(Thethaovanhoa.vn) - Với những câu hỏi: Cảm nhận của anh/chị về các nghệ danh của nghệ sĩ Việt bằng tiếng nước ngoài như: Mew Amazing, Only C... hoặc tên "nửa Tây nửa ta" như: Noo Phước Thịnh, Akira Phan, Angela Phương Trinh... ? Một số nghệ sĩ cho rằng họ lấy tên bằng tiếng nước ngoài là để hòa nhập sân chơi chung của thế giới. Ý kiến của anh/chị về vấn đề này?
- Giữ gìn tiếng Việt từ cái tên gần gũi của mình
- Việc cần làm ngay: Chuẩn hóa tiếng Việt
- Tiếng Việt đang đi về đâu?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Sở thích cá nhân, không thể cấm
Thời cụ Vũ Trọng Phụng nhiều người Việt đã có xu hướng lấy tên Pháp đặt trước tên mình. Thời đó, chẳng mấy người Việt thích những cái tên đó đâu. Còn bây giờ thời buổi hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa, việc người Việt sử dụng tên "Tây" không có gì lạ nữa.
Peter Trần Việt hay John Trần Việt cũng là một cách đặt tên để phân biệt hai ông Trần Việt với nhau. Những cái tên Peter, John đặt trước tên Trần Việt có thể coi như một tính từ, để tăng thêm màu sắc cho cái tên Việt. Có thể tạm hiểu là như vậy.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Dù vậy thì nghe những cái tên Việt lai "Tây" như Mew Amazing, Only C, Noo Phước Thịnh, Akira Phan, Angela Phương Trinh... có cảm giác không được thuần Việt cho lắm. Có thể những người lấy tên như vậy cảm thấy có thêm yếu tố nước ngoài tên mình văn minh hơn chăng?
Biết làm sao được, bây giờ các bạn trẻ thích thế. Đây cũng là đặc trưng của xã hội trong giai đoạn giao thời. Mặt khác, đó là sở thích cá nhân, không thể cấm.
Nhạc sĩ Giáng Son: Người Việt mà lấy tên Tây thì không hay cho lắm
Nói thật là nhiều lúc nghe tên các ca sĩ trẻ tôi không biết các bạn ấy là Việt kiều hay là người nước ngoài. Có những ca sĩ mới, khi giới thiệu tên thì "Tây", nhưng bước ra sân khấu là "Ta" 100%, ít nhiều người nghe cũng cảm thấy hơi bất ngờ. Cá nhân tôi thấy người Việt mà lấy tên Tây có gì đó không hay cho lắm. Với những người lớn tuổi thì họ thấy như thế rất không ổn.
Nhạc sĩ Giáng Son
Nhưng đây là sự tự do cá nhân, không ai có thể cấm. Với các bạn trẻ, có thể đặt tên kiểu này khiến các bạn cảm thấy mình "cập nhật" xu hướng, thấy mình được chú ý hơn. Một số ca sĩ trẻ nhiều khi do định hướng của quản lý, hoặc cũng vì chưa có kinh nghiệm sống, chưa đủ bản lĩnh thì thấy cái gì là "xu hướng" thì theo.
Nếu nói lấy tên "Tây" cho phù hợp với xu hướng thế giới, dễ làm việc với người nước ngoài tôi thấy không đúng đâu nhé. Cứ nhìn người Hàn Quốc sẽ thấy, họ đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải hát nhạc của họ, bằng tiếng của họ. Mà ca sĩ Hàn vẫn để nguyên tên, họ có cần đệm tiếng Anh vào đâu mà vẫn khiến nhiều người trẻ Việt Nam phát cuồng và gọi tên họ đấy thôi.
Tôi nghĩ truyền thông nên đặt ra vấn đề này một cách nghiêm túc để thảo luận. Làm thế nào để người trẻ cảm thấy tự hào về bản sắc dân tộc, từ đó họ sẽ tự nguyện tôn trọng những giá trị của dân tộc.
Cá nhân tôi khi làm nghề phải học hỏi từ nước ngoài nhiều. Nhưng càng làm thì mình càng có nhu cầu định vị bản thân mình là người Việt, cần tạo ra những giá trị Việt tốt đẹp.
Ca sĩ Khánh Linh: Danh xưng của tên riêng không phải là vấn đề lớn
Tôi nghĩ rằng khi các nghệ sĩ lựa chọn cho mình những nghệ danh, cũng như bí danh trong sơ yếu lý lịch - đó là một cách họ tạo sự khác biệt.
Có thể hiểu như một số thương hiệu thời trang Việt, họ cũng lấy những cái tên nghe khá là nước ngoài. Và không ít trong môi trường đại học hay làm việc với người nước ngoài đã khiến nhiều người lấy tên nước ngoài kèm với họ hoặc tên gốc Việt để thuận lợi trong giao tiếp cũng ko còn xa lạ nữa. Tôi cho đó là một dạng nhận diện thương hiệu cá nhân, và cái tên như là logo vậy.
Ca sĩ Khánh Linh
Mỗi người khi sử dụng các tên gọi như vậy đều có những mong muốn, quan điểm cá nhân riêng.
Và thực tế nếu những sản phẩm mà các nghệ sĩ làm đều là để cống hiến cho Việt Nam - tức là cội nguồn thì danh xưng của tên riêng cũng không phải là vấn đề lớn. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 rồi, và sẽ còn nhiều thế kỷ của tương lai với rất nhiều sự bảo tồn, gìn giữ và phát triển mạnh mẽ thì cái tên gốc và tên bí danh hay... gì gì đó cũng sẽ thay đổi nhiều.
Ví dụ ngày xưa đệm của con trai là Văn, con gái là Thị. Thì bây giờ những tên đệm đã vô cùng phong phú với nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng với tôi thì tên của mình được bố mẹ đặt thế nào mình yêu cái tên đó.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: Phải có bản sắc Việt từ cả nghệ danh…
Luôn có một trào lưu như vậy ở giới trẻ và cả ở nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ điều này trở thành những thực tế là bởi các bạn trẻ đang mất đi tính bản sắc, thậm chí rất trầm trọng. Tôi là người đi nhiều nên tôi biết, bản sắc lúc nào cũng phải được đặt lên hàng đầu. Bản sắc trong cái tên gọi, bản sắc trong việc giới thiệu “I’m Vietnamese” (Tôi là người Việt Nam).
Tôi nghĩ rằng mỗi quốc gia nên giới thiệu cái nét riêng của mình, không chỉ riêng ở tác phẩm mà còn ở bản sắc của người nghệ sĩ đó nữa, từ nghệ danh cho đến phong cách ăn mặc. Những người cho rằng đặt tên nghệ danh nước ngoài là để dễ dàng hội nhập thế giới thì tôi nghĩ không phải. Chúng ta hội nhập về văn hóa chứ không hội nhập về cái tên. Đương nhiên mỗi người có một quan niệm khác nhau nhưng với tôi phải là như vậy, phải có bản sắc Việt của mình, từ nghệ danh trở đi.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn
Muốn nói chuyện được với khu vực thì tôi nghĩ vấn đề không phải là cái tên mà chúng ta phải làm nhạc thật hay. Tôi nhìn quanh thì thấy Việt Nam mình không thiếu những nghệ sĩ tài danh để cạnh tranh với khu vực vậy thì không lý do gì ta lại không đưa đúng bản sắc Việt của chúng ta mà nghệ danh là một phần trong đó?
Trong sân chơi âm nhạc khu vực hay toàn cầu, họ càng cần phải biết tên tiếng Việt của chúng ta, dù có là khó đọc, để biết đến âm nhạc Việt Nam. Hãy nghĩ lại xem, tại sao chúng ta lại nhớ đến những cái tên nước cũng rất khó đọc mà chúng ta không làm như thế? Nếu âm nhạc của anh chinh phục được số đông, thì khó cách nào nghệ danh của anh vẫn được nhớ đến. Hãy nhìn sang Nhật, những nghệ sĩ tầm khu vực hay thế giới của họ, có ai để tên tiếng Anh đâu? Họ rất chú trọng giữ gìn bản sắc, ngay từ cái tên.
Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng: Tên Việt thật sự khó cho người nước ngoài
Tôi thì thấy chuyện này không phải là vấn đề lớn. Nghệ danh quan trọng là phải đặc trưng và dễ nhớ nhất đến khán giả. Tiếng Việt hay tiếng Anh đều sử dụng chữ cái Latin nên thiết nghĩ cũng không gây khó khăn cho người đọc và nó cũng không cần thật sự có ý nghĩa rõ ràng gì hết. Miễn sao nó giúp tạo nhận định thương hiệu cho chính ca sĩ hay nhóm nhạc đó là được.
Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng
Còn về đặt tên bài hát tiếng Anh, theo suy nghĩ của tôi nó phải tùy trường hợp. Nếu như tựa bài của bạn là một đoạn chính của ca khúc, một ca từ có khúc nhạc đặc trưng tạo nên sự độc đáo riêng biệt của bài hát thì tôi nghĩ giữ nguyên cụm từ tiếng Anh cho ca khúc của mình là sự cần thiết.
Đơn cử như ca khúc My destiny của Hồ Ngọc Hà, từ "My destiny" được sử dụng lặp đi lặp lại để ăn tai khán giả nên giữ nguyên tựa ca khúc bằng tiếng Anh như vậy là hợp lý thay vì dịch ra là "định mệnh của em". Nhưng cũng có nhiều trường hợp sử dụng những tựa đề tiếng Anh không cần thiết và không phục vụ về mặt giai điệu hay cấu trúc bài thì đó lại giống chơi nổi hoặc thể hiện vốn từ hạn hẹp của tác giả.
Việc hướng ra thế giới cũng là một ý nghĩa tích cực mà chúng ta cần phải xem xét vì để một người nước ngoài tìm kiếm một cái tên bằng chữ tiếng Việt thật sự khó khăn vì tiếng Việt chúng ta có dấu và không phải người nước ngoài nào cũng có khả năng biết và làm điều đó.
Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long: Tôn trọng sự lựa chọn của nghệ sĩ
Cách đây 10 năm mà nghe tên có đệm tên "Tây" trước tên Việt thì đúng là có cảm giác "gai gai", nghe không lọt tai, nhưng bây giờ nhiều nghệ sĩ dùng nghệ danh như vậy nên mọi người quen dần.
Xu hướng đó cũng dễ hiểu vì giờ là thời toàn cầu hóa, internet phát triển, giao lưu văn hóa Đông Tây, giới trẻ muốn muốn hòa cùng dòng chảy đó là chuyện bình thường. Một số lấy nghệ danh nước ngoài, ít nhiều là vì họ chịu ảnh hưởng từ những dòng nhạc, hay những thần tượng là nghệ sĩ nước ngoài. Phần lớn những người lấy nghệ danh nước ngoài đều theo dòng nhạc trẻ, nhạc thời trang.
Nguyễn Quang Long
Nếu nói lấy nghệ danh có tên Tây là để tiếp cận với âm nhạc thế giới thì e rằng hơi xa vời. Như rock Việt đã có trên dưới nửa thế kỷ nhưng vẫn trong giai đoạn tìm kiếm bản thân mình. Cá nhân tôi không thích các nghệ danh có tên nửa "Tây" nửa "Ta", nhưng tôi tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người.
Ngôn ngữ không bất biến, mà nó sẽ thay đổi theo thời gian, qua tiếp nhận, sàng lọc, biến đổi, Việt hóa nó sẽ bổ sung cho vốn từ vựng tiếng Việt. Tiếng Việt đã từng bị ảnh hưởng bởi tiếng Hán, tiếng Pháp, giờ là tiếng Mỹ... Nhưng làm thế nào để giữ gìn tiếng Việt trong sáng như ý kiến dịch giả Dương Tường nêu theo tôi là điều rất đáng để suy nghĩ. Đó là một lời nhắc nhở nghiêm khắc, nhưng rất quý giá của một người từng trải.
Nhạc sĩ Quốc Bảo: Khi tác phẩm đủ hay người ta sẽ học đánh vần tên bạn
Tôi thấy không có vấn đề gì, đây chỉ là trò vui thôi. Nếu chỉ trích, hẳn anh Elvis Phương hay chị Julie Quang bị chỉ trích trước tiên. Nghệ danh là trò chơi mà, đáng gì đâu.
Nhạc sĩ Quốc Bảo
Tôi không tin lắm việc chỉ bằng "nghệ danh tiếng nước ngoài" là hòa nhập được sân chơi toàn cầu. Như tôi nói bên trên, đây là trò chơi cá nhân, tùy sở thích. Còn việc có hòa nhập được không, nhiều nghệ sĩ quốc tế mà mình không đọc nổi tên luôn, vẫn hòa nhập được cơ mà. Khi tác phẩm bạn đủ hay, bạn sẽ được chấp nhận và người ta sẽ học cách đánh vần tên bạn.
Suy nghĩ của bạn thế nào về những vấn đề nêu trên? Bạn có thể thể hiện ý kiến của mình vào hộp thư phía bên dưới bài này hoặc gửi thư về [email protected]. |
Nguyên Minh, Ngọc Diệp, Thanh Tú (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags