Bước vào thế giới 'sách Sống'...

Thứ Tư, 17/08/2016 06:53 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Không riêng gì các bạn trẻ Hà Nội, The Human Library (Thư viện Sống)  là cái tên còn khá xa lạ và mới mẻ, nhưng lại không khó để hiểu và “cảm”, bởi mỗi người trong chúng ta đều có những câu chuyện để kể, đừng ngại ngần chia sẻ vì đây không phải là sự thương hại mà cần cho đi để nhận lại...

Mới đây, dự án  The Human Library Vietnam (Thư viện Sống Việt Nam) đã tổ chức 2 ngày đọc sách tại ĐH Lao động - Xã hội, thu hút thự “tò mò” của giới trẻ, các bậc phụ huynh.... bởi lần đầu tiên xuất hiện một Thư viện sách Sống, nơi mỗi cuốn sách là một con người với những câu chuyện về cuộc sống, nơi người đọc có cơ hội được hiểu hơn về những cuốn sách đặc biệt - những người "khác biệt" trong cuộc sống...

Chia sẻ của những đầu sách bằng xương bằng thịt

Trong xã hội, ai cũng có quyền được sống, được yêu thương, được tôn trọng, bất kể sự khác biệt về giới tính, tuổi tác, hay xu hướng tình dục...

Tuy vậy, vẫn còn biết bao người, dưới con mắt kì thị của xã hội, không được cất lên tiếng nói, không được kể câu chuyện của mình.


Thư viện Sống thu hút sự tò mò của giới trẻ Hà Nội

Có mặt tại Thư viện Sống, đầu sách “Song tính” (Linh Nguyễn) kể rằng: “Mỗi người sinh ra đều song tính nhưng bản thân nghiêng về bên nào thôi...”

Trong khi, đầu sách"Xâm hại" (Nhữ Hương Trà) chia sẻ “Mình là nạn nhân của một xã hội mà trẻ con không được dạy là phải tránh hay lên tiếng khi có hành động xâm hại cơ thể, không được dạy về tình dục”. Đầu sách nói: “Một đứa trẻ bị một ông già chạm vào người và phản ứng lại là đúng, nhưng những người xung quanh nói "Con bé này hay nhỉ?, người ta chạm vào thì có sao đâu?" Và thông điệp mà Nhữ Hương Trà đưa ra là: “Hãy hành động để thay đổi nhận thức người Việt Nam rằng dạy con những điều tế nhị mới là quan trọng...”

Đầu sách chuyển giới nữ (tên La Lam, người dân tộc Thái) từ nhỏ đã phát hiện ra mình thích làm con gái. Chị hạnh phúc vì được chuyển giới nữ,  được tự sinh ra mình, tự đặt tên cho mình, được tự sống để đấu tranh cho giới tính thật của mình. Hồi còn đi học, chị bị kì thị từ xã hội, nhà trường đến gia đình. Chị đã từng viết truyện chia sẻ cuộc sống của mình, nhưng mẹ chị đã đốt nó.


Đầu sách chuyển giới nữ La Lam

Khi đó cuộc đời chị như đổ rầm, nhưng chị lại có khát vọng biến nó thành một cuốn phim và chị đã thi đỗ ĐH Sân khấu & Điện ảnh và hiện có một mối tình đẹp với “chuẩn men”. Và hơn hết, chị đạt được rất nhiều thành công, là hoa khôi, là người mẫu, diễn viên.... Ước mơ của chị là đóng góp gây dựng nên một kênh truyền hình của LGBT để mọi người biết đến cộng đồng LGBT và có cái nhìn cởi mở hơn...

Còn đầu sách “Bạch tạng” (Vũ Khánh Vân) nhấn mạnh: “ Bạch tạng trong quan niệm cổ xưa là "đứa con của mặt trăng". Bạch tạng không phải là bệnh, không có khả năng truyền nhiễm, chỉ là sự biến đổi gen rất bình thường. Cứ 7.000 người lại có 1 người mang gen bạch tạng, nhưng 20.000 người mới có 1 người bạch tạng (da trắng, tóc bạch kim, mắt xám hoặc xanh). 


Đầu sách "Bạch tạng"

Với thị giác chỉ đạt 0,5/10 (trong khi người thường là 10/10) do vậy, khi nói chuyện Vân  phải nheo mắt, nhìn bất định. Khi ra nắng, da vân không bị đen đi mà bị bỏng, khả năng bị ung thư da gấp 20 lần người bình thường. Người Việt khi gặp Vân sẽ chào bằng tiếng Anh...

