(TT&VH) - Tình yêu là thứ khó nhất khi phải đem ra so sánh, nhưng khi mỗi hạng mục giải thưởng chỉ chọn một, thì bắt buộc HĐGK phải “nâng lên đặt xuống”. Bên cạnh 4 đề cử được vinh danh bằng giải thưởng, còn những đề cử khác, dù phải dừng lại ở vòng sơ khảo hay chung khảo, nhưng cũng rất xứng đáng được tôn vinh, được nghiêng mình cảm ơn. Vâng, cám ơn tình yêu. Đó là tình yêu mà các tác giả đã dành cho Hà Nội, và cho tất cả mọi người thông qua các tác phẩm, ý tưởng, việc làm.
Có những đề cử không đoạt giải cũng rất ấn tượng với công chúng. Xin nói về Đề cử cuốn sách ảnh “Hà Nội” của nhà báo người Pháp Nicolas Cornet. Ông đã đến VN lần đầu năm 1987. Từ đó đến nay, sau hơn 20 năm đi về giữa Pháp và Việt Nam, ông đã tham gia thực hiện 4 cuốn sách giới thiệu Việt Nam ra thế giới. Mỗi năm, ông thường “tạm trú” tại Việt Nam ít nhất là ba tháng. Ồng gọi mỗi chuyến đi ấy là những cuộc trở về quê hương thứ hai của mình. Các bức ảnh này đã được Nicolas giới thiệu tại Thư viện Media, đại lộ Sathon Tai ở Bangkok, từ ngày 28/4 đến 15/5/2011 và đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khá nhiều người.
![]() Phó Tổng Giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái (đứng giữa) trao giải Việc làm – Vì Tình yêu Hà Nội cho Tập thể các nhà khoa học và quản lý đã chăm sóc, cứu chữa rùa Hồ Gươm - Ảnh: Vũ Ngọc. |
Ở hạng mục giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội. HĐGK rất chú ý đến Đề cử ý tưởng “ Nối sông Tô Lịch với sông Hồng” của ông Đào Văn Hà với ý tưởng đào con kênh để nối với sông Hồng để “hồi sinh” sông Tô Lịch. Không những vạch ra các hướng tuyến của dòng chảy hết sức kỹ càng, tỉ mỉ trên cơ sở quan sát đo đạc từ thực địa, tác giả ý tưởng này còn đề xuất việc xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải khu vực cuối sông Tô Lịch và khu vực đường Hoàng Quốc Việt... Điều đó cho thấy, ý tưởng này đang được xây dựng thành công trình khoa học giàu ý nghĩa.
Ở hạng mục Giải Việc làm, HĐGK đánh giá cao Đề cử Quyết định không cho chuyển đổi chức năng của vườn thực vật và vườn quả Từ Liêm sang làm khu đô thị sinh thái của UBND TP Hà Nội. Quyết định này không chỉ thể hiện sự tôn nghiêm trong việc thực hiện quy hoạch, mà còn hướng tới việc xây dựng trên tổng thể một vành đai xanh - một công viên nông lâm nghiệp sinh thái có quy mô lớn tại Thủ đô, lá phổi xanh cho thành phố và là nơi bảo tồn nguồn gene các loài thực vật quý hiếm cho cộng đồng và cho tương lai. Trong khi đó, với việc lập nên website hồ Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã bày tỏ ước muốn tha thiết biến mỗi hồ, mỗi ao của Hà Nội trở thành một trung tâm xã hội của dân cư quanh hồ, giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và văn hóa Hà Nội.
Dù công trình không được trao tặng giải thưởng nhưng bà Nguyễn Ngọc Lý xúc động chia sẻ: Hôm qua khi nhận được thư mời thông báo được lọt vào vòng chung kết, chúng tôi vô cùng tự hào, có lẽ đó là cái bức thư hay nhất mà xưa nay chúng tôi nhận được. Chúng tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi một người kỹ sư lại được đứng cùng các nhà văn hóa lớn nhất của Hà Nội.
Bà nói tiếp: “Giờ này năm ngoái, ngày 31 tháng 8, nhóm nghiên cứu của chúng tôi còn đang miệt mài để tổng quan các nghiên cứu, các báo cáo nhằm biên tập kịp thời đưa sang nhà in Tạp chí Cộng sản quyển sách đầu tiên về thông tin nền của 120 ao, hồ, đầm của 6 quận nội thành. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân năm ngoái khi giới thiệu quyển sách này trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long có nói: Những người làm quyển sách này chắc chắn chỉ có một tấm lòng với Hà Nội, và thực sự đó là một tấm lòng đối với Hà Nội.
Quả thực, năm ngoái bằng giờ này, nhóm chúng tôi gồm 7 người, vừa biên tập, vừa dàn trang 4 ngày đêm liên tục. Khi đặt dấu chấm vào các file để gửi đi là 4h sáng, lúc đó tất cả chúng tôi đều ra bờ hồ Hà Nội, nước mắt tự nhiên trào ra, mình đã làm được một việc cho Hà Nội rồi. Năm nay chúng tôi làm thêm việc nữa là đưa toàn bộ cuốn sách này lên website của hồ Hà Nội, mới được khởi động tháng 6 vừa qua. Có lẽ là do dư luận ủng hộ nên chúng tôi có được đề cử vào chung kết của giải năm nay. Đối với chúng tôi, việc được vào chung kết đã là một niềm vinh hạnh vô cùng to lớn. Tôi hy vọng giải này sẽ vĩnh viễn sáng trong như Bùi Xuân Phái, không có một áp lực nào cả mà chỉ dành cho tình yêu Hà Nội”.
Xin cảm ơn bà Nguyễn Ngọc Lý, và một lần nữa cảm ơn tình yêu của tất cả những tác giả đã vì Hà Nội mà cống hiến.
Đông Kinh