Khi nhà máy Tesla và các nhà máy khác ở Thượng Hải phải đóng cửa 2 tháng trước do Trung Quốc áp đặt các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 nhằm khống chế đợt bùng phát lớn nhất từ trước đến nay, nhiều câu hỏi được đặt ra là khi nào các nhà máy này có thể khởi động lại để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng.
Trên thực tế, trong bối cảnh phong tỏa ở Thượng Hải bước sang tuần thứ 4 và các biện pháp tương tự được áp đặt tại hàng chục thành phố nhỏ hơn, dường như thị trường bùng nổ ô tô điện lớn nhất thế giới đã sụp đổ.
Không chỉ tác động đến ngành sản xuất ô tô điện, các công ty kinh doanh từ những mặt hàng xa xỉ đến thực phẩm cũng ghi nhận mức giảm doanh thu. Ông Joey Wat, Giám đốc điều hành của Yum China - công ty sở hữu KFC và Taco Bell, cho biết doanh số bán hàng của công ty này trong tháng 4 đã bị tác động đáng kể.
Công ty này đã phải thay đổi thực đơn, sắp xếp lại nhân sự và tăng cường các đơn hàng cho những khu vực bị phong tỏa.
Các nhà phân tích thuộc công ty Nomura cho biết tính đến giữa tháng 4, khoảng 45 thành phố ở Trung Quốc, chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), phải chịu phong tỏa 1 phần hoặc hoàn toàn, đẩy nguy cơ suy thoái ngày một tăng.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, khiến Thượng Hải phải phong tỏa vào đầu tháng 4, doanh số bán xe điện của Trung Quốc tăng mạnh, riêng doanh số của Tesla đã tăng tới 56% trong quý I/2022.
Tuy nhiên, ước tính lượng xe du lịch bán lẻ ở Trung Quốc trong 3 tuần đầu tháng 4 đã giảm khoảng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Các biện pháp hạn chế dịch COVID-19 lây lan cũng gây ảnh hưởng tới việc giao hàng, các đại lý ô tô không thể quảng cáo các mẫu xe mới và doanh số bán hàng sụt giảm.
- Kinh tế Trung Quốc trước áp lực từ dịch Covid-19
- Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lên kế hoạch rời Thượng Hải, Trung Quốc
- Trung Quốc khẳng định duy trì chính sách 'Zero Covid'
Công ty đa quốc gia Kering - vốn sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Gucci và Saint Laurent cho biết các cửa hàng của công ty này đã chịu ảnh hưởng lớn từ việc đóng cửa trong tháng 4 và hiện khó có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra sau phong tỏa. Apple cũng tỏ ra bi quan về hoạt động kinh doanh của mình khi COVID-19 "tấn công" Trung Quốc.
Trước tình hình trên, các chính quyền địa phương của Trung Quốc, từ Bắc Kinh đến Thâm Quyến đều đã và đang nỗ lực kích thích nhu cầu tiêu dùng, tung ra các phiếu mua hàng, trị giá lên tới hàng triệu USD, để khuyến khích người dân chi tiêu.
Ngày 29/4, chính quyền Quảng Đông cũng đưa ra các sáng kiến nhằm khôi phục lại việc bán xe điện và xe điện lai sạc điện (PHEV). Trong số các sáng kiến, còn có khoản trợ cấp lên tới 8.000 Nhân dân tệ (1.200 USD) cho xe năng lượng mới.
Tháng 3 vừa qua, Trùng Khánh - một trung tâm sản xuất ô tô lớn khác của Trung Quốc, cho biết sẽ cung cấp 2.000 Nhân dân tệ (300 USD) tiền mặt cho người mua đổi xe cũ lấy mẫu mới và dành ra 3 triệu USD để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Ngọc Hà/TTXVN
Tags