Ngày 5/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã làm việc với Tiến sĩ Soccoro Escalante, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam về xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc điều trị.
Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc cấp quốc gia năm 2023 và những năm tiếp theo, đặc biệt là với thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu là một nhiệm vụ quan trọng trong điều trị, cấp cứu người bệnh.
"Trước đây, thị trường thuốc đảm bảo nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay, trước tác động của đại dịch COVID-19, một số thuốc không có nguồn cung thay thế hoặc nguồn cung hạn chế. Do vậy, việc xây dựng danh mục thuốc và nhu cầu là cần thiết để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh của nhân dân", Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, cần phải rà soát, sửa đổi các văn bản pháp quy để cải tiến việc cấp phép thuốc nhanh hơn; cơ chế đấu thầu cần thay đổi phù hợp để tăng cường hơn nữa nguồn cung thuốc cho điều trị.
Tại cuộc họp, bà Soccoro Escalante cho rằng, thiếu thuốc không chỉ là vấn đề về mua sắm mà còn là vấn đề làm sao việc mua sắm thuốc đảm bảo đúng quy trình. "Thuốc điều trị phải sẵn có trên thị trường và đảm bảo cung ứng đủ cho công tác khám chữa bệnh. Trong đó, thuốc thiết yếu cần phải nằm trong danh mục được cấp phép".
Theo bà Soccoro Escalante, Cục Quản lý Dược cần xem xét, đánh giá lại các thuốc đang lưu hành trên thị trường, xem thuốc nào nào đã đăng ký, thuốc nào chưa được đăng ký, xem xét chu kỳ cấp phép. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cần phối hợp Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong đề xuất danh mục và nhu cầu đối với từng danh mục để có biện pháp đáp ứng đủ thuốc thiết yếu.
Đồng thời, cần xác định lại danh mục thuốc hiếm, các loại thuốc sử dụng thường xuyên, các loại thuốc có thể thay thế, các thuốc sử dụng trong cộng đồng để luôn đảm bảo nguồn cung ứng. Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia có trách nhiệm xem xét tổ chức đấu thầu tập trung các loại thuốc hiếm, thuốc sử dụng trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, chống độc, thuốc chuyên khoa không thể thay thế…
- TP HCM kiến nghị bổ sung danh mục thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm cho trạm y tế
- Bộ Y tế tiếp tục ban hành công điện đề nghị tăng cường quản lý thuốc điều trị Covid-19
- Bộ Y tế hướng dẫn người dân về thuốc điều trị Covid-19
Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, danh mục thuốc thiết yếu được xây dựng từ năm 2018 và danh mục thuốc hiếm được xây dựng từ năm 2019 (thuốc hiếm là thuốc điều trị bệnh hiếm và thiếu hụt trên thị trường) cần bổ sung và cập nhật, nhất là sau đại dịch COVID-19 để đáp ứng đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, chống độc, ghép tạng... Đối với thuốc thiếu hụt, ngành cần có khảo sát, đánh giá khách quan và có bằng chứng khoa học.
Lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là những ý kiến từ Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, danh mục thuốc là một mắt xích quan trọng trong quy trình từ khâu sản xuất, vận chuyển, đăng ký, đấu thầu, cung ứng… Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội thảo chuyên đề sâu để có giải pháp kịp thời, phù hợp. Đồng thời, Bộ thành lập Hội đồng Chuyên môn tư vấn về xây dựng danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu tại các cơ sở khám, chữa bệnh hàng năm.
Lê Hảo/TTXVN
Tags