Ca khúc 'I’m A Believer' của The Monkees: Biến ban nhạc hư cấu thành tượng đài

Chủ nhật, 03/04/2022 19:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp phản ứng dữ dội đối với một ban nhạc giả được lập cho phim truyền hình, The Monkees sớm chứng minh rằng họ không chỉ là những diễn viên được thuê để diễn một ban nhạc hư cấu.

Ca khúc 'Strawberry Fields Forever' của The Beatles: Vùng đất ảo giác nằm ngoài thời gian

Ca khúc 'Strawberry Fields Forever' của The Beatles: Vùng đất ảo giác nằm ngoài thời gian

Mùa Thu năm 1966, sau nhiều năm điên rồ chạy theo những lịch trình, The Beatles cuối cùng cũng đi tới bước hẫng ngoài bờ vực thẳm. Ở đó, họ bắt đầu rơi. Nhưng không phải xuống đáy vực. Họ rơi vào một vùng chân không mới, nơi ảo tưởng sẽ hóa thành sự thật.

Họ đã phát hành một loạt hit quốc tế, trong đó nổi bật nhất là hit đình đám, mang tính biểu tượng văn hóa - I’m A Believer - ca khúc đưa họ lên bản đồ âm nhạc và buộc thế giới phải nhìn nhận họ như một ban nhạc nghiêm túc.

I’m A Believer mang tới đỉnh cao cho The Monkees vào năm 1967, khi họ bán chạy hơn cả The Beatles và The Rolling Stones cộng lại, như lời Michael Nesmith.

Nguyên mẫu của một nhóm nhạc được sản xuất

Năm 1965, một quảng cáo hấp dẫn đặc biệt gây chú ý xuất hiện trên các ấn phẩm lớn của Mỹ là Daily Variety The Hollywood Reporter: “Điên đảo! Thử giọng. Nhạc sĩ - ca sĩ folk & roll đảm nhận vai trò diễn xuất trong series truyền hình mới. Cần 4 chàng trai tuyệt hảo, tuổi từ 17 tới 21. Mang tinh thần Ben Frank. Có quyết tâm làm việc. Phải tới phỏng vấn”.

Chú thích ảnh
The Monkees năm 1966, vốn là những chàng trai được thuê để đóng một ban nhạc

Chuyện là, nhà làm phim đầy tham vọng Bob Rafelson đã lên ý tưởng về một bộ phim hài xoay quanh 4 chàng trai trẻ nỗ lực thành lập một ban nhạc rock ‘n’ roll có tên The Monkees. Ban đầu, ông định chọn một nhóm nhạc dân gian có sẵn là The Lovin’ Spoonful, vốn chưa được biết tới rộng rãi khi đó. Tuy nhiên, nhóm vướng hợp đồng thu âm nên không thể tham gia. Sau đó, ông quay qua Davy Johns - người vào tháng 9/1964 đã ký hợp đồng dài hạn cho các chương trình truyền hình của của hãng sản xuất phim.

Thế nên, gọi là tuyển 4 chàng trai, nhưng thật ra chỉ cần 3. Và trong 437 đơn tuyển, họ đã chọn được Michael Nesmith, Peter Tork và Micky Dolenz. Cả 4 người, tất nhiên, đều có nền tảng âm nhạc tốt. Riêng Dolenz có chơi guitar và hát trong ban nhạc có tên Missing Links, đã thu âm và phát hành một đĩa đơn là Don’t Do It.

Ngày nay, chuyện tuyển chọn những cá nhân có năng khiếu, ngoại hình rồi lập thành ban nhạc không có gì lạ, nhất là ở K-pop. Tuy nhiên, trong thời đại của các ca sĩ - nhạc sĩ, đề cao tính nghệ thuật và cảm xúc chân thực của thập niên 1960, The Monkees đúng là nguyên bản của nhóm nhạc nam được sản xuất. Dù vậy, họ đã được đầu tư thật sự đến nơi đến chốn. Các nhà sản xuất phim thuê nhiều nhạc sĩ đình đám để làm nhạc cho ban nhạc hư cấu này. 2 album đầu của The Monkees được coi như nhạc phim cho mùa đầu của series, nhằm thu tiền từ khán giả. Điều này khiến ngay cả thành viên nhóm cũng ngỡ ngàng.

"I’m A Believer" phiên bản gốc:

Nesmith nhớ lại vào năm 2006, khi album thứ 2 của The Monkees tái phát hành: “Album đầu ra mắt và tôi đã nhìn nó đầy kinh hoàng bởi nó khiến chúng tôi trông như một ban nhạc rock ‘n’ roll thật. Không có ghi nhận cho các nhạc sĩ khác. Tôi tức giận tới mức tự hỏi: Những người này nghĩ gì vậy? Chà, chỉ là hư cấu thôi mà [họ nói]. Tôi đáp: Đây không phải hưu cấu. Các anh đang đi quá giới hạn! Các anh đang lừa công chúng. Khi xem series họ sẽ biết chúng tôi không phải ban nhạc rock ‘n’ roll. Không đời nào họ tin chúng tôi thành công tới mức có series riêng. Các anh làm thế này là không thể chấp nhận được!”.

Thế nhưng, thực tế, album đầu của nhóm, The Monkees, đã đứng đầu Billboard 200 suốt 13 tuần (trong tổng số 78 tuần và thêm 24 tuần khi nhóm tái hợp) và chỉ bị thay thế bởi… album thứ 2 của nhóm! Thành công không tưởng khiến các thành viên với vai trò chính là diễn viên, chỉ là diễn, phải cấp tốc học chơi nhạc cụ, chia giọng hát… và đi lưu diễn thật! Ở những nơi họ tới, cảnh cuồng nhiệt gợi nhớ tới Beatlemania - những người hâm mộ The Beatles. Nhận thấy khán giả nghe nhạc nhiều hơn xem series, các nhà sản xuất phim liền chuyển hướng, đẩy mạnh… ra album. Nhưng cơ bản, The Monkees vẫn phần nào bị bài xích là một nhóm con rối. Họ chỉ thật sự được coi như một ban nhạc thực thụ nhờ đĩa đơn thứ 2, I’m A Believer.

Một ban nhạc thật sự

I’m A Believer nằm trong album thứ 2, More Of The Monkees (1967) - album bán chạy nhất sự nghiệp với 18 tuần No.1 Billboard 200 trong tổng 70 tuần, là album bán chạy thứ 3 của thập niên 1960. Album cũng trở lại BXH vào năm 1986 với thêm 26 tuần nữa. Riêng I’m A Believer là No.1 trên Billboard Hot 100 suốt 7 tuần, là hit No.1 cuối cùng của năm 1996 và là đĩa đơn bán chạy nhất năm 1967, đưa The Monkees lên đỉnh cao.

Điều hài hước, nhưng phần nào hợp với hoàn cảnh, là Dolenz - người thể hiện ca khúc và là người duy nhất của The Monkees tham gia ghi âm - lại chẳng nhớ gì về nó.

I’m A Believer được viết bởi nhạc sĩ trẻ đang lên Neil Diamond. Anh có hit lớn đầu tiên vào đầu năm 1966 là Cherry, Cherry - thu hút được sự chú ý của nhà sản xuất Don Kirshner đang đi tìm nhạc cho The Monkees. Diamond vốn định để nghệ sĩ đồng quê Eddy Arnold thu âm ca khúc, nên rất bất ngờ khi biết Kirshner đưa nó cho The Monkees.

Chú thích ảnh
Nếu Nesmith không qua đời, The Monkees có lẽ vẫn hoạt động tới bây giờ, dù không phải lúc nào cũng đầy đủ thành viên

Dù album đầu thành công ngoài tưởng tượng, The Monkees vẫn không được coi trọng trên tư cách nhạc sĩ. Khi tay guitar Nesmith than phiền với nhà sản xuất về I’m A Believer rằng: “Tôi là một nhạc sĩ, tôi biết nó sẽ không thành hit đâu”, anh liền bị cấm cửa, không cho vào phòng thu. Những thành viên coi mình là nghệ sĩ hơn là diễn viên như Nesmith và Tork vô cùng buồn vì không được tự tay chơi nhạc cụ (nhà sản xuất phim thuê ban nhạc ngoài, không tin The Monkees có thể diễn thật) và chán nản tột độ khi bị bảo phải diễn ca khúc nào, không được có ý kiến về trình tự hay sản xuất nhạc.

Chỉ có Dolenz là coi “Công việc của tôi là trở thành diễn viên, hát những bài được yêu cầu”. Vì lý do đó, và bởi tất cả đang quay cuồng với quay phim và thu âm, nên Dolenz thậm chí chẳng nhớ đã thu âm I’m A Believer như thế nào. Chỉ là công việc như bao công việc khác, không có ấn tượng đặc biệt!

I’m A Believer có đoạn guitar intro hợp mốt, phần riff keyboard bắt tai, cùng điệp khúc lạc quan về một chàng trai bỗng thấy tin yêu cuộc đời khi bắt gặp tình yêu. Dù sản xuất công nghiệp là vậy, nhưng I’m A Believer lập tức được đặt mua trước 1.051.280 bản và đạt chứng chỉ đĩa vàng chỉ sau 2 ngày phát hành. Quan trọng hơn, nó thúc đẩy The Monkees vùng lên: Hơn 1 tháng sau khi I’m A Believer ra mắt, nhóm đã tổ chức buổi thu âm đầu tiên với tư cách một ban nhạc hoạt động hoàn chỉnh và độc lập.

Sau nhiều tranh chấp ồn ào với bên làm phim, The Monkees giờ có thể tự chơi những ca khúc mà họ được tự chọn và mở ra trang mới cho một trong những nhóm nhạc thành công nhất mọi thời đại.

Ban nhạc nhiều lần hợp, tan…

Không có phía làm phim chống lưng, 2 album tiếp theo của The Monkees là HeadquartersPisces, Aquarius, Carpicorn & Jones Ltd (cùng phát hành năm 1967) vẫn đứng đầu Billboard 200, cạnh tranh trực tiếp với The Beatles. Thế nhưng, sau khi được tự do, mỗi thành viên lại theo đuổi sở thích riêng dưới tên The Monkees. Chỉ sau 1 năm, họ 1 lần nữa chỉ là nhóm trên danh nghĩa và chính thức tan rã năm 1970. Tuy vậy, sau đó họ liên tục tái hợp, phát hành thêm 9 album nữa. Lần tái hợp dài hơi nhất là từ năm 2010, nhưng tới năm 2021 buộc phải dừng lại khi Nesmith qua đời. Tổng cộng, từ một ban nhạc dự án phim, họ đã bán được 75 triệu đĩa, nằm trong số những nhóm nhạc bán chạy nhất mọi thời đại.

Bất chấp vật đổi sao dời, I’m A Believer là ca khúc được nhiều nghệ sĩ các thế hệ cover, đặc biệt phải kể tới bản trong bộ phim bom tấn Shrek do ban nhạc rock Smashmouth thể hiện. Dù vậy, đông đảo khán giả cho rằng bản gốc của The Monkees là vẫn tác phẩm quốc tế kinh điển, vượt qua được thử thách của thời gian. Ngay cả Nesmith - người không có ấn tượng ban đầu tốt với ca khúc - cũng thừa nhận: “Dù sao, đó có lẽ là giai điệu Monkees đặc trưng của tôi. Tôi không thể giải thích được tại sao ca khúc lại phổ biến đến vậy. Không thể giản lược nghệ thuật kiểu đó, đặc biệt là trong cộng tác”.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›