(Thethaovanhoa.vn) - Không còn câu chuyện Cinderella nào ở bán kết Australian Open 2016 nữa khi Serena Williams (1) và Angelique Kerber (7) lần lượt đánh bại Agnieszka Radwanska (4) và Johanna Konta. Nhưng...
Trước đó 12/32 hạt giống ở nội dung đơn nữ bị loại ngay từ vòng một Australian Open. Đó là con số lớn nhất kể từ năm 2001, khi Grand Slam áp dụng thể thức 32 hạt giống. Sang vòng hai, thêm 6 hạt giống nữa chia tay. Điều đó có nghĩa chỉ 14 hạt giống đơn nữ trụ lại đến vòng ba. Để so sánh, chỉ có 5 hạt giống đơn nam bị loại ở vòng một, và thêm 2 người nữa bị loại ở vòng hai.
Bất ngờ do đâu?
Nhiều người cho rằng hiện tượng ấy xuất phát từ một thực tế rằng, ngoại trừ Serena Williams, không một tay vợt tốp đầu nào có đủ tài năng cũng như sự mạnh mẽ về tâm lý để duy trì thành công qua năm tháng. Trong khi đó, ký giả Courtney Nguyễn của SI thì khẳng định đó là dấu hiệu cho sự phát triển của quần vợt nữ nói chung. Theo cô, “chiều sâu của các tay vợt” là nguyên nhân dẫn đến việc vượt qua những vòng đầu trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, việc thi đấu theo thể thức 3 set cũng khiến các tay vợt nữ chiếu dưới dễ gây bất ngờ hơn so với giải nam, vốn thi đấu theo thể thức 5 set.
Một nguyên nhân nữa lý giải cho việc nhiều hạt giống nữ bị loại sớm chính là khả năng giao bóng. Các tay vợt nam có sức mạnh phần thân trên lớn hơn so với nữ nên sở hữu những cú giao bóng mạnh mẽ hơn. Trái lại, những cú giao bóng thường không phải vũ khí chính của các tay vợt nữ, nên họ cũng dễ bị giành break hơn.
Phần lớn người hâm mộ, các chuyên gia, và ngay cả bản thân các tay vợt đều đánh đồng việc dễ mất break với sự yếu đuối về tinh thần. Nhưng đó là một nhận xét thiếu công bằng, thậm chí là thiếu tôn trọng với những tay vợt nữ xuất sắc nhất thế giới. “Nếu bạn nói rằng các tay vợt nam mạnh mẽ về tâm lý hơn các đồng nghiệp nữ, bạn đã dựa vào chỉ số nào?”, Courtney thắc mắc. Thật ra, việc WTA cho phép các HLV chỉ đạo trên sân đã khiến các tay vợt nữ rơi vào tình trạng chịu sức ép. Vấn đề tâm lý còn xuất phát từ chính khán giả, những người thường thích cổ vũ những tay vợt chiếu dưới hơn.
Những “nàng Lọ Lem” ở Melbourne
“Tuần đầu tiên thực sự là của các cô gái - bất cứ ai cũng có thể đánh bại ai, trong khi ở giải nam, bạn đều biết quá rõ những gì xảy ra”, Courtney nhận xét. Cô có lý, hai hiện tượng thú vị nhất ở Melbourne năm nay, là Shuai Zhang (27 tuổi, hạng 133 thế giới) và Johanna Konta (24 tuổi, hạng 47 thế giới). Thật tiếc là họ phải loại nhau ở tứ kết.
Zhang, một tay vợt phải dự vòng loại, từng xếp hạng 30 thế giới, nhưng đến Melbourne với thành tích 0 thắng - 14 thua ở các giải lớn và từng nghĩ rằng đây có thể là giải đấu lớn cuối cùng của mình. Nhưng cô gái người Trung Quốc đã phá vỡ cái dớp ấy khi quật ngã hạt giống số hai Simona Halep ngay ở vòng một. Tiếp đó là Alize Cornet, Varvara Lepchenko, và tay vợt từng vào bán kết ở giải năm ngoái Madison Keys, trước khi thua Konta 4-6, 1-6 ở tứ kết.
Giờ này năm ngoái, Konta xếp hạng 144 thế giới, và dù có một năm 2015 không đến nỗi nào với vài giải ITF trước khi lọt vào vòng 4 US Open, ít ai nghĩ cô có thể lọt vào Top 4 tay vợt mạnh nhất tại Australian Open 2016. Song Konta đã trở thành tay vợt người Anh đầu tiên lọt vào bán kết Grand Slam kể từ năm 1983, sau khi hạ cả cựu số một thế giới Venus Williams và tay vợt hai lần lọt vào bán kết Australian Open, Ekaterina Marakova.
4 Việc có hơn 10 hạt giống đơn nữ (trên tổng số 32) bị loại ở vòng một Grand Slam đã xảy ra đến 4 lần, và đều từ năm 2012. Ở giải nam, hiện tượng ấy chỉ xảy ra đúng 1 lần kể từ năm 2004, và không hề tái hiện kể từ năm 2013. 18 Lần đầu tiên kể từ năm 2001, khi Grand Slam áp dụng thể thức 32 hạt giống, số lượng hạt giống đơn nữ bị loại sau hai vòng đầu mới nhiều đến thế: 18 người. |
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa
Tags