Tuần này, Manchester United tiếp tục là tâm điểm của bóng đá Anh nói riêng và bóng đá thế giới nói chung không chỉ vì họ vừa thua thảm, mà còn bởi chính sách tài chính hà khắc: CLB vừa cắt phéng khoản hỗ trợ 40.000 bảng mỗi năm cho Hiệp hội cầu thủ MU.
Khoản hỗ trợ này vốn là một chính sách rất nhân văn: Nó dựa trên ý tưởng cho rằng các cầu thủ trong quá khứ không có điều kiện được hưởng mức lương cao như cầu thủ hiện đại, và CLB sẽ trả một phần tiền cho đóng góp trong quá khứ của các huyền thoại. Có khoảng 300 người nhận được khoản lương trọn đời này, bao gồm Bryan Robson, Brian Kidd và Dennis Irwin.
Đấy chỉ là một trong rất nhiều động thái cắt giảm chi phí ở MU sau khi tỷ phú Jim Ratcliffe nắm quyền điều hành CLB. Mùa Hè vừa rồi, MU đã sa thải gần 250 nhân viên, và gây sốc với quyết định chấm dứt hợp đồng đại sứ toàn cầu với HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson, tiết kiệm cho đội gần 3 triệu bảng/năm.
Trước đó, Sir Jim Ratcliffe đã quyết định huỷ bỏ bữa tiệc Giáng sinh dành cho các nhân viên hậu trường của CLB, thậm chí thay thế khoản tiền thưởng 100 bảng cuối năm của nhân viên bằng… voucher mua sắm Marks & Spencer trị giá vỏn vẹn 40 bảng, chưa tới 1,3 triệu đồng. CLB cũng đang xem xét giảm một nửa ngân sách trong số tiền 40.000 bảng dành cho Hiệp hội CĐV khuyết tật (MUDSA) của CLB.
Chưa hết, MU còn làm cho các CĐV tức giận vì tăng giá vé vào sân với người cao tuổi và cả trẻ em lên bằng giá vé dành cho người trưởng thành, dẫn đến những cuộc biểu tình nhắm vào chính CLB.
Tóm lại, MU đang vận hành với tinh thần thực dụng tối đa của một nhà tư bản. Họ cố gắng cắt giảm chi phí đến nỗi phủ nhận hoàn toàn các khía cạnh tinh thần và nhân văn của một tổ chức, một đội bóng. Một cuộc tiết kiệm đã vắt kiệt đến cùng cực linh hồn của họ: CLB sẵn sàng bỏ qua những giá trị cơ bản đã hình thành và được ghi nhận bằng lịch sử, để tiết kiệm những chi phí tinh thần bảo là to lớn cũng không phải. Những khoản tiền kể trên chỉ đáng giá bằng, thậm chí thấp hơn, một tuần lương của cầu thủ.
Đầu mùa này, có một đội bóng đã hành xử ngược lại: Chelsea. Có lẽ bạn đọc không để ý rằng họ đã đi qua già nửa mùa giải mà không có tên nhà tài trợ trên ngực áo. Chelsea đã đưa ra mức giá ít nhất là 45 triệu bảng mỗi năm cho các thương hiệu muốn xuất hiện ở vị trí đẹp nhất trên áo đấu, và khi có ai đó muốn trả thấp hơn, họ đã không thoả hiệp.
Mùa này, Chelsea chỉ thi đấu ở UEFA Conference League, một giải đấu hạng hai ở châu Âu. Trên băng ghế huấn luyện, sự xuất hiện của tân HLV Enzo Maresca (thay Mauricio Pochettino), với bản thành tích chưa có gì nhiều, đem đến nhiều nghi ngờ. Tuy nhiên, Chelsea không chịu hạ mình: Họ vẫn đòi một khoản tiền tài trợ bằng đúng giá trị khi đội bóng chơi tại Champions League, thay vì chấp nhận một thoả thuận thấp hơn.
Với Chelsea, mức giá hợp lý nhất vẫn sẽ là 60 triệu bảng/năm, theo mặt bằng chung các đội Premier League được hưởng. Mùa này, dù thành tích bết bát, MU đã gia hạn thành công thỏa thuận với công ty công nghệ Snapdragon, giúp họ kiếm được 60 triệu bảng một năm.
Chelsea vẫn "cứng đầu" dù tình hình tài chính không có gì sáng sủa. Trong 3 năm qua, họ hầu như không kiếm được gì từ các giải châu Âu vì không được dự Champions League, trong khi các chi phí ngày một tăng lên. Chelsea thậm chí còn là đội chi đậm nhất cho người đại diện và môi giới chuyển nhượng, với chi phí lên đến hơn 75 triệu bảng suốt một năm qua.
Tất nhiên là chúng ta không thể biết được rồi đội bóng nào sẽ thành công với chính sách của mình hơn: Thực tế là Chelsea đang lỗ to, không kiếm được nhiều tiền, còn MU đã cắt giảm được một phần chi phí, trong khi doanh thu vẫn gia tăng.
Nhưng cách ứng xử với tiền của 2 CLB đã thể hiện rõ 2 quan niệm về giá trị tinh thần: Một đội đã đạp thẳng lên nó để thắt lưng buộc bụng, và một đội đã cố gắng giữ lấy sự tự tôn mà họ đã tạo dựng trong quá khứ, bất chấp hiện tại khó khăn.
Đôi khi bảng xếp hạng cũng phản ánh rõ lựa chọn của họ: Chelsea đang xếp thứ 3, và MU ngụp lặn ở vị trí thứ 14. Linh hồn của bóng đá vẫn là các giá trị tinh thần, điều mà MU đang hoàn toàn bỏ qua.
Phạm An
Tags