Khi mới tiếp quản ghế HLV MU, Erik Ten Hag tuyên bố ông muốn đội bóng áo đỏ chơi theo phong cách kiểm soát bóng. Nhưng sau 2 năm, ông đánh mất tất cả: không kết quả, và không cả dấu ấn riêng. Vết trượt dài bắt đầu từ một khoảnh khắc.
Vua nói 'đạo lý' Erik Ten Hag
Hãy nhớ lại trận đấu thứ 3 dưới thời Ten Hag, vào tháng 8/2022. Khi ấy, MU đã thua h2 trận đầu tiên, trong đó có một thất bại đáng xấu hổ 0-4 trước Brentford. Trận tiếp theo họ phải gặp Liverpool, và đấy là thời điểm mà mong muốn thể hiện một phong cách nào đó của Ten Hag lung lay dữ dội nhất: đội áo đỏ cầm bóng đến 63%, nhưng thua liên tiếp bởi các sai lầm cá nhân, trong đó có một đường chuyền ngớ ngẩn "kiến tạo" cho đối thủ của thủ thành David De Gea.
Trận tiếp theo, M.U thắng Liverpool 2-1 và từ đó thoát khỏi khủng hoảng, nhưng có gì đó đã rạn vỡ. Ten Hag vội vã thỏa hiệp: ông cấm De Gea chơi bóng ngắn. MU chơi sân nhà, nhưng chấp nhận nhường quyền cầm bóng cho Liverpool, đá bóng dài, trông thụ động, nhưng chắc chắn hơn. Và đó là tiền đề cho chiến thắng.
Có những khoảnh khắc sẽ thay đổi chúng ta mãi mãi. Có lẽ bạn vẫn nhớ khởi đầu của Pep Guardiola cùng với Barcelona: một trận hòa và một trận thua ở Liga. Nhưng Pep không thay đổi phong cách, và phần còn lại là lịch sử. Barca và bản thân Pep từ đó không bao giờ ngoảnh lại phía sau nữa.
Dù không nói gì về triết lý khi tiếp quản Barca, nhưng Pep đã thực thi mong muốn của ông với một niềm tin sắt đá. Và việc không "nổ" quá sớm về một phong cách nào đó cũng giúp Pep có thời gian để tiếp tục thực thi nó, thay vì thỏa hiệp khi phong cách không đem lại hiệu quả ban đầu.
Ten Hag đã đến MU với những lời hứa hẹn quá tự tin và vội vã về phong cách: ông muốn đội cầm bóng thế này, chuyền ngắn thế nọ, chơi bóng đúng nghĩa chứ không phải chỉ rình rập. Ông có vẻ đã quá dễ dãi với lời hứa của mình. Và chỉ sau hai trận, lời nói gió bay. Không còn phong cách nào nữa. MU trở lại là một con tắc kè hoa chơi phản công với bóng dài và những cú sút chớp nhoáng.
Tất nhiên là không ai có thể trách ông vì sự thay đổi như "chảo chớp" ấy, vì rốt cục nó đã đem lại hiệu quả. Ten Hag có thể đã bị sa thải từ tháng 8/2022, chứ không ngồi ghế HLV MU đến tận bây giờ.
Nhưng hiện tại, chứng kiến mớ hỗn độn ở MU suốt ba năm qua, có lẽ ai cũng phải đặt ra một câu hỏi rằng liệu trận thắng Liverpool ngày ấy có phải đã đổi lấy một cái giá rất đắt nào đó hay không? Một HLV mới đến hết lòng hứa hẹn về phong cách này lối chơi nọ, nhưng sẵn sàng gạt bỏ tất cả sau hai trận thua?
Có lẽ chính từ thời điểm ấy, mọi ý định xây dựng một thứ gì đó đường dài hơn của Ten Hag đã hoàn toàn trở nên bất khả thi. Ông đã nói quá nhiều và quá sớm về một thứ mà có vẻ chính ông cũng không tin tưởng lắm, và sự thỏa hiệp quá sớm cũng trở thành một thông điệp khó quên với các cầu thủ: tôi muốn các anh thực hiện triết lý của tôi, nhưng chính tôi sẽ bỏ nó vào sọt rác khi đứng trước khó khăn.
Rốt cuộc, sau hai năm, MU đã đứng yên tại chỗ cùng HLV của họ, và thắng thua cắc bụp dựa vào cảm hứng và bản lĩnh thi đấu còn sót lại của các cá nhân. Ten Hag thì vẫn nói về sự… kiên nhẫn, sau trận hòa bạc nhược với Bournemouth cuối tuần qua: "Người hâm mộ phải kiên nhẫn? Điều đó tùy thuộc vào họ, nhưng đó là sự thật. Tại thời điểm này, với tất cả những vấn đề mà chúng tôi gặp phải, chúng tôi chơi đúng trình độ của mình"
"Chúng tôi có thể chơi rất tốt và đạt trình độ của mình khi mọi người đều có phong độ cao nhất nhưng chúng tôi phải làm điều đó trong suốt 90 phút".
Nhưng về cơ bản, có lẽ không ai tin rằng Ten Hag có thể làm được một cái gì đó đúng như ông đã nói. Cuối cùng thì HLV người Hà Lan chỉ là một người làm thuê muốn làm mọi cách để giữ lại chiếc ghế của mình, thay vì một nhà cách mạng đến đây để thay đổi mọi sự trì trệ đã tồn tại sau kỷ nguyên Sir Alex Ferguson.
Ten Hag rõ ràng không phải người có thể vực dậy MU, vì chính ông còn không thể tin vào con đường của mình, dù đã "nổ" về nó từ rất sớm. Có thể ở một vũ trụ khác, Ten Hag đã không thay đổi và bị sa thải từ tháng 8/2022, nhưng chúng ta đã có thể tôn trọng ông hơn là những gì đang diễn ra lúc này.
Tags