Các nhà khoa học Australia đã tạo nên một bước đột phá trong các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán sớm, khi có thể giúp xác định những bệnh nhi ung thư nào có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng đe dọa tới tính mạng.
Trong một nghiên cứu được Viện Walter và Eliza Hall (WEHI) của Australia công bố ngày 12/7 và xuất bản trên tạp chí Clinical & Translational Immunology, các nhà khoa học cho biết đã xác định được những bệnh nhi ung thư có nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng liên quan giảm bạch cầu trung tính - loại bạch cầu có nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn, chống viêm nhiễm, đồng thời xử lý các mô nếu bị tổn thương.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh dữ liệu sao chép tế bào máu của các bệnh nhi bị ung thư và giảm bạch cầu trung tính, để xác định 24 gene và sử dụng chúng để phân biệt giữa nhiễm trùng giảm bạch cầu trung tính ở thể nhẹ và nặng.
Giáo sư Marc Pellegrini thuộc WEHI cho biết: "Dự án này được thành lập để tìm kiếm các dấu ấn sinh học tiềm năng, có thể được kiểm tra ngay khi trẻ em mắc bệnh ung thư và giảm bạch cầu trung tính khi điều trị tại bệnh viện. Điều này sẽ cho phép các bác sĩ lâm sàng xác định mức độ nhiễm trùng của bệnh nhi và đưa ra hướng điều trị phù hợp".
- Tìm ra phương pháp mới giúp cải thiện điều trị ung thư
- Phát hiện phương pháp mới ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư não
Các nhà nghiên cứu cho biết hiện tất cả bệnh nhi ung thư và giảm bạch cầu trung tính hiện được điều trị đồng loạt như các bệnh nhân có nguy cơ cao và được tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch, mặc dù chưa đến 25% trong số những trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng.
Phát hiện trên có thể mở ra một phương pháp xét nghiệm nhằm xác định bệnh nhi ung thư có nguy cơ bị giảm bạch cầu trung tính thể nặng hay không, qua đó ngăn chặn việc các em tiếp nhận thuốc kháng sinh không cần thiết và có nguy cơ gây rối loạn trong cơ thể, đồng thời giúp các bác sĩ lâm sàng tối ưu hóa việc ứng dụng phương pháp điều trị cho trẻ em có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng.
Thanh Phương/TTXVN
Tags