Chúng ta vẫn hay phân tích rằng một đội bóng thành công cần một nền tảng tốt, nhưng Barcelona hiện tại thì đang ở trong giai đoạn "dặt dẹo" bậc nhất ta từng biết. Vậy họ có gì để đè bẹp Real Madrid 4-0?
Kết thúc kỷ nguyên vàng son
Dấu chấm hết của kỷ nguyên huy hoàng hơn một thập niên trước chính là sự ra đi của Lionel Messi, thành viên vĩ đại nhất đội bóng từng sản sinh. Ngoài ra, Carles Puyol, Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Luis Suarez, Gerard Pique và Sergio Busquets… cũng đã rời đội.
Đối với nhiều người hâm mộ bóng đá bên ngoài Catalonia, tại Bernabeu và những nơi khác, Barca đã trở thành một đối tượng để chế nhạo. Những thất bại nhục nhã ở vòng loại trực tiếp UEFA Champions League khiến họ không thể vượt qua vòng bảng 2 mùa liên tiếp. Ý tưởng về Barca như một trong những đội hàng đầu châu lục dường như đã trở thành dĩ vãng và ngày trở lại rất xa vời.
Bên ngoài sân cỏ, đội bóng là một mớ hỗn độn với khoản nợ đã lên đến hơn 3 tỷ euro. Nhiều tài sản và cả bản quyền đã bị Barca bán trước hàng chục năm để giải quyết bê bối tài chính của đội bóng.
Hào quang rực rỡ của chức vô địch La Liga 2022-23 ngay lập tức bị vùi lấp bởi một mùa giải đầy lo âu dưới sự quản lý của Xavi. Ngay cả mùa hè vừa rồi cũng không có gì phấn khởi. Bản hợp đồng lớn duy nhất của Barca là Dani Olmo, ngôi sao trong đội hình tuyển Tây Ban Nha vô địch EURO 2024, nhưng những vấn đề tài chính khiến họ chỉ có thể đăng ký anh với La Liga do… chấn thương của đồng đội mới Andreas Christensen.
Việc thay Xavi bằng Hansi Flick được coi là một canh bạc của Chủ tịch Laporta, vì Hansi không nói tiếng Tây Ban Nha (hay Catalonia), cũng chưa bao giờ làm việc ở La Liga và nhiều cầu thủ quan trọng phải nghỉ dài hạn - bao gồm Ronald Araujo, Frenkie De Jong và Gavi.
Khi đội bóng của Flick khởi đầu tốt, vẫn không có nhiều người tin tưởng họ. Những điều chỉnh của người Đức đối với phong cách chơi truyền thống của đội, khiến họ trở nên trực diện hơn và kiểm soát bóng ít hơn, bị coi là rủi ro. Thắng Valladolid hay Villarreal ở La Liga là một chuyện, nhưng những thử thách thực sự vẫn ở phía trước.
Điều không thể mất
Trước trận Kinh Điển, báo chí Tây Ban Nha đưa ra một so sánh theo thống kê từ trang chuyển nhượng transfermarket: Real Madrid có giá trị đội hình cao hơn Barca khoảng 400 triệu euro. Lâu lắm rồi trận Kinh Điển mới có lực lượng kiểu trứng chọi đá đến như vậy.
Ngoài Lamine Yamal, Barca cũng không có cầu thủ nào có giá thị trường cao hơn 100 triệu euro, trong khi phía Real có 6 người là Kylian Mbappe, Jude Bellingham (cùng 180 triệu euro), Federico Valverde (130 triệu euro), Rodrygo Goes, Aurelien Tchouameni và Eduardo Camavinga (cùng 100 triệu euro).
Ba cầu thủ đắt nhất của Barca sau Yamal là Gavi (90 triệu euro), Pedri (80 triệu euro) và Ronald Araujo (70 triệu euro). Điều đáng nói là cả Yamal, Gavi và Pedri đều là sản phẩm của lò La Masia.
Trong chiến dịch tái tranh cử ghế Chủ tịch Barca, ông Joan Laporta tuyên bố rằng sẽ tái đầu tư vào lò đào tạo, thay vì chạy đua chuyển nhượng: "Chúng tôi phải quay về với La Masia, đưa ra những quyết định mang tính thể thao hơn".
Laporta có thể chưa thành công ở nhiều mặt trong nhiệm kỳ 2 ở Barca, nhưng riêng La Masia là ngoại lệ. Các cầu thủ từ lò đào tạo được đôn liên tục lên đội một, và Lamine Yamal đã trở thành một biểu tượng mới ở sân CampNou.
4 tháng trước, sau khi Real Madrid chiêu mộ thành công Kylian Mbappe, Chủ tịch Laporta lại một lần nữa nhắc về yếu tố cốt lõi này: "Tôi tin trưởng triết lý của Barca hơn. Chúng tôi có thể đá Champions League với nòng cốt là các cầu thủ trẻ mà đội bóng đào tạo. Hansi Flick đã nói với chúng tôi như thế và điều này phù hợp với quan điểm của đội bóng".
Trong đêm Kinh điển, khi Mbappe 2 lần ghi bàn trong tư thế việt vị và bỏ lỡ 2-3 cơ hội mười mươi, Yamal trở thành nguồn cảm hứng trên hàng công Barca. Chơi cùng hành lang ngay phía sau anh là tiền vệ mới 21 tuổi Marc Casado. Ở trung tâm hàng phòng ngự, cầu thủ mới 17 tuổi Paul Curbasi đá vô cùng chững chạc. Pedri, mới 21 tuổi, vẫn là trụ cột ở tuyến giữa của Barca. Tất cả đều là sản phẩm của lò La Masia trứ danh.
Và Barca đã vượt qua một tuần lễ gần như siêu thực như thế: Đè bẹp Bayern 4-1 ở Champions League và đánh bại Real 4-0 ngay tại Bernabeu, sau khi đã thua 3 trận Kinh Điển gần nhất. Hãy tưởng tượng đội bóng này giống như một con người ưu tú nhưng sa cơ, đã mất gần hết tài sản, mang nợ đầm đìa, nhưng có một điều anh ta không thể mất: Tài năng từ trong cốt lõi. Tài năng ấy lớn đến nỗi có thể vượt qua mọi nghịch cảnh, và được nuôi dưỡng tốt đến nỗi không gì có thể vùi lấp.
Chiến thắng kỳ diệu trong trận Kinh Điển ấy cũng nói lên rằng cuối cùng thì bóng đá vẫn phải là bóng đá: Đội có tài năng hơn, không phải đắt giá hơn, sẽ chiến thắng. Và La Masia là điều Barca không thể mất.
Phạm An
Tags