Quả là đòn đau với tác giả tài ba Mark James khi đĩa đơn năm 1968 của ông, Suspicious Minds - mà ông tự thu âm và đặt nhiều kỳ vọng- không trở thành hit. Nhưng bằng nhiều sự tình cờ, nó đã trở thành ca khúc bất hủ nhờ sự xuất hiện của Elvis Presley.
Nhưng giữa Suspicious Minds và Presley, không biết ai nợ ai nhiều hơn. Ca khúc có thể đã trôi vào quên lãng nếu thiếu ông vua rock ‘n’ roll nhưng có thể chính Presley sẽ phai mờ như một diễn viên thất bại nếu không có Suspicious Minds.
Định mệnh
Ca khúc Suspicious Minds đã tới với Mark James vào một đêm năm 1968. Khi đó, ông đang ngẫu hứng trên cây đàn guitar Fender và dùng bàn đạp organ Hammond cho đoạn bass thì nảy ra một giai điệu mà ông thấy khá hấp dẫn.
Vào thời điểm đó, James đã lấy người vợ đầu nhưng vẫn còn vương vấn mối tình thời thơ ấu - người khi đó cũng đã kết hôn. Vợ James nghi ngờ tình cảm của ông và chính ông thấy rối bời, rằng cả ba “vướng vào một cái bẫy mà họ không thể thoát ra”. Tâm trạng này đã được mang vào giai điệu mới, trộn thành một nỗi đắng cay khi tình yêu đứng bên bờ vực thẳm vì nỗi hoài nghi lẫn nhau.
Sau khi làm được một phần ca khúc, James tới phòng thu và hoàn thiện nó trên cây dương cầm lớn. Khi nhà sản xuất Chips Moman nghe thấy giai điệu, ông liền nói: “Anh bạn, tôi muốn làm ca khúc này cho anh” đầy phấn khích. Sau khi thu xong, James và Moman bay tới New York, nơi quản lý của James có liên hệ với hãng đĩa Scepter. Hãng rất thích ca khúc, liên tục khen “Đỉnh!” và tổ chức tiệc lớn để ăn mừng.
Tuy nhiên, họ vẫn chỉ là một hãng nhỏ và không biết cách tiếp thị như những hãng lớn (cũng như không có tiền quảng bá cho nghệ sĩ mới) nên ca khúc chỉ lờ đờ trôi giữa dòng chảy náo nhiệt của thị trường âm nhạc.
Cuối năm đó, Don Crews, một đối tác của Moman, nói với James rằng Elvis Presley đã đặt phòng thu của họ là American Studios để thu âm (sau này sẽ là album From Elvis in Memphis). James lúc đó đã có tiếng khi là tác giả của ba hit No.1 ở miền Nam nước Mỹ. Thế nên, Crews cứ hỏi mãi rằng James có ca khúc nào hợp với Presley không. Họ không biết rằng Presley tới đó với 40 ca khúc!
Thế là, James cứ cố gắng làm việc, nỗ lực lấy cảm giác mà ông nghĩ là sẽ hợp với Elvis Presley. Crews mỗi lần gặp thì lại hỏi: “Anh đã bắt được gì cho Elvis chưa? Chỉ còn một tuần rưỡi nữa là cậu ấy tới” còn James thì bối rối: “Chưa, chưa có gì”. Cứ như thế, chỉ còn hai ngày nữa là ông hoàng nhạc rock ‘n’ roll xuất hiện và James chỉ tràn ngập thất vọng vì chưa nghĩ ra gì mới.
“Thế trong danh mục ca khúc cũ thì sao?” - Crews hỏi.
James cảm thấy Presley cần một ca khúc rock ‘n’ roll trưởng thành để đưa ông trở lại ngai vàng, theo kiểu Tom Jones - nghệ sĩ hot nhất khi đó (phải nói rằng đó là khi Presley đã nghỉ đi hát bảy năm để tập trung vào sự nghiệp diễn xuất - một động thái mang lại kết quả kém xa mong đợi).
Vào đúng lúc James lóe ra suy nghĩ về Suspicious Minds thì Crews cũng nói: “Suspicious Minds thì sao?” Tất cả mọi thứ đều rõ ràng. Đó chính xác là ca khúc mà họ cần.
“Suspicious Minds” da diết qua phiên bản của Elvis Presley:
Ở đẳng cấp khác
Thế là, cả Crews, James và toàn bộ nhân viên phòng thu ra sức tạo bối cảnh để Elvis Presley có cơ hội nhận ra Suspicious Minds là bản thu hoàn hảo dành cho ông.
Có thông tin rằng Presley vô tình đi qua khi James đang bật bản demo và lao vào nói: “Tôi muốn ca khúc này và cả các cô gái hát đệm!”. Nhưng theo nhà sản xuất Moman, khi Presley tới phòng thu, ông đã bật cho danh ca bản thu Suspicious Minds của James: “Hãy nghe thử cái này”. Vẫn theo Moman, Presley lập tức phát cuồng với ca khúc. Ông cứ nghe đi nghe lại và thậm chí học hát ngay tại chỗ. Presley mê ca khúc tới mức Moman đưa luôn cuộn băng cho ông mang về nhà thưởng thức.
Tới buổi thu, James bồn chồn không biết quyết định của Presley thế nào và chỉ vì quá tò mò nên mới tới thử. Ông tới lúc mọi người đang tạm nghỉ và lập tức hỏi: “Có đúng đó là Elvis và anh ấy đang thu Suspicious Minds”, rồi lao vào phòng thu. Hài hước, lúc đó Presley đang tựa người vào vách ngăn và khi James hỏi: “Này Elvis, tôi nghe nói anh định thu Suspicious Minds” thì nhận được câu trả lời: “Chào James, tôi đang nghĩ…”.
