Thông tin Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 18-24/11, Trung tâm liên tiếp ghi nhận nhiều phản ánh về tin nhắn và cuộc gọi từ các số điện thoại lạ, có dấu hiệu lừa đảo.
Thống kê trong 5 tuần vừa qua (từ 14/10 đến 17/11), tổng đài số 156/5656 do VNCERT/CC vận hành đã tiếp nhận hơn 21.800 phản ánh của người dùng về các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo. Trong số này, mạo danh công an yêu cầu tải, cài ứng dụng Định danh điện tử VNeID giả mạo là một trong những trò lừa đảo được người dân thông tin nhiều nhất.
Trong các trường hợp này, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là gọi điện thoại tự xưng công an và yêu cầu người dân chụp ảnh, cung cấp các thông tin cá nhân để kích hoạt giúp tài khoản định danh điện tử. Kẻ xấu thông báo rằng, để được hỗ trợ trực tuyến, không cần trực tiếp đến cơ quan công an, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID tải từ đường dẫn (link) được cung cấp. Đây thực chất là ứng dụng giả mạo được tội phạm tạo ra để lừa đảo, hòng chiếm đoạt thông tin của người dân. Sau khi người dân làm theo hướng dẫn, tải ứng dụng VNeID giả mạo, đối tượng lừa đảo có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại của nạn nhân và thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Kẻ xấu thường lợi dụng hiểu biết chưa đầy đủ của người dân liên quan cài đặt ứng dụng VNeID, tâm lý ngại đi đến cơ quan công an, sợ gặp rắc rối nếu không chấp hành theo hướng dẫn của đối tượng mạo danh công an, nên thực hiện cài đặt ứng dụng theo khi được gọi điện hướng dẫn, gửi link tải ứng dụng VNeID giả mạo. Đáng nói, ứng dụng giả mạo thường có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật nên dễ gây nhầm lẫn. Đây là một thủ đoạn lừa đảo xuất hiện đã lâu, tuy nhiên vẫn nhiều người dân bị mắc bẫy.
Bà Trần Thị Phượng (ngoài 60 tuổi, ngụ tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết đã nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, yêu cầu bà cài đặt và sử dụng VNeID để cập nhật thông tin khai báo tạm trú, tạm vắng và căn cước công dân. Đối tượng lạ hướng dẫn rất nhiệt tình và gửi kèm cả đường dẫn vào số điện thoại của bà. Tuy nhiên, do đã có tuổi, không hiểu biết về công nghệ và đang dùng điện thoại phím bấm (firgue phone 4G) nên bà Phượng không làm theo hướng dẫn. Sau khi hỏi người nhà, bà Phượng biết rằng cuộc điện thoại bà nhận được là từ kẻ lừa đảo và không thể liên hệ lại số điện thoại đã gọi cho mình.
Cuối năm thường là dịp người dân bận rộn, ít tỉnh táo nên tội phạm thường gia tăng hoạt động lừa đảo. Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo, người dân cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là công an yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng định đanh trên điện thoại. Hiện nay, chỉ có một ứng dụng duy nhất là VNeID để kích hoạt định danh điện tử mức 2. Việc định danh điện tử mức 2 phải do công dân trực tiếp đến trụ sở công an để làm, không thể thực hiện trực tuyến.
Để không trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác, nhận thức đầy đủ về việc cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID. Đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID. Chỉ tải ứng dụng từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành IOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Không nhờ người lạ thực hiện thao tác cài đặt các ứng dụng trên điện thoại. Không cung cấp mật khẩu, mã xác thực cho đối tượng lạ.
Bên cạnh thủ đoạn giả mạo ứng dụng VNeID, còn xuất hiện nhiều thủ đoạn giả mạo ứng dụng, giao diện các trang thông tin (website) dịch vụ công quốc gia để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia chỉ cung cấp duy nhất thông qua tên miền https://dichvucong.gov.vn/. Các dịch vụ công trực tuyến khác cung cấp thông qua tên miền có đuôi ".gov.vn". Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay chưa có ứng dụng (app) riêng cho điện thoại.
Do đó, các đối tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng dịch vụ công quốc gia lên điện thoại chắn chắn là lừa đảo. Nếu người dân lỡ cài đặt ứng dụng giả mạo khiến màn hình điện thoại tối đen, không thao tác được trên điện thoại, không tắt nguồn được... thì ngay lập tức, dùng điện thoại khác liên hệ đường dây nóng ngân hàng để khóa tài khoản. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, người dân đổi mật khẩu của tài khoản ngân hàng các ứng dụng (internet banking) trên điện thoại hoặc ra phòng giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ. Tốt nhất, người đã vô tình cài các ứng dụng lạ nên cài đặt định dạng lại điện thoại về trạng thái ban đầu của nhà sản xuất (format lại thiết bị). Việc thông báo ngay với cơ quan công an gần nhất, gửi báo cáo đến các đơn vị chức năng là cần thiết để người dân nhận được hỗ trợ, đồng thời các cơ quan chức năng nắm bắt được tình hình.
Mọi người thường xuyên theo dõi các phương tiện truyền thông để nắm bắt các thông tin về lừa đảo trên mạng. Luôn nghi ngờ, kiểm chứng với những cuộc gọi, tin nhắn chủ động tìm đến mình để hỗ trợ, giúp đỡ. Hãy là một người dùng thông minh trong thời đại công nghệ thông tin, tránh được các bẫy lừa đảo đa dạng, phức tạp từ các đối tượng lừa đảo.
Tags