Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Đạo diễn Đặng Nhật Minh với Hà Nội (kỳ 1): Còn đây Hà Nội vấn vương một tấm lòng…

07:32:00 05/10/2023

Hiếm có một người đạo diễn nào ở tuổi trên 80 vẫn tự viết kịch bản, lăn lộn trên phim trường, để dành tâm huyết cho tác phẩm điện ảnh cuối đời mình. Không ai khác, đó là trường hợp của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh với bộ phim Hoa nhài được sản xuất năm 2022.

Hoa nhài đặc biệt ở chỗ nó không chỉ là bộ phim khép lại sự nghiệp lừng lẫy của một đạo diễn tài danh của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt hơn, bộ phim được làm là cách để Đặng Nhật Minh thể hiện lòng biết ơn với mảnh đất đã nuôi dưỡng ông hơn 60 năm qua. Đó là Hà Nội, nơi khiến ông đắm đuối cả một đời làm phim với những tác phẩm đã