Thời điểm Presley nghe Suspicious Minds, ông đang, y như trong lời ca khúc, “vướng vào một cái bẫy” khi không khác gì con bò vàng bị hãng đĩa vắt kiệt rồi treo lên. Có thể đây là thêm một lý do khiến ông có cảm tình và tin mình có thể biến Suspicious Minds thành một hit sâu sắc, bất chấp thất bại của lần thu đầu.
Thế nhưng, khi Presley đã chắc như đinh đóng cột thì việc thu âm lại bị phá đám. Lý do, tất nhiên là bởi tranh chấp quyền lợi. Các đối tác kinh doanh của Presley muốn một nửa quyền xuất bản của Moman. Khi Moman cáo buộc họ ăn cướp, người của Presley dọa dừng buổi thu. Gạt ngoài tai, Presley vẫn thu âm ca khúc mà ông rất thích. Cuối cùng, Harry Jenkins của RCA phải xuống nước với Moman vì cảm thấy “ca khúc này sẽ thành hit lớn”.
Sau cùng, Suspicious Minds được Presley thu âm từ 4h tới 7h sáng ngày 23/1/1969. Phải mất tám lần thu mới xong, phần nhiều là bởi Presley quá đắm đuối trong giai điệu và ca từ. Ông hát nó mãnh liệt tới mức tới ở hơn 3 phút rưỡi, nhạc đã nhỏ dần để báo hiệu kết thúc, ban nhạc lại phải trở lại thêm một lần nữa cho Presley thể hiện một lần nữa đoạn điệp khúc điệp khúc đẫm nước mắt: “Em có biết anh đang vướng vào một cái bẫy?/Anh không thể gỡ ra/Bởi anh quá yêu em, em yêu”.
Thoạt tiên, khi mới thoáng nghe bản của Presley, Mark James cảm thấy nó quá chậm. Tuy nhiên, khi nghe bản đầy đủ, ông chính thức bị “thổi bay”.
Nhưng gian nan vẫn chưa hết. Phần sản xuất cũng tốn nhiều giấy mực không kém. Theo Moman, nhà sản xuất Felton Jarvis của RCA không hài lòng khi Presley thu âm ở American Studios. Đây là vấn đề về “kiểm soát”. Do đó, Jarvis chính là người đã lấy lại đoạn điệp khúc Presley hát thêm vào sau đoạn nhạc nhỏ dần đi. “Tôi không hiểu sao anh ta lại làm vậy nhưng anh ta đã làm rối tung cả lên. Nó như một vết sẹo vậy. Nhưng cũng chẳng sao. Ngay sau khi phát hành, Elvis trở lại đỉnh các BXH” - Moman nói trên The Wall Street Journal.
- Ca khúc 'Running Up That Hill' của Kate Bush: Sao lại quá căm ghét chính người ta yêu thương?
- Ca khúc 'Master Of Puppets' của Metallica: Những con rối tìm lối thoát
- 'The Weight' của The Band: Ca khúc khiến Bob Dylan phải giật mình
Quả vậy, quyết tâm nghe theo bản năng nghệ thuật, gạt bỏ những vấn đề tiền bạc của Presley đã được đền đáp cả trong ngắn và dài hạn, ở cả bản thu lẫn biểu diễn trực tiếp. Suspicious Minds đã giúp vị vua trở lại ngai vàng trên các BXH ở Mỹ sau bảy năm. Đây là No.1 thứ tám và cũng là cuối cùng của Presley ở Mỹ. Ngoài Mỹ, nó còn đứng No.2 ở Anh và xuất hiện trên BXH của hàng chục quốc gia khác. Hơn thế, Suspicious Minds là một trong những kiệt tác đáng nhớ nhất sự nghiệp của ông. Tạp chí Rolling Stone xếp ca khúc đứng thứ 70 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại.Phần nhạc bị nhỏ đi ở giữa về sau lại là tâm điểm trong các buổi diễn sống ca khúc của Presley, được đón nhận cuồng nhiệt.
Về phần James, Presley đã mời ông tới Las Vegas khi Suspicious Minds đang lên. James nhớ khi ông tới thì Presley đang ngồi với Sammy Davis và Andy Williams. Thấy Mark James, ông đứng dậy, băng qua phòng niềm nở: “Chào Mark. Khỏe không?”. Một chàng trai ở đẳng cấp khác hẳn, đó là suy nghĩ của James khi đó. Sau này, James còn sáng tác cho Elvis một hit khác là Always on My Mind.
Bản cover cũng lên đỉnh Rất nhiều nghệ sĩ về sau đã cover Suspicious Minds và một lần nữa, ca khúc gặt hái được thành công trên BXH. Lần đâu là vào năm 1986, khi ban nhạc Fine Young Cannibals phát hành bản cover với Jimmy Somerville hát đệm, đạt tới No.8 tại Anh. Ca sĩ Roland Gift nói rằng Presley đã tới trong giấc mơ và nói với anh rằng anh sẽ thu âm được phiên bản hay nhất từng có của Suspicious Minds! Đỉnh cao hơn, năm 2002, Gareth Gates cũng cover ca khúc, leo lên tới No.1 ở Anh - điều mà bản của Presley chưa làm được. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags