(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn năm 2030”. Đề án đang được dư luận quan tâm vì có tính đến việc hạn chế xe máy, trong khi đây vẫn là loại phương tiện giao thông phổ biến của người dân.
Tăng năng lực vận tải hành khách công cộng
Dự báo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, nếu không kiềm chế tốc độ tăng trưởng nóng, thì đến năm 2020, thành phố sẽ có hơn 843.000 ô tô, gần 6,1 triệu xe máy. Đến năm 2030 sẽ tăng lên gần 2 triệu ô tô và hơn 7,5 triệu xe máy.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, trong khi phương tiện đường bộ tăng quá nhanh, thì hạ tầng giao thông không phát triển theo kịp. Vì vậy, mục tiêu của đề án này sẽ ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30 - 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50 - 55%; tại các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40% nhu cầu.
Cụ thể, thành phố sẽ ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân. Thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng theo đăng kiểm và niên hạn sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng để đề xuất các biện pháp thu hồi, xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng.
Rất nhiều ý kiến người dân phản ánh đến Báo Tin Tức, nếu thành phố thực hiện các giải pháp quản lý phương tiện cá nhân một cách máy móc, không quản được thì cấm, nặng tính xử phạt hành chính… thì khó thay đổi được ý thức tham gia giao thông theo kiểu “đám đông” lâu nay. Thay vào đó cần triển khai các giải pháp tuyền truyền hướng tới thay đổi, nâng cao nhận thức, thói quen như: Khuyến khích đi xe buýt, miễn phí xe buýt, thu phí môi trường đối với niên hạn phương tiện…
Trên thực tế, các chuyên gia phân tích, thiệt hại do ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông gây ra khiến hàng năm thành phố mất đến nửa tỷ USD chi phí cải thiện. Do đó, phát triển vận tải hành khách công cộng chính là tiền đề để tạo thói quen cho người dân hạn chế phương tiện cá nhân. Nếu đề án không sớm hiện thực hóa, Thủ đô sẽ trở thành một “bãi xe di động”.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện khẳng định, đến năm 2030, khi vận tải công cộng đáp ứng được 55% nhu cầu đi lại, dự kiến khoảng 80% người dân khi dừng xe máy có thể tiếp cận các điểm tiện dừng phương tiện công cộng với quãng đường dưới 500 m (hiện nay là 40%). 20% còn lại, người dân có thể phải đi bộ dài hơn hoặc đi bằng xe đạp, nhưng không quá 1 km.
Vận tải công cộng Thủ đô để hoàn thành mục tiêu đáp ứng 55% nhu cầu đi lại, ngoài mạng lưới xe buýt gần như phủ kín thành phố hiện nay, buýt nhanh BRT đang hoạt động hiệu quả, cán mốc năm 2030, Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị đi trên cao, trên mặt đất và đường ngầm dài khoảng 417 km, kết nối đồng bộ từ nội thành đi ngoại thành. Được biết, ngoài 2 dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội sắp đi vào khai thác, 8 dự án đường sắt đô thị khác trị giá gần 40 tỷ USD đang được nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn thực hiện kết hợp với vốn đối ứng của thành phố và vốn vay ODA.
Lộ trình hạn chế xe cá nhân
Theo đề án, Hà Nội sẽ lên kế hoạch hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại khu vực nội thành để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường theo lộ trình 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ 2017 - 2020, sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát số lượng xe máy hoạt động; đồng thời điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất tiến hành thu hồi xử lý.Việc thống kê, phân loại sẽ được chia theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại; tiếp đó sẽ xác định vị trí bãi tập kết tiêu hủy xe máy khi tiến hành thu hồi phương tiện giao thông thải loại.
Giai đoạn 2, thu hồi, tiêu hủy phương tiện xe máy cũ không đủ tiêu chuẩn; ban hành cơ chế hỗ trợ khi thu hồi phương tiện, có thể kéo dài đến năm 2030.
Giai đoạn 3, từ 2025 - 2029, thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm. Việc thí điểm sẽ được khảo sát, phân tích mọi khía cạnh tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, nhằm điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Giai đoạn cuối cùng, năm 2030, Hà Nội có thể phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy cho phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng; dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành.
Các chuyên gia đánh giá, việc lập lên một lộ trình cụ thể, rõ ràng là bước đi quan trọng, cần thiết để hướng tới mục tiêu quản lý tốt phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là xe máy. Việc hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trong khu vực trung tâm cần triển khai song song hai biện pháp, vừa khuyến khích vừa kiểm soát.
Qua điều tra xã hội học của Công an TP Hà Nội với trên 15.000 người dân về lộ trình hạn chế xe cá nhân, tỷ lệ ủng hộ đạt khoảng 84%, hơn 90% số người được hỏi cũng đồng tình lộ trình thu hồi xe máy cũ nát và dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội thành. Tuy nhiên, đa số ý kiến yêu cầu thành phố phải tập trung xây dựng mạng lưới vận tải hành khách công cộng đồng bộ trước khi hạn chế xe cá nhân. |
Theo Đăng Sơn/Báo Tin Tức
Tags