Dù chỉ là những bức ảnh tư liệu được chụp cách đây hàng vài chục năm, nhưng những đường nét mỹ miều của các nàng công chúa, hậu duệ triều Nguyễn này không hề bị lu mờ.
Trong lịch sử triều đại phong kiến nhà Nguyễn, các hoàng hậu, thứ phi và công chúa được đánh giá là tuyệt thế giai nhân, đức hạnh vẹn toàn và có ảnh hưởng ít nhiều đến chuyện triều chính của vua.
Đệ nhất ân phi Hồ Thị Chỉ là vợ vua Khải Định. Bà Chỉ nổi tiếng với nhan sắc mặn mà, thông minh, đàn hay, thông thạo tiếng Pháp, Hán văn, Việt ngữ. Bà Chỉ là con của Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung và bà Châu Thị Ngọc Lương, quê ở làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế)
Vương phi Mai Thị Vàng, một trong những thứ phi của vua Duy Tân. Lấy vua Duy Tân và cùng chồng chịu không ít sóng gió của thời cuộc, bà Vàng từng theo vị vua yêu nước đi đày ở đảo Réunion thuộc Ấn Độ Dương (1916) nhưng được hai năm thì xin về lại Việt Nam vì không hợp khí hậu. Sau đó vua Duy Tân sống với 3 bà vợ ngoài giá thú. Riêng bà Vàng vẫn không chấp nhận đề nghị ly hôn của vua Duy Tân.
Chân dung hai hoàng hậu Tiên Cung (vợ trước) và Thánh Cung (vợ sau) của vua Đồng Khánh. Bà Tiên Cung tên thật là Dương Thị Thục, mẹ của vua Khải Định.
Công chúa Như Mai, con gái trưởng vua Hàm Nghi, là phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đỗ thạc sĩ nông lâm và giành danh hiệu thủ khoa, vượt qua rất nhiều người Pháp. Trong cuốn "Các vương phi, công chúa, nữ cung triều Nguyễn", tác giả Tôn Thất Bình viết, công chúa Như Mai được gửi về Paris học, thi vào Đại học Nông lâm, đỗ thứ năm. Suốt thời gian học, công chúa là sinh viên giỏi. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa thạc sĩ Nông lâm ở Pháp, công chúa Như Mai trở lại Alger sống với vợ chồng vua Hàm Nghi, sau đó quay lại Pháp làm việc và tiếp tục học thêm, lấy bằng về Hóa học. Bà làm việc tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp, rồi đến tỉnh Dordogne và Correze. Tại tỉnh Correze quê mẹ, công chúa đã mang những gì học được hỗ trợ dân nghèo kỹ thuật trồng trọt nên rất được quý trọng.
Công chúa Mỹ Lương tức bà Chúa Nhất, sinh năm 1872, là hoàng trưởng nữ của vua Dục Đức và chị cả của vua Thành Thái. Bà lấy Nguyễn Kế và sinh ra Công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà, thường gọi là Mệ Bông. Bà có công rất lớn với nghệ thuật tuồng Việt Nam thế kỉ XX. Đội ca vũ tuồng cung đình do bà thành lập và huấn luyện biểu diễn từ cuối triều vua Thành Thái đến đời các vua Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Bà là người có tấm lòng nhân đạo, sáng lập hội Lạc Thiện cứu tế người nghèo khó.
Nhan sắc dịu dàng nhưng không kém phần kiều diễm của công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà - con gái của công chúa Mỹ Lương.
Công chúa Thuyên Hoa - em gái vua Thành Thái - có vẻ đẹp hiện đại
Hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại. Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, xuất thân từ một gia đình công giáo quê Tiền Giang, nổi tiếng là gia đình giàu có bậc nhất của miền Nam thời bấy giờ. Bà cũng là một trí thức Tây học và là người nổi tiếng xinh đẹp, từng ba năm liền đoạt giải hoa hậu Đông Dương. Khi lấy vua Bảo Đại, bà mới tròn 19 tuổi. Hoàng hậu Nam Phương là người tài sắc nhưng vì là người công giáo nên trong suốt quá trình làm dâu Đức Từ Cung, hai mẹ con nhiều lần xảy ra bất đồng, xuất phát từ việc lo thờ tự theo phong tục của Hoàng tộc nhà Nguyễn.
Thứ phi Mộng Điệp của cựu hoàng Bảo Đại. Cô gái xứ Hà thành nết na, xinh đẹp Bùi Mộng Điệp đã làm siêu lòng cựu hoàng Bảo Đại khi ông ra Hà Nội làm cố vấn cho chính phủ lâm thời. Dù là vợ của một cựu hoàng nhưng bà Mộng Điệp vẫn giữ được cốt cách của một hoàng phi đến những ngày cuối đời và lưu giữ được nhiều tài liệu quý về cựu hoàng Bảo Đại. Bà Mộng Điệp rất được lòng Đức Từ Cung và là người lo việc thờ tự chính, bù lại khoảng trống của bà Nam Phương Hoàng hậu. Bà qua đời ngày 26/6/2011 tại Pháp và được Hoàng tộc nhà Nguyễn tại Huế làm lễ cầu siêu theo truyền thống.
Công chúa Suzy Vĩnh San là trưởng nữ của vua Duy Tân. Năm 1927, vua Duy Tân gặp bà Fernande Antier khi bà mới 14 tuổi. Trong khoảng 18 năm chung sống với vua Duy Tân, bà hạ sinh tổng cộng 8 người con: Thérèse, Solange, André, Ginette, Suzy, Georges, Claude và Roger, trong đó Suzy là trưởng nữ. Công chúa Suzy Vĩnh San sinh ngày 6/9/1929, tại Saint Denis đảo Ile de la Réunion, nơi vua Duy Tân bị Pháp đày từ năm 1916, lúc vua mới 16 tuổi.
7 năm nghiên cứu hơn 88.000 người, phát hiện giúp kéo dài tuổi thọ