Cán bộ có tài sản trên 50 triệu đồng sẽ phải kê khai

Thứ Tư, 20/09/2017 21:56 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thanh toán qua tài khoản mọi khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.

Kê khai lần đầu đối với các tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và có nghĩa vụ kê khai, giải trình bổ sung về tài sản, thu nhập biến động có giá trị từ 50 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp

Thay đổi cách kê khai tài sản

Chiều 20/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, một trong những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành là: “còn vướng mắc về trình tự, thủ tục giải trình, xác minh tài sản, thu nhập; thiếu quy định về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý…”.

Để giải quyết vấn đề này, Điều 43 và 44 của Dự thảo Luật có nhiều sửa đổi, bổ sung về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập như mở rộng đối tượng kê khai tài sản; bỏ quy định kê khai hàng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung.

Theo đó, tài sản, thu nhập phải kê khai là: Đất, nhà ở, công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng… có giá trị của mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai bổ sung mọi biến động tài sản, thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hằng năm. Người kê khai có nghĩa vụ tự mình giải trình đối với biến động về tài sản, thu nhập khi tiến hành kê khai bổ sung.

Bên cạnh đó, Điều 37 cũng quy định, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thanh toán qua tài khoản mọi khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên...

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện việc thanh toán qua tài khoản được mở tại ngân hàng, Kho bạc nhà nước đối với mọi khoản thu, chi có giá trị từ 20 triệu  đồng trở lên. Mọi khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có giá trị từ 2 triệu trở lên đều phải thực hiện thông qua tài khoản.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội, trong dự thảo Luật chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý; chưa có quy định nhằm kết nối dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, đăng ký nhà đất, các giao dịch khác về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai… là những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, những sửa đổi trong các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập mới chỉ tập trung đến việc kê khai tài sản, thu nhập với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi hiện nay chưa có các giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội nên không đảm bảo được tính toàn diện và khó đạt được hiệu quả như mong muốn. 

Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đa số ý kiến tán thành với chủ trương tiến tới tất cả đảng viên, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X).

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, trong thời gian qua, việc kê khai tài sản là để… đút ngăn bàn. Khi có đơn thư tố cáo mới đem ra kiểm tra. Đối với việc xử lý tài sản kê khai bất minh, như các nước, khi phát hiện tài sản bất minh, người kê khai phải giải trình trong 6 tháng. Nếu không giải trình được thì chuyển sang toà án xử lý thu hồi.

Ngoài ra, theo ông Phong, Luật Phòng chống tham nhũng là công cụ pháp lý quan trọng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và toàn dân. Trong đó, phòng ngừa cần được coi trong nhưng trong dự thảo khâu phòng ngừa chưa phải là nội dung trong tâm.

Không được tặng quà và nhận quà dưới mọi hình thức

Một điểm mới quy định trong dự thảo Luật là điều 26 về: Tặng quà và nhận quà tặng (sửa đổi, bổ sung)

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Khi được tặng quà, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được tặng quà và nhận quà tặng dưới mọi hình thức, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định. Khi được tặng quà và nhận quà tặng theo chế độ, định mức, tiêu chuẩn do pháp luật khác quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải công khai việc tặng quà và nhận quà tặng.

Góp ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đối với quà tặng là “phi vật chất” không trả lại được và không nộp được cho cơ quan nào được thì chưa quy định. Hay việc không có quy định về việc sử dụng quà nộp lại. Quy định cán bộ không được nhận quà dưới mọi hình thức, phạm vi quản lý. Ví dụ Chủ tịch tỉnh quản lý cả tỉnh, nếu con Chủ tịch tặng bố quà tặng thì không được vì vi phạm quy định trong luật. Do vậy, cần quy định định rõ hơn để đảm bảo tính khả thi.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý kiến, quy định về tặng quà và nhận quà cần cụ thể hơn, rõ ràng hơn để thực tế và phù hợp với văn hóa của người Việt Nam.

Trong dự thảo luật cũng đề nghị mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách Nhà nước …

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình “tham nhũng khu vực ngoài nhà nước” đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng chống tham nhũng trong khu vực công

Ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, trong thời gian qua có hiện tượng liên hệ giữa cán bộ cao cấp và doanh nghiệp là có vấn đề. Do vậy, không nên quy định rộng nhưng cần thí điểm thực hiện, không nên đại trà ở các cấp nhưng cần quy định cụ thể cấp nào.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là mới và phù hợp với quốc tế. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động về tính hiệu quả, khả thi và đảm bảo không gây khó khăn cho hoạt động tự do kinh doanh.Về tính đồng bộ, cần rà soát để khắc phục việc chồng chéo. Phòng ngừa tham nhũng cần nghiên cứu tính hợp lý theo hướng tập trung công khai minh bạch về hoạt động có nguy cơ xảy ra tham nhũng.

Ngoài ra, việc quy định 5 hình thức công khai tài sải tại điều 47 cần được cân nhắc kỹ để đảm bảo tính minh bạch và đảm bảo quyền bí mật thông tin cá nhân, đây là quyền cơ bản của công dân.

H.V/Báo Tin Tức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›