(Thethaovanhoa.vn) - Lúc 11 giờ 16 phút ngày 26/7, máy bay Su 22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút cùng ngày. Thông tin ban đầu, máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.
(Tiếp tục cập nhật)
Sáng 28/7, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4, thành phố Vinh (Nghệ An), Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không – Không quân đã tổ chức Lễ viếng và Lễ truy điệu Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam theo nghi thức Quân đội nhân dân Việt Nam.
Liệt sỹ, Thượng tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng, sinh năm 1978, quê Phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và liệt sỹ, Đại tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921, sinh 1972, quê Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình. Cả hai đồng chí đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện bay.
Từ sáng sớm, tại khu vực Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4, đại diện các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, tỉnh Nghệ An, Thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Bình và đông đảo cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và người thân gia đình đã có mặt dự Lễ viếng và Lễ truy điệu, tiễn đưa Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đúng 7 giờ, Lễ viếng bắt đầu. Đông đảo cán bộ, chiến sỹ, các đơn vị, người dân đã kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm lên anh linh Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đã gửi vòng hoa kính viếng Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam.
Đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An dẫn đầu đã đến thắp hương, kính viếng Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam.
Đúng 8 giờ, Lễ truy điệu Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam diễn ra trong không khí trang nghiêm. Đại diện Quân chủng Phòng không - Không quân đọc lời điếu ghi nhận những đóng góp của Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam đối với Quân chủng Phòng không-Không quân, với Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự hy sinh của Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam là sự tổn thất lớn cho Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân; để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, gia đình, đồng đội và toàn thể nhân dân.
Trong nền nhạc trầm buồn "Hồn tử sĩ", các đại biểu dự Lễ truy điệu dành phút mặc niệm, tưởng nhớ đồng chí Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam, hai phi công đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu trên chiếc máy bay SU – 22 tại vùng trời Thanh Hóa và Nghệ An.
Tại Lễ truy điệu, ông Khuất Duy Vỹ, đại diện cho hai gia đình Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị, cán bộ chiến sỹ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam, chia sẻ mất mát, đau thương với gia đình.
Ngay sau lễ truy điệu, thi hài của Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam được đưa từ thành phố Vinh (Nghệ An) về hỏa táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển, thành phố Hà Nội và an táng tại quê nhà.
Liên quan đến vụ máy bay quân sự rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), ngày 27/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan đối với hai đồng chí phi công của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 của Quân chủng Phòng không - Không quân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện.
Cụ thể: Đồng chí Phạm Giang Nam được truy thăng quân hàm sĩ quan từ Thượng tá lên Đại tá; đồng chí Khuất Mạnh Trí được truy thăng quân hàm sĩ quan từ Trung tá lên Thượng tá.
Đến 15 giờ ngày 27/7, công tác tìm kiếm tại hiện trường đã cơ bản kết thúc. Các cơ quan chức năng vẫn sẽ có mặt tại hiện trường để thực hiện việc khám nghiệm, điều tra nguyên nhân và thực hiện các công việc khác liên quan.
Ngày 27/7, một số bộ phận khác của máy bay đã được lực lượng chức năng tìm thấy, tập kết lại. Tuy nhiên để đưa những phần máy bay được tìm thấy ra khỏi hiện trường là việc không đơn giản vì đường vào hiện trường trơn trượt, có nơi lầy lội, địa hình phức tạp.
Đã tìm thấy hộp đen máy bay Su-22
Báo Điện tử Nghệ An thông tin, vào lúc 16 giờ ngày 26/7/2018, các lực lượng tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy vật thể được cho là thiết bị hộp đen của máy bay Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân, bị rơi trưa 26/7.
Hộp đen được phát hiện ngay gần vị trí máy bay rơi, tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn. Khi tìm thấy hộp đen, có khá đông người làm nhiệm vụ tại hiện trường chứng kiến xác nhận hộp đen vẫn còn nguyên vẹn.
Cùng với hộp đen, nhiều mảnh vỡ của máy bay cũng được tìm thấy tại khu vực máy bay rơi.
Truy điệu 2 phi công vào sáng 27/7
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Quân khu 4, tối 26/7, các lực lượng chức năng đã tìm được thi thể hai phi công trong vụ máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Thi thể hai phi công đã được đưa về Nhà tang lễ Quân khu 4, đóng tại thành phố Vinh. Theo kế hoạch, sáng 27/7, tại Nhà tang lễ Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ tổ chức lễ truy điệu hai phi công.
Suốt đêm 26 đến sáng 27/7, rất nhiều người dân, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tập trung tại Nhà tang lễ Quân khu 4 để đón các phi công. Nhiều người đã rơi nước mắt, bày tỏ niềm tiếc thương và chia buồn cùng gia đình hai phi công đã hy sinh.
VIDEO: Tìm thấy thi thể hai phi công
Như tin TTXVN đã đưa, vào lúc 11 giờ 16 phút ngày 26/7, máy bay Su 22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút cùng ngày. Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh là Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng, sinh năm 1978, quê quán phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, sinh năm 1972, quê quán Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình.
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân khu 4 phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
* Thăm hỏi, động viên gia đình hai phi công bay huấn luyện hy sinh
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, các đơn vị Quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4, kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương làm tốt công tác chính sách, chủ động thăm hỏi, động viên gia đình hai đồng chí phi công.
Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng, sinh năm 1978, quê quán: Phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; nhập ngũ ngày 20/9/1995; giờ bay tích lũy: 1.130 giờ 37; giờ bay trong năm: 111 giờ 08; đã bay qua các loại máy bay: L- 39. MiG - 21, Su-22. Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921, sinh 1972, quê quán: Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình; nhập ngũ ngày 12/9/1991; giờ bay tích lũy: 1178 giờ 32; giờ bay trong năm: 106 giờ 58; đã bay qua các loại máy bay: L-39. MiG - 21Bis, Su - 22M.
Trước đó, thông tin từ người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết, vừa có một máy bay quân sự rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn.
Máy bay quân sự này được cho là xuất phát từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An vào khoảng 12 giờ ngày 26/7. Hiện chưa có thông tin về con số thương vong những người trên máy bay, nhưng tại hiện trường ghi nhận cho thấy máy bay bị nổ, có nhiều mảnh vỡ rơi xuống hiện trường.
Hiện nay tại địa bàn xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn trời đang có mưa, đường giao thông đi vào hiện trường khó khăn; việc khắc phục hậu quả đang gặp rất nhiều khó khăn.
Các đơn vị chức năng của tỉnh Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân bảo vệ hiện trường.
Ghi nhận tại địa phương cho biết đang có rất nhiều người dân khi nghe tin có máy bay rơi đã kéo đến làng Dừa để xem, tìm hiểu sự việc. Vị trí máy bay rơi cách thành phố Vinh khoảng 100 km.
Hiện vụ việc đang được phóng viên TTXVN tại Nghệ An đến hiện trường để cập nhật, phản ánh thông tin.
Tiêm kích – bom cánh cụp cánh xòe Su-22 Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận được số lượng nhỏ Su-22M/UM trong năm 1979. Năm 1979 là thời điểm mà Việt Nam được Liên Xô viện trợ nhiều vũ khí hiện đại như: biến thể tiêm kích MiG-21bis, tiêm kích – bom Su-22, máy bay vận tải chiến thuật An-26, tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật 9K72 Elbrus (12 xe phóng đủ biên chế 1 lữ đoàn)... Đầu tháng 4/1979, Quân chủng Không quân cử các đoàn cán bộ sang Liên Xô học chuyển loại sử dụng máy bay tiêm kích MiG-21bis và tiêm kích – bom Su-22M. Cuối năm 1979, căn cứ vào số lượng phi công bay chuyển loại và máy bay Su-22M được lắp ráp tại Đà Nằng. Ngày 25/12/1979, Quân chủng ra quyết định điều Trung đoàn 923 từ Sư đoàn 371 sang sư đoàn 372. Ban đầu, Trung đoàn 923 đóng ở sân bay Đà Nẵng, tới tháng 9/1981 thì trung đoàn mới được điều chuyển ra Thọ Xuân (Thanh Hóa). Tính tới tháng 10/1981, hơn 40 máy bay Su-22M đã có mặt tại Thọ Xuân (Thanh Hóa) và bước vào giai đoạn huấn luyện mới nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng không quân tiêm kích – bom. Su-22 có hình dáng thân dài, buồng lái lớn và đặc biệt ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép khả năng tăng tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, cánh cụp cánh xòe của Su-22 mới chỉ ở dạng sơ khai, nửa cuối cánh có thể thay đổi. Cửa hút gió Su-22 nằm ở ngay mũi máy bay giống với MiG-17, MiG-19, 21. Kiểu dáng Su-22 khá giống với MiG-21 nhỏ bé hơn rất dề làm người ta lầm tưởng nếu không nhận dạng qua cặp cánh. Về hệ thống điện tử, những chiếc Su-22M viện trợ cho Việt Nam thuộc biến thể nội địa Su-17M3 nhưng trang bị điện tử ở mức thấp hơn, tương đương Su-17M2. Su-22M lắp động cơ tuốc bin phản lực R-29BS-300 cho phép đạt tốc độ tốc đa 1.885km/h ở độ cao 8.000m. Sau này, Việt Nam được nhận thêm một số Su-22M3 cũng phát triển từ biến thể nội địa Su-17M3 nhưng trang bị hệ thống điện tử hoàn chỉnh của biến thể Su-17M3. Biến thể cuối cùng dòng Su-22 mà Việt Nam nhận được là Su-22M4 (biến thể xuất khẩu Su-17M4) được nâng cấp đáng kể hệ thống điện tử: hệ thống dẫn đường RSDN, dẫn đường tín hiệu, dẫn đường quán tính, thiết bị đo xa laser mạnh hơn, la bàn vô tuyến, hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE. Su-22M4 trang bị động cơ tuốc bin phản lực AL-21F3 cho pép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h, tầm bay chiến đấu 1.150km (với 2 tấn vũ khí). Tuổi thọ khung thân Su-22M4 khoảng 2.000 giờ bay hoặc 20 năm. Về hệ thống vũ khí trang bị cho Su-22M/M3/M4, các biến thể thiết kế với 2 pháo NR-30 cỡ 30mm (80 viên đạn mỗi súng), ngoài ra, hai mấu cứng dưới cánh Su-22 mang tên lửa đối không tầm nhiệt R-60 để tự phòng vệ. Vũ khí chính treo trên 10 giá (3 giá treo đặt ở phần cố định mỗi cánh và 4 giá dưới thân) mang được 4 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25; tên lửa chống radar Kh-28, bom có điều khiển, bom không điều khiển, rocket... |
P.V (Theo TTXVN, Vnews)
Tags