(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Du khách đến Dubai dễ “choáng” bởi sự văn minh, hào nhoáng: sân bay trang trí bằng vàng, nhà cao thủng trời xanh, xe hơi đắt tiền chạy như trôi trên sa mạc…. Thế nhưng người Dubai luôn giữ gìn truyền thống văn hóa trong ăn mặc, sinh hoạt lễ nghi giao tiếp.
- Kinh nghiệm khám phá Vũng Tàu
- Câu chuyện du lịch: Khám phá ẩm thực đường phố Morocco
- Kinh nghiệm khám phá và lịch trình săn mây Tà Xùa (Sơn La)
- Kinh nghiệm khám phá Châu Đốc (An Giang)
Cái nóng vô cùng khó chịu! Thỉnh thoảng tôi phải kiếm những bóng cây hay chui vào trạm chờ xe buýt có máy lạnh dọc đường đi để nghỉ mệt. Cứ khoảng 500 m tôi phải nghỉ mệt một lần. Thăm thú chán chê, tôi mua tour đi vào sa mạc trong buổi chiều.
Thử “cảm giác mạnh” trên sa mạc
Khách sạn 6 sao Buji Al Arab hình cánh buồm trên biển
Anh tài xế kiêm hướng dẫn viên Mohammad đón tôi bằng chiếc xe hơi Land Cruiser mới cáu. Anh giải thích: “Chỉ xe hai cầu mới thích hợp đi vào sa mạc”. Xe chạy 180 km/giờ trên đường cao tốc êm ru. Xe dừng lại khoảng 30 phút tại lối vào sa mạc. Anh Mohammad giải thích: “Hôm nay công ty có đến 10 xe vào sa mạc, tất cả sẽ tập hợp tại đây và cứ 5 phút có một chiếc xuất phát. Một chút nữa sẽ biết tại sao như vậy”.
Xe leo lên đồi cát, anh Mohammad mở nhạc sôi động của người Ả Rập nhằm tăng thêm hưng phấn. Nhìn theo hướng anh chỉ, tôi hiểu ra xe chạy băng qua một đồi cát mất khoảng 5 phút, khi chiếc xe này vừa leo lên đỉnh bên đây thì bên kia đồi, chiếc khác cũng bắt đầu lên đỉnh. Đó là cách để cho du khách nhìn, hiểu và tăng thêm “cảm giác mạnh”. Tài xế làm xiếc lao xe thẳng xuống vực hay chạy xe chỉ bằng hai bánh trên triền đồi cát. Người tôi hết nhào qua bên phải rồi nhào qua bên trái, hất lên không trung (mặc dù đã có dây an toàn)… Lên đến đỉnh đồi cao nhất, tôi nhìn xuống những chiếc xe trắng nổi bật trong cát vàng rượt đuổi nhau như cuộc đua trong phim Hollywood.
Sa mạc ở Dubai
Giữ gìn bản sắc
Trong thời gian chờ các xe leo hết lên đồi cao nhất, anh Mohammad rót cà phê từ chiếc bình truyền thống (gọi là dallah) vào cốc để chúng tôi nhấm nháp. Anh kể về văn hóa của người Emiriti (người Dubai): “Cà phê là món uống truyền thống, được nhập khẩu từ Brazil, nó được nhấm nháp từ sáng cho đến tối. Nếu xét bất cứ chiếc xe nào đang di chuyển trên đường thì vật đầu tiên sẽ tìm được là bình cà phê. Cà phê còn được đãi khách sau bữa cơm…”.
Anh đãi tôi một ít táo và dâu tươi – hai loại trái cây mà người Emiriti thích ăn nhất. “Sau ngày mở cửa để trở thành trung tâm kinh tế mở của thế giới, lượng người từ các quốc gia khác kéo đến đây làm việc quá đông, Dubai quá khác lạ, ít có bản sắc riêng. Ở Dubai có đầy cửa hàng bán thức ăn nhanh hay nhà hàng Ấn Độ, Pakistan,… nhưng chúng tôi vẫn đến những cửa hàng của người Emiriti để ăn món truyền thống. Chúng tôi vẫn đến những khu chợ Ba Tư ở thành phố Deira hoặc Bur Dubai để mua những thứ cần thiết.
Tòa thương mại Buji Khalija – cao 828m, từng là phim trường cho bộ phim mùa Hè đình đám năm 2012 : 007 – Skyfall.
Chúng tôi giữ gìn bản sắc bằng cách luôn mặc quần áo dân tộc. Chỉ cần nhìn vào bộ áo, chiếc nón, có thể nhận biết đó là người Emiriti. Nó có tên là Kandoura, khác biệt so với các quốc gia Ả Rập là cổ áo nhỏ ôm vòng lấy thân cổ. Thông thường, áo Kandoura mặc kèm với áo lót bằng lưới bên trong, thân dưới thì quấn xà rông. Người nữ mặc áo chùng dài màu đen gọi là Abaya. Người lớn tuổi và đã có gia đình đội khăn trắng phủ dài xuống hai bên và có một vòng dây đai màu đen quấn quanh đầu (chiếc khăn gọi là taqia, dây đai đen gọi là agal có tác dụng giữ khăn cho chặt). Chiếc khăn ngoài tác dụng chống nắng còn ngăn được cát bay vào mắt và mũi khi đi vào sa mạc…”.
Nhìn vẻ ngạc nhiên thích thú của tôi, anh Mohammad tiếp tục câu chuyện: “Khi gặp nhau, chúng tôi chào nhau theo kiểu truyền thống: Ôm nhau, cạ má vào nhau mỗi bên một cái khi chào xã giao, nếu thân thiết thì cạ má mỗi bên hai lần và nói câu As salamu Alaikum – ngày mới tốt lành”.
Vũ công múa bụng từ Đông Âu
Câu chuyện của anh Mohammad bị đứt quãng khi đoàn xe 10 chiếc đã đến đủ, chúng tôi tiếp tục hành trình. Tôi thoáng nghĩ: Việc mở cửa kinh tế ít nhiều làm mai một nền văn hóa vốn có nhưng rõ ràng người Dubai ý thức giữ gìn bản sắc theo phương châm hòa nhập chứ không hòa tan.
Sân bay Dubai sử dụng vàng thật trang trí trên các cây cột
Buổi chiều còn lại, tôi được anh Mohammad dẫn đi cưỡi lạc đà miễn phí. Khi lạc đà từ trạng thái quỳ gối đứng lên theo sự điều khiển của người chủ tôi chới với như bị đẩy lên cao. Tôi lóa mắt trong khoảng trời cao mênh mông và lắc lư cả thân hình theo từng sải chân của lạc đà. Một chút sợ hãi, tôi ghì chặt vào dây cương trên bướu và bám đôi chân vào hông lạc đà…
Chiều xuống, du khách tập trung vào ngôi nhà lớn giữa sa mạc ăn buffet và xem múa bụng.
Trong ánh sáng huyền ảo của ánh đèn sân khấu và những vũ điệu quay cuồng theo tiếng nhạc, anh Mohammad hé lộ điều bí mật quan trọng nhất: “Múa bụng là điệu múa truyền thống của người Ả Rập nhưng các vũ công biểu diễn ở đây đều đến từ các nước Đông Âu. Do sự giàu có của Dubai và quy định khắt khe của luật Hồi giáo, phụ nữ Dubai không ai làm nghề này”.
Bài & Ảnh: LinhNC
Tags