phát sinh. 10 triệu kia tôi sẽ để dành trang trải trong năm chứ không tiêu Tết đến 20 triệu đâu.
Thợ điện Nguyễn Xuân Trường: Đau đầu lì xì ngày Tết
Điều kiện cá nhân tôi may mắn khi vợ chồng vẫn ở cùng bố mẹ. Tết tôi chỉ đưa hết tiền thu về cho vợ, vợ sẽ lo cắt đặt cùng bố mẹ. Tết tôi chỉ lo tiền chi tiêu trong các mối quan hệ xã hội và lì xì. Nhưng với tôi, phép tính lì xì giờ cũng rất đau đầu khi những mối quan hệ được lượng hóa qua tiền. Vì lì xì bây giờ không còn ý nghĩa biểu tượng như trước.
Nếu có 20 triệu đồng, và tôi là người quyết định tiêu Tết trong gia đình, chắc tôi sẽ biếu ông bà 10 triệu. Vì nhà tôi trồng được rau, nuôi được lợn, ngan nên thực phẩm Tết hoàn toàn do ông bà lao động cả năm. Tôi cùng vợ luôn cố đưa ông bà một nửa số tiền Tết. Tôi sẽ dùng 2 triệu để mua một cây đào ưng ý; 3 triệu để mừng lì xì; 2 triệu để mua áo cho vợ con; 3 triệu còn lại tôi dùng để chi tiêu các mối quan hệ xã hội trong ngày Tết.
Ngọc Diệp - Mỹ Mỹ - K.A (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags