Các đội bóng lớn đến Việt Nam du đấu: Một đồng vẫn đắt

Thứ Hai, 27/07/2015 13:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ở số báo trước, chúng tôi đã đề cập đến một bất cập, rằng tại sao và như thế nào, hơn nửa tá các đội bóng lớn từng đến Việt Nam giao đấu trong 20 năm qua, nhưng không một ai quay lại dải đất hình chữ S. E rằng tiền lệ này chưa thể xoá bỏ trong tương lai gần. Tại sao ư?

1. Singapore, Malaysia và Thái Lan, mỗi năm đón đến nửa chục đội bóng lớn đến rửa mắt cho khán giả, điều này không cần phải nhắc lại nữa. Ban đầu là các bản hợp đồng thương mại đơn thuần, giờ đến hẹn lại lên, những Chelsea, Liverpool, Arsenal…, có “nhiệm vụ” quay lại, chắc không chỉ lăm lăm việc phát triển thị trường, mà là để phục vụ.

Tại các trung tâm mua sắm sầm uất bậc nhất Singapore, Malaysia và Thái Lan, ngay vào mùa “sale off”, một chiếc áo hiệu Adidas hay Nike, cũng có giá trên dưới 1 triệu VND. Còn ở Việt Nam, chỉ cần bỏ ra 200 ngàn VND là có thể mua chiếc áo tương tự ở khu Tao Đàn (Q1, TP.HCM) hay Trịnh Hoài Đức (Hà Nội). Nhưng một là hàng xịn, một hàng nhái.

Hai thập niên trước, Adidas từng có mặt tại Việt Nam, tài trợ cho ĐTQG. Sau Adidas “sọc 3 lá” mới đến Nike, rồi Lining (Trung Quốc) và bây giờ là Grand Sport (Thái Lan). Những thương hiệu lớn cấp toàn cầu đều đã đến, rồi đi không hồi đáp, bởi họ không thể đáp ứng thị hiếu của thị trường 90 triệu dân? Không, mà bởi họ không thể đấu với hàng nhái.

Thị trường hay các giá trị thương mại kèm theo phụ thuộc trực tiếp vào thương hiệu của từng cái tên. Lấy ví dụ, một chiếc áo đấu M.U có giá 49 bảng Anh, nhưng chỉ cần mất 15 phút đi xe buýt qua phía Đông thành phố công nghiệp lớn nhất Anh quốc Manchester và bỏ ra 26 bảng Anh là có thể sở hữu chiếc áo đấu Man City ngay tại SVĐ Etihad.

Nói thế để thấy rằng, thương hiệu của các đội bóng là khác nhau và việc họ chọn thị trường nào để hướng tới là có chủ ý. Để ý là, từ vài năm nay, M.U thậm chí đã bỏ qua các thị trường lớn ở Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…, để nhắm đế Mỹ. Không phải “quỷ đỏ” no xôi chán chè, mà đó là sự hối thúc của thương hiệu toàn cầu.

2. Cách đây 2 năm, người ta đồ rằng để đem được Arsenal đến Việt Nam, các bên liên quan phải bỏ ra đến 4 triệu USD. Giờ với Man City, cũng trên dưới 2 triệu USD. Không thể nói là đắt hay rẻ được, bởi nếu hiệu quả, thì cả chục triệu USD vẫn là rẻ, còn nếu không hiệu quả, thì một đồng vẫn đắt. Há chẳng phải đấy là thuyết kinh doanh?

Phải thống nhất với nhau luôn rằng, việc mời các đội bóng lớn đến giao đấu hoàn toàn có lợi cho người chủ nhà. Trước là rửa mắt khán giả, thu hút sự chú ý, nguồn lực đầu tư cho bóng đá và sau thúc đẩy sự phát triển của nền bóng đá. Ngay cả việc bán vài cái nón lá quảng bá ít nhiều cho nền du lịch Việt Nam với bàn bè năm châu, cũng đã có lợi rồi.

Rõ ràng, trước khi tính đến chuyện các đội bóng lớn cần mình trong việc phát triển thị trường và thị phần (điều này khá mông lung và thực sự không hiệu quả, như đã nêu ở phần đầu bài viết), chúng ta cần họ hơn. Đừng tự ái chỉ vì “một vài cầu thủ Man City thiếu nhiệt tình hay ít cười”, mà cần phải biết, chúng ta đang ở đâu và đang theo đuổi cái gì.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›