Bửu Chỉ - Thời gian, đời người…

Thứ Tư, 12/12/2012 14:18 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Bửu Chỉ sinh năm 1948 tại Huế, là cử nhân Luật (Ðại học Huế), tự học để trở thành họa sĩ. Ông có tác phẩm trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Singapore cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân của châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Ngày 14/12/2002, ông đột ngột ra đi mãi mãi ở tuổi 54. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, TT&VH trân trọng giới thiệu bài viết về ông của nhà văn Nguyễn Khắc Phê – đồng nghiệp của cố họa sĩ tại tạp chí Sông Hương kể từ ngày khai sinh tạp chí này vào năm 1983.

1. Trong bộ sưu tập tác phẩm của họa sĩ tài danh Bửu Chỉ để lại, không ít tranh có hình chiếc đồng hồ, vật thể gần gũi với con người gợi nhắc đến thời gian. Nhiều tác phẩm khác, tuy không có hình chiếc đồng hồ nhưng ta lại thấy mặt trời, mặt trăng, khi gần khi xa, lúc đỏ rực như quả cầu lửa, lúc mảnh mai và dịu êm như một vành mi, một… múi cam giữa vũ trụ mông lung. Có thể hiểu các biểu tượng thời gian “thường trực” trong tranh Bửu Chỉ từ rất nhiều góc cạnh. Đó là “cuộc truy hoan sắc màu với vô thường” như PGS.TS Bửu Nam vừa viết trên tạp chí Sông Hương (số đặc biệt, tháng 12/2012); đó cũng là lời nhắc nhủ về sự hữu hạn, mong manh và cô đơn của đời người giữa vũ trụ bao la…

Bửu Chỉ tự họa trong tù (năm 1973).

Tác phẩm nghệ thuật có giá trị thường đa nghĩa và có khi trừu tượng. Với riêng tôi, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất họa sĩ Bửu Chỉ, ngắm nhìn các biểu tượng thời gian biến hóa tài tình theo ngọn bút tài hoa của anh, tôi lại nghĩ đến những thời khắc cụ thể xoay chuyển cả số phận của anh.

Tôi cũng như không ít người từng rất ngạc nhiên khi biết Bửu Chỉ suýt trở thành luật sư (Bửu Chỉ tốt nghiệp khoa Luật – Đại học Huế năm 1971). Đến nay, ngẫm lại những chặng đường hội họa của Bửu Chỉ, tôi bỗng “ngộ” ra, chính tư chất và tri thức một luật gia đã góp phần quan trọng định hướng nghệ thuật của anh.

Đã đành, Bửu Chỉ đã khổ công tự học và có năng khiếu trời cho, nhưng những phẩm chất cần phải có của một luật gia - tôn trọng công lý, phân biệt thiện-ác, nhìn rõ trắng-đen, can đảm chống lại bạo quyền… đã thể hiện thành những ý tưởng, chính kiến mạnh mẽ trong hầu hết tác phẩm của Bửu Chỉ. Chính vì thế, những bức tranh bút sắt – tác phẩm đầu tay của Bửu Chỉ - tràn đầy ý chí chiến đấu trong thời gian anh tham gia tích cực trong phong trào đấu tranh của sinh viên đô thị Huế, đã khiến anh bị chính quyền miền Nam bắt ba lần và lần cuối đã bị giam hai năm ở khám Chí Hòa cho đến tận ngày 30/4/1975 mới được giải thoát. 

2. Về sau, khi tôi cùng Bửu Chỉ làm việc trong tòa soạn tạp chí Sông Hương, trước những tiêu cực trong xã hội và sự tha hóa của một bộ phận công chức, Bửu Chỉ lại tiếp tục vẽ bằng bút sắt, thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác, đến mức bị hiểu lầm. Chuyện không vui này, tôi đã thuật lại trên báo An Ninh Thế Giới cuối tháng 12 năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày mất họa sĩ Bửu Chỉ, thực hiện lời hứa trước vong linh anh ngày anh vừa qua đời, cũng là để nhắc một bài học về cách nhìn nhận, đánh giá tác phẩm văn nghệ và văn nghệ sĩ, chứ Bửu Chỉ thì đâu cần “minh oan” nữa. 

Tác phẩm Treo trên thời gian của cố họa sĩ Bửu Chỉ.
Sau ngày anh ra đi đột ngột, nhiều tờ báo lớn đã đăng bài khẳng định vị trí của Bửu Chỉ trong nền hội họa Việt Nam hiện đại. Bửu Chỉ là Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam 1983-1988, tranh của anh đã được triển lãm tại Liên Xô, Mỹ và nhiều nước trên thế giới, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong nhiều bộ sưu tập tranh ở châu Âu, châu Á… Họa sĩ Đinh Cường, một trong “bộ ba” thân thiết Trịnh Công Sơn-Bửu Chỉ-Đinh Cường, đã viết: “Bửu Chỉ là một tấm lòng rộng mở, một dòng máu tài hoa của Vương Phủ, Vỹ Dạ, một “mệ” vừa là nghệ sĩ tài danh, vừa là con người dấn thân có sức thuyết phục… Con người luôn phản kháng trong anh là để đi đến cái đích cuối cùng: Sự thật và sự cao đẹp…”

Bao nhiêu người đã bày tỏ sự tiếc thương đến bàng hoàng khi nghe tin Bửu Chỉ đột ngột ra đi vào một ngày Đông mưa rét 10 năm trước, ở tuổi 54 khi sức sáng tạo còn tràn đầy và tài năng đang độ chín. Với riêng Bửu Chỉ, hình như chiếc “đồng hồ sinh học” trong anh đã báo động thời khắc muốn dừng lại để nghỉ ngơi, như cái cây vừa nở rộ mùa hoa rực rỡ cuối cùng. Trong lá thư gửi bạn Đinh Cường chỉ một tuần trước ngày Bửu Chỉ bước sang cõi khác, anh viết: “Nhìn lại một đời người cảm thấy ngắn ngủi quá, không đủ để làm cho toại nguyện một cái gì cả!...”

Một nghệ sĩ “tự biết”, không bao giờ toại nguyện, nhưng tác phẩm anh để lại còn mãi với đời…   

Nguyễn Khắc Phê (nhà văn)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›