Sau khi Trung Quốc đưa ra ngày 24/2 đề xuất giải pháp chính trị 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng khác nhau.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng “đánh giá cao mong muốn chân thành của những người bạn Trung Quốc trong việc góp phần giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình”.
Bà Zakharova cũng tuyên bố "Nga sẵn sàng đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine) bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao", đồng thời nhấn mạnh điều này đồng nghĩa với việc công nhận "những thực tế mới về lãnh thổ" ở Ukraine.
Trong khi đó, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh một số yếu tố trong đề xuất của Trung Quốc về việc chấm dứt xung đột khi chúng “tương đồng với sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ”, song cho rằng chỉ quốc gia đang hứng chịu chiến tranh mới nên đứng ra đề xuất kế hoạch hòa bình.
Tổng thống Ukraine cho rằng Bắc Kinh không đưa ra một kế hoạch cụ thể mà là những "ý kiến", đồng thời thừa nhận không đồng tình với một số điểm khác trong đề xuất, song cũng đề cập đến khả năng Trung Quốc đứng ra làm trung gian hòa giải.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cảnh báo sau khi khi Bắc Kinh kêu gọi ngừng bắn, Moskva có thể lợi dụng bất kỳ khoảng thời gian dừng xung đột nào để củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ và bổ sung lực lượng.
Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thì nhận định đề xuất của Trung Quốc về giải quyết xung đột ở Ukraine có nhữn điểm đáng quan tâm về sử dụng vũ khí hạt nhân, trao đổi tù binh hay xuất khẩu ngũ cốc, nhưng chưa phải một kế hoạch toàn diện để dẫn đến hòa bình mà là “một tài liệu… nơi Trung Quốc đưa vào các lập trường đã thể hiện từ đầu”. Ông Borrell hối thúc Bắc Kinh trực tiếp gửi đề xuất này cho Kiev.
Đề xuất của Trung Quốc nêu rõ các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế đã được công nhận; kêu gọi các bên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và cùng có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững hướng tới một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, cũng như hòa bình và ổn định trên lục địa Á-Âu.
Bắc Kinh cũng hối thúc các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình, cũng như kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng, ngăn chặn cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, Trung Quốc đề xuất tất cả các bên liên quan nên ủng hộ Nga và Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diên.
Tags