'Bún mắng', 'cháo chửi' thách thức quy tắc ứng xử của Người Hà Nội

Thứ Hai, 22/07/2019 08:13 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khẳng định nỗ lực tập trung thực hiện các bộ quy tắc ứng xử đã được ban hành nhằm tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng văn hóa, con người nhưng trên thực tế, Hà Nội vẫn đang vấp phải không ít rào cản. 

Hà Nội lập website để đẩy lùi... 'bún mắng, cháo chửi'

Hà Nội lập website để đẩy lùi... 'bún mắng, cháo chửi'

Website có thể đưa thêm "danh sách đen" những quán ăn người Hà Nội nên tránh vì thái độ ứng xử

Truyền thống ứng xử văn minh, thanh lịch, “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” của người Tràng An  xưa và người Hà Nội nay đang đối diện nhiều thách thức  bởi những hành vi, lời ăn tiếng nói không đúng chuẩn mực. Trong những thách thức đó, “bún mắng, cháo chửi” vẫn đang tồn tại như một trong những nỗi ám ảnh với nhiều người.

“Nổi tiếng” vì... chửi khách

Không phải lần đầu tiên nhưng mới đây, quán “bún chửi” nổi tiếng Hà Nội trên phố Ngô Sĩ Liên lại khiến không ít thực khách thêm một lần bức xúc khi chủ quán bất chấp những lên án, chê bai vẫn thản nhiên mắng chửi khách hàng.

Kéo dài nhiều năm và bị  kêu gọi tẩy chay khá nhiều, nhưng quán  "bún chửi" này không những chưa sập tiệm mà  khách vẫn kéo đến nườm nượp. Nhiều người đến vì tò mò, phần đông khác thì... mặc kệ vì biết “chửi” vốn là phong cách quen thuộc của quán.

Chú thích ảnh
Bị kêu gọi tẩy chay nhưng quán "bún chửi" trên phố Ngô Sĩ Liên không hiểu vì sao vẫn đông khách?

Hà Nội vốn nổi tiếng và  thu hút với đông đảo du khách bởi đặc trưng văn hóa ẩm thực  phong phú, lâu đời, cùng với đó là nét thanh lịch, gần gũi của xứ kinh kỳ. Thế nhưng, có thể vì guồng quay cuộc sống mới, có thể vì Hà Nội giờ đã là nơi hội tụ tứ chiếng, nên thương hiệu  "bún mắng cháo chửi"  của thủ đô bỗng vài năm trở lại đây lại trở thành nổi tiếng, thậm chí lên lên cả kênh truyền hình nước ngoài,  khiến nhiều du khách không khỏi tò mò. Sau đó là bức xúc.

Vừa mất tiền vừa cay cú là cảm xúc của  hàng trăm thực khách đã từng đến quán bún này trên phố Ngô Sĩ Liên. Thậm chí, từng có diễn đàn, bài báo đề cập thẳng thắn: “Người có tự trọng, thì đừng bao giờ ăn bún chửi ở Ngô Sĩ Liên!!!”.

Mới đây, một thực khách sau khi tò mò đến quán đã vô cùng bức xúc chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện bị mạt sát ở đây để cảnh báo mọi người đừng dại dột  vào nếm thử “bún chửi” như cô để rồi vác bực vào người.

“Nghe danh bún chửi Ngô Sĩ Liên đã lâu, thật sự chưa bao giờ mình có ý định đến ăn thử, vì quan điểm của mình là Hà Nội không thiếu hàng ngon để đâm đầu vào những thứ vô văn hóa ấy làm gì...”, cô gái chia sẻ.

Và shock toàn tập khi chủ quán  xỉa xói: "Chim cút! Xôi xéo! Dẫn nhau ra nhà nghỉ. Ra nhà nghỉ mà ăn..."

