Có một chi tiết mà có lẽ nhiều người không hề chú ý: Olympic không phải một giải đấu có phần thưởng chính thức, dù các nước và những Liên đoàn thể thao thường thưởng rất nhiều cho VĐV nào giành được huy chương vàng.
Lý do là vì tinh thần nguyên bản của Olympic không phải là dành cho các VĐV chuyên nghiệp. Năm 1912, một VĐV người Mỹ tên Jim Thorpe đã xuất sắc giành 2 HCV điền kinh trong lần đầu dự Thế vận hội, nhưng sau này bị tước cả, vì vài tháng sau giải, Jim bị phanh phui là đã từng ăn lương của một đội bóng chày chuyên nghiệp.
Đến giờ, Olympic đã cho phép các VĐV chuyên nghiệp cùng dự giải với các VĐV nghiệp dư, nhưng thiếu… chuyên nghiệp vẫn là một tinh thần rất Olympic. Nhà vô địch Olympic Paris ở môn chạy cự ly 200m và 4x100m tiếp sức, Gabby Thomas, là một bác sĩ, từng tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Texas. Nic Fink, kình ngư giành một HCV và hai HCB ở giải lần này, vốn là một kỹ sư, tốt nghiệp Học viện kỹ thuật Georgia.
Vivian Kong, nhà vô địch môn kiếm ba cạnh, người giành HCV đầu tiên về cho đoàn thể thao Hồng Kông, vốn là một cử nhân Đại học Stanford, thạc sĩ ngành luật của Đại học Nhân dân Trung Hoa và tiến sĩ Luật Đại học Trung văn Hồng Kông. Đoàn thể thao Australia có hai VĐV là anh em ruột, cùng chơi môn bóng nước. Người em Gemma Beadsworth, có nghề nghiệp luật sư, là thành viên tuyển nữ. Người anh Jamie Beadsworth, vốn là một công nhân xây dựng, là thành viên tuyển nam. Cả hai đều phải xin phép công ty chủ quản để thu xếp thời gian có mặt tại Thế vận hội.
Ngôi sao bóng rổ của đội tuyển Mỹ, Canyon Barry, cũng có bằng kỹ sư vật lý và nguyên tử. Noah Lyles, người chiến thắng chạy cự ly 100m nam, vốn là một… rapper. Năm 2018, anh thậm chí còn phát hành đĩa đơn đầu tay trong sự nghiệp. Lyles cũng không phải một siêu nhân: anh từng bị trầm cảm và phải dùng thuốc trong một thời gian rất dài.
Sebastian Coe, huyền thoại người Anh từng hai lần giành HCV Olympic và giờ là Chủ tịch Liên đoàn điền kinh thế giới, phân tích về sự vượt trội của các VĐV Mỹ tại Olympic: "Đó là bằng chứng cho thấy chất lượng của đào tạo thể thao cấp độ Đại học ở Mỹ, và trình độ của các HLV các trường đại học Mỹ", ông phân tích trên tờ The Athletic.
Đoàn thể thao Mỹ thường xuyên duy trì khoảng 70-75% số lượng thành viên vốn là các sinh viên của những trường đại học Mỹ. Tại Mỹ, Hiệp hội VĐV Học đường Quốc gia (NCAA), một tổ chức phi lợi nhuận, đã đứng ra tổ chức toàn bộ các hoạt động thi đấu thể thao học đường trên toàn nước Mỹ, với hàng trăm ngàn VĐV tham dự.
Tất nhiên, người Mỹ đưa đến thế vận hội những VĐV có đẳng cấp cao, nhưng đồng thời cũng mang "dáng dấp" nguyên bản của Olympic: thể thao chỉ là một phần trong cuộc sống của họ, không phải tất cả. Và thành tích ổn định ở các kỳ Olympic của đoàn thể thao nước này đơn giản là một trong số các hệ quả của phong trào thể thao mạnh.
Xem Olympic, tôi vẫn chứng kiến sự ganh đua rất "con người" giữa các VĐV, nhưng ngoài ra, còn cảm nhận thêm được một khía cạnh gần gũi hơn: những người đang cố gắng giành một thành tích nào đấy, hay chinh phục một kỷ lục, đơn giản đều đang cố gắng chiến thắng chính bản thân mình đầu tiên.
Hôm qua, có một huyền thoại trong giới chuyên nghiệp đã bỏ cuộc. Eliud Kipchope, từng là chân chạy vĩ đại nhất mọi thời, đã dừng lại ở km thứ 31 và bỏ cuộc. Nhưng rồi sự thất vọng sẽ sớm trôi qua, vì Olympic trên hết là nơi chúng ta đang chứng kiến những sinh viên, kỹ sư, bác sĩ… chơi môn thể thao mà họ yêu thích, vì đấy là thứ mà họ muốn chơi. Không vì điều gì khác. Những tấm huy chương, thành tích, sự nổi tiếng… là thứ đến sau, không phải nơi khởi nguồn.
Hôm qua, khi một huyền thoại bỏ cuộc, tôi lại có cảm hứng trở lại với môn chạy bộ hơn, sau nhiều ngày lười biếng điển hình của một thị dân. Thể thao trước hết là để tận hưởng cảm giác được chơi, và sau là cảm giác khoẻ. Xem Olympic, bạn học được điều này trước tiên, không phải các chỉ tiêu và huy chương.
Vì không cần một huy chương nào hết, vẫn có hàng triệu người chơi thể thao mỗi ngày, đổ mồ hôi, và cảm thấy mình vừa trải qua những khoảnh khắc tinh tuý bậc nhất của cuộc đời, khi còn có thể chơi thể thao và được chơi.
Tags