Công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research công bố kết quả khảo sát cho thấy lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản đang đối mặt với thách thức gia tăng, khi số cơ sở cung cấp dịch vụ này phải đóng cửa đã tăng cao kỷ lục trong năm 2023.
Theo Tokyo Shoko Research, đã có 510 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo trợ và chăm sóc người cao tuổi phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động trong năm 2023. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu được thực hiện năm 2010. Cũng theo thống kê, trong năm ngoái có 122 cơ sở bị phá sản, giảm 14,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao thứ hai tính từ năm 2010. Trong số này, có 67 cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc nhiều cơ sở dưỡng lão tại Nhật Bản bị phá sản là do cạnh tranh gay gắt với các cơ sở quy mô lớn, cộng với tình trạng thiếu lao động, dẫn đến việc sụt giảm cả khách hàng và doanh số.
Báo cáo của Tokyo Shoko Research lưu ý Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng làm việc trong ngành chăm sóc người cao tuổi do dân số già hóa và cạnh tranh nhân lực gay gắt với các ngành khác, đặc biệt là ngành kinh doanh ăn uống. Báo cáo nhận định những khó khăn hiện nay sẽ ngày càng tăng lên và gây ra những trở ngại đáng kể.
Cuộc khảo sát cho thấy mỗi năm có gần 600 cơ sở chăm sóc sức khỏe, chủ yếu là các công ty quy mô nhỏ, đối mặt với khó khăn tài chính, phải ngừng hoạt động. Việc ngày càng có nhiều quỹ và công ty bảo hiểm được dự báo tham gia thị trường chăm sóc sức khỏe càng khiến số lượng các công ty quy mô vừa và nhỏ bị phá sản tăng mạnh trong năm nay. Dự báo, ngành chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 1,59% trong năm tài chính 2024.
Trong khi đó, dữ liệu của trung tâm việc làm thuộc Chính phủ Nhật Bản cho thấy số người từ 65 tuổi trở lên đang tìm kiếm việc ở Nhật Bản đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Điều này tạo ra thách thức trong việc bố trí công việc phù hợp cho họ trong bối cảnh lực lượng lao động tại nước này đang ngày càng thu hẹp.
Trung tâm việc làm Hello Work ở quận Ikebukuro của Tokyo có quầy dành riêng cho người cao tuổi. Một số người tới đây vì cần công việc để tăng thêm thu nhập, nhưng những người khác tới bởi họ chỉ muốn duy trì hoạt động.
Một người đàn ông 66 tuổi đến đó để đăng ký tìm việc cho biết: "Tôi muốn làm việc cho đến khi 70 tuổi". Ông đã nghỉ hưu từ tháng 11/2023 sau khi làm việc quá tuổi nghỉ hưu cho công ty và hiện đang tìm kiếm một công việc khác. Ông này nói: "Tôi sẽ kiệt sức nếu cứ ở nhà suốt, và ý nghĩ phải ngừng làm việc hoàn toàn khiến tôi bất an".
Hơn 100 người tìm việc đến quầy tư vấn của Hello Work hàng ngày để xin lời khuyên. Một đại diện trung tâm việc làm này cho biết: "Chúng tôi tiếp nhận nhiều người ở độ tuổi 70 và 80. Nhưng đó không phải là điều thường thấy. Từ năm 2001 đến năm 2018, những người trong độ tuổi từ 25 đến 29 là nhóm người đông nhất tới tìm việc tại Hello Work. Nhiều người đang tìm kiếm các vị trí toàn thời gian thay vì công việc bán thời gian.
Hiện nay, nhiều người tìm việc đã qua tuổi nghỉ hưu truyền thống. So sánh số lượng người tìm việc trung bình từ tháng 1-11/2023 với 10 năm trước đó, những người tìm việc trong độ tuổi 25-29 tuổi đã giảm 100.000 người, xuống còn 196.000 người, trong khi những người tìm việc từ 65 tuổi trở lên tăng từ 140.000 người lên 256.000 người.
Tỷ lệ người tìm việc từ 65 tuổi trở lên là 13%, tăng mạnh so với mức 5% của 10 năm trước. Nếu tính cả những người từ 55 tuổi trở lên thì nhóm này chiếm 1/3 tổng số người tìm việc tại Nhật Bản. Ngoài những thay đổi về nhân khẩu học do dân số già ở Nhật Bản, luật lao động của nước này cũng đang có tác động tới diễn biến này.
Các công ty được yêu cầu tuyển dụng lao động đến 65 tuổi, nhưng đối với những người từ 65 tuổi đến 70 tuổi, các công ty chỉ được khuyến khích cung cấp việc làm. Một số người lớn tuổi muốn tiếp tục làm việc phải tìm kiếm việc làm ở một ngành khác. Tỷ lệ người lớn tuổi tìm việc tìm được việc làm thành công ở Nhật Bản có xu hướng thấp hơn. Trong dữ liệu mới nhất từ tháng 11/2023, tỷ lệ tìm việc thành công nói chung là 27%, trong khi tỷ lệ tìm việc thành công ở những người từ 65 tuổi trở lên là 21%.
Đại diện của Hello Work tại Ikebukuro cho biết: "Công việc văn thư rất phổ biến ở người cao tuổi, nhưng những cơ hội việc làm nhiều hơn dành cho họ lại là những công việc như quản lý tòa nhà chung cư và đội dọn dẹp". Công ty này tổ chức các buổi hội thảo dành cho người cao tuổi khoảng ba lần một tháng, khuyến khích họ tìm hiểu nhiều ngành nghề khác nhau.
Một số công ty trong các ngành thường xuyên thiếu lao động đang nỗ lực tuyển dụng nhiều người cao tuổi hơn. Công ty nhân sự Staff Service Holdings chia công việc chăm sóc điều dưỡng thành 48 nhiệm vụ, như giúp người ra khỏi giường, cho ăn, tắm rửa và dọn dẹp. Điều này nhằm mục đích mở rộng cơ hội cho những người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực điều dưỡng. Do vậy, số lượng người cao tuổi làm việc trong lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng thông qua các dịch vụ của công ty đã tăng gấp ba lần trong 4 năm qua.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2022, 52% dân số Nhật Bản từ 65 tuổi đến 69 tuổi tham gia thị trường lao động, mức cao nhất trong số 37 quốc gia có cung cấp dữ liệu. Tỷ lệ này ở Mỹ là 33%, Anh là 26% và Đức là 20%. Trong số những người từ 70 tuổi đến 74 tuổi, tỷ lệ người vẫn đang làm việc ở Nhật Bản là 34%, chỉ đứng sau Hàn Quốc với 41%.
Theo tính toán, chỉ riêng lương hưu có thể không cung cấp đủ thu nhập cho những người già tại Nhật Bản. Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản ước tính vào năm 2019 rằng một quỹ dự phòng trị giá 20 triệu yen (139.000 USD theo tỷ giá hiện tại) là cần thiết cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu của mỗi người, mặc dù một số người cho rằng con số này vẫn không đủ.
Tags