Chú thích ảnh
Nhiều người bức xúc vì cách ăn nói xô bồ, thiếu tôn trọng khách ở đây

“Thiết nghĩ tại sao một thứ chợ búa, vô văn hóa như vậy vẫn có thể tồn tại được giữa cái đất thủ đô tự hào nghìn năm văn hiến đến vậy? Người ta mong đợi gì khi đến đây: một bát bún ngon, hay những câu chửi bới tục tĩu để thỏa mãn lòng tò mò về thứ "đặc sản" này của Hà Nội?

Bún sườn lưỡi ở đây có chất lượng ổn, không đến mức quá đặc sắc khiến thực khách chấp nhận bị chửi để tới ăn thường xuyên.

Riêng mình mạn phép không bao giờ quay trở lại đây, dù biết "vắng mợ thì chợ vẫn đông". Nhưng nếu bạn có tự trọng, thì đừng bao giờ chấp nhận việc bỏ tiền đi ăn mà lại phải nghe những thứ dơ bẩn cực hạn đến vậy...”, cô gái bức xúc.

Bún chưa kịp ăn đã ăn chửi no bụng, câu chuyện của cô gái chia sẻ đã trở thành chủ đề thu hút sự bàn tán, bày tỏ nỗi bất bình của vô số cư dân mạng.

“Bún chửi” đang thách thức  quy tắc ứng xử của Hà Nội?

Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố được Hà Nội ban hành từ tháng 3.2017. Thành phố cũng bày tỏ quyết tâm tập trung nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện thành công quy tắc này. Mục tiêu chung được bộ quy tắc này đưa ra là nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại. Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô , xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trước khi quy tắc này được ban hành, khi dư luận từng bức xúc phản ánh một số biểu hiện văn hóa ứng xử lệch chuẩn, trong đó có hiện tượng “bún mắng, cháo chửi”, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành văn bản về thực hiện nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, UBND Hà Nội giao các Sở chức năng xây dựng, trình UBND TP ban hành “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại”. Ngoài ra, các đơn vị này phải tham mưu bổ sung tiêu chí ứng xử văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa hàng năm. Văn bản này cũng lưu ý: “Phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh có vi phạm; xem xét thu hồi hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh đối với cơ sở vi phạm”.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền không hiệu quả, cần có những biện pháp xử lý đối với những  cá nhân, hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng

Lãnh đạo TP. Hà Nội trước đó cũng chỉ đạo chấn chỉnh nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trước thực tế phản ánh trên một số trang mạng và dư luận xã hội về các hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lãnh đạo Thành phố cho rằng những hành vi này  đã  làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh…, cần phải chấn chỉnh.

Thế nhưng, dường như những văn bản chỉ đạo hay quy tắc ứng xử nơi công cộng mà thành phố ban hành với nhiều kỳ vọng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.  Chủ quán “bún chửi” Ngô Sĩ Liên sau nhiều chỉ trích, dù đã hứa sẽ cố gắng kiềm chế, nhưng thực tế cho thấy hiện tượng gây bức xúc này không hề thay đổi. Thật lạ. Không ai lý giải được vì sao quán bún chửi Ngô Sĩ Liên ấy vẫn tồn tại và vẫn luôn đắt khách?

 Và nếu chỉ dừng ở những bức xúc, phê phán, kêu gọi tẩy chay... thì những hiện tượng, hình ảnh, lời nói làm hoen ố những giá trị truyền thống, hình ảnh ngươi Hà Nội thanh lịch văn minh này có bị loại bỏ ra khỏi đời sống cộng đồng hay không?

Nói đã quá nhiều. Thiết nghĩ  đã đến lúc cơ quan quản lý cần có những biện pháp chấn chỉnh, xử lý mạnh tay hơn. Nếu không, cũng chẳng loại trừ việc đến cả quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội cũng đối diện nguy cơ bị “xô đổ”  bởi những thói ứng xử ngông nghênh, thiếu tôn trọng cộng đồng đến vậy.

Hà Phương/Báo Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›