Khi Tết cận kề, các vụ tai nạn liên quan đến pháo tự chế ngày càng gia tăng. Đáng tiếc, nạn nhân chủ yếu đều là các em nhỏ, để lại nỗi đau thương không thể nào nguôi ngoai cho gia đình và xã hội.
Liên tiếp trẻ thương vong vì nổ pháo tự chế
Khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần đây tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam, 16 tuổi, ở Bắc Giang vào viện trong tình trạng vết thương bàn tay trái phức tạp. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân chơi pháo tự chế, khi đang cầm pháo trên tay thì pháo nổ gây nát bàn tay trái và chân phải. Bệnh nhân được đưa đến BV tuyến dưới để được cầm máu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108.
Trường hợp thứ 2, bệnh nhân nam, 15 tuổi quê ở Nam Định, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng bị nát bàn tay phải, gãy đốt 1 ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp, bờ nham nhở, lộ gân cơ.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương.
Hiện tại cả 2 bệnh nhân tỉnh táo, các ngón tay hồng.
Cũng liên quan đến việc trẻ tự ý chế tạo pháo để chơi dịp cận Tết gây nên những hậu quả đáng tiếc, ngày hôm qua (26/12), VKSND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã thông tin ban đầu về vụ nổ khiến bốn cháu nhỏ thương vong.
Theo thông tin ban đầu, xuất phát từ việc cháu BGT (11 tuổi, ngụ thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) mua bột màu trắng và màu vàng (lưu huỳnh) qua dịch vụ mua bán online để làm pháo nổ.
Chiều 25/12, cháu BGT cùng 5 cháu nhỏ khác gồm: NĐB (12 tuổi), NĐBA (9 tuổi), VVT (12 tuổi), PĐBS (11 tuổi, cùng trú tại thôn Quỳnh Tân 3) và cháu NMT (SN 12 tuổi, trú tại thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp) rủ nhau đến nhà bà VTHH (ngụ cùng địa chỉ) để làm pháo.
Khi đi, cháu BGT mang theo cái hộp nhựa đựng chất bột lưu huỳnh, cháu NĐB mang theo một cái rây (dụng cụ lọc bột) và một cái bật lửa. Trong lúc các cháu nhỏ đang trộn thuốc để làm pháo thì có một ít thuốc đổ ra ngoài. Lúc này, cháu VVT đi ra ngoài. Thấy thuốc nổ đổ ra ngoài thì có một cháu dùng bật lửa đốt cháy phần thuốc bị đổ ra ngoài, làm bốc cháy lan đến khu vực trộn thuốc nổ, gây ra tiếng nổ lớn.
Ngay sau đó, các nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu. Nhưng do vết thương nặng nên cháu BGT tử vong trên đường; 20h tối cùng ngày, cháu B. cũng không qua khỏi và gia đình xin đưa cháu về nhà.
Tự ý dùng lưu huỳnh đốt pháo nguy hiểm ra sao?
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp giáp Tết Nguyên đán, tai nạn thương tích do pháo nổ lại liên tiếp xảy ra, dù hành vi sản xuất, mua bán pháo nổ đã bị pháp luật nghiêm cấm. Lên mạng, chỉ cần gõ cụm từ cách chế tạo pháo nổ vào công cụ tìm kiếm của Google đã cho ra hàng triệu kết quả. Thậm chí, một số tài khoản YouTube còn đăng cả video để hướng dẫn chi tiết cách làm pháo…
Pháo nổ là sản phẩm chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ. Cách chế tạo pháo khá đơn giản nhưng lại tiềm ẩn hiểm họa khôn lường. Đáng nói, dù nguy hiểm là vậy và cơ quan chức năng đều cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng đến nay tai nạn vẫn không giảm.
Các bác sĩ cảnh báo trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh, người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực.... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp.
"Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân...Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo", Ths Bs Nguyễn Điện Thanh Hiệp, khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình BV 108 cho hay.
Ngoài ra, bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo.
Để hạn chế tai nạn đáng tiếc gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, gia đình cần giám sát việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em".
Chuyên gia khuyến cáo, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.
Tiếng pháo trong Tết xưa mang ý nghĩa gì?Tags