Có tất cả 20 đầu sách “góp sức” tạo nên Human Library (Thư viện Sống) đầu tiên tại Việt Nam. Họ là những con người mang trong mình những câu chuyện để kể phía sau cuộc sống, những trải lòng, những khó khăn hay nghị lực... Dự án đã nhận được sự quan tâm của: Bộ Lao động & Thương binh Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, và nhiều cơ quan tổ chức xã hội khác...

Trong hai ngày diễn ra sự kiện, dự án đã đã tạo được một không gian lành mạnh, thoải mái cho không chỉ sách sống mà cả những người đọc, về những vấn đề được chia sẻ, để nâng cao sự bao dung, tình thương đối với những con người "khác biệt", để mở rộng vòng tay và đồng cảm... Dự án tiếp đón hơn 500 người đọc cùng hơn 800 lượt đọc sách, với những phản hồi tích cực...

Lê Anh Thư, du học sinh năm thứ 2 Trường Oberlin College, Mỹ, người đã đem bản quyền dự án về Việt Nam, từng bị trầm cảm. Chị đứng tên đầu sách “Trầm cảm” tại Thư viện Sống.


Đầu sách trầm cảm Lê Anh Thư, đồng thời là trưởng BTC dự án Thư viện Sống

Chị kể với độc giả rằng: “Ai cũng có thể bị trầm cảm và tôi đã từng cắt tay tự tử khi giọt nước tràn ly, nhưng may mắn, tôi đã được cứu và giờ đây là trưởng ban tổ chức Human Library. Thông điệp mà  tôi muốn gửi tới độc giả của mình là: Hãy quan tâm và để ý tới mọi người xung quanh, mỗi hành động dù nhỏ nhất cũng có thể làm người khác "tràn ly”...”

Động lực mà Lê Anh Thư tổ chức dự án Human Library (Thư viện Sống) tại Việt Nam là: “mong xoá nhoà mọi định kiến, phân biệt, kì thị liên quan đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội như: ma tuý, tự hoại, đồng tính, chuyển giới, bạo lực gia đình, v..v.. và nâng cao nhận thức của mọi người về quyền tự do, công bằng, sự cảm thông trong cuộc sống”...

“Có một câu chuyện trong mỗi chúng ta”

Sau 2 ngày đọc sách ít ỏi, những cuốn “sách Sống” đã trở lại với cuộc sống thường nhật, nhưng một số cuốn sách sống được các độc giả cảm thông, chia sẻ và đã xin những thông tin liên lạc để lưu giữ sự kết nối giữa các cuốn sách sống và người đọc. Theo BTC, dự án không chỉ gây ấn tượng được với người đọc khi tổ chức, mà còn là về sau.

Trong tương lai, BTC Human Library (Thư viện Sống) có tham vọng sẽ đưa mô hình "sách Sống" này đến với các tỉnh thành khác trong cả nước, để từ đó có thể nhân rộng tình yêu thương, lòng nhân ái, sự cảm thông và chia sẻ đến  mọi miền. Hai thành phố mà BTC hướng tới trong tương lai gần là TP.HCM và Đã Nẵng.

Đỗ Đức Sơn, Trưởng ban Truyền thông Dự án Human Library (Thư viện Sống) cho hay: “Mặc dù Việt Nam đang ngày càng phát triển và hội nhập, bên cạnh những đổi mới về tư tưởng xã hội, vẫn còn tồn tại không ít những suy nghĩ bảo thủ, lệch lạc về những người được coi là "khác biệt" với số đông. Với Human Library Vietnam, BTC muốn tạo nên một không gian bình đẳng, nơi những câu chuyện, những mảnh đời, những kỉ niệm có thể được sẻ chia.

BTC cam kết bảo trợ an toàn cho sách sống cũng như cuộc trò chuyện của người đọc. Hy vọng mô hình Thư viện sách sống sẽ ngày càng phát triển, được biết đến nhiều hơn và truyền tải được nhiều giá trị, nhiều câu chuyện hơn, giống như thông điệp mà chương trình muốn nhắn gửi rằng: “Có một câu chuyện trong mỗi chúng ta”.

Sách "Sống" là gì?

Dự án Human Library (Thư viện Sống) được tổ chức lần đầu tại Đan Mạch vào năm 2000, và cho đến nay dự án đã có mặt trên hơn 70 quốc gia trên thế giới.

Về cơ bản, Human Library (Thư viện Sống) giống như một mô hình thư viện bình thường. Điểm đặc biệt ở đây là, thay vì những cuốn sách in trên giấy bình thường, những cuốn sách lại là những con người thật, với những câu chuyện thật, kể về cuộc sống của họ. Cho đến tháng 7 năm 2016, Lê Anh Thư (du học sinh năm thứ 2 Trường Oberlin College, Mỹ) đã đem bản quyền dự án về Việt Nam.

An Như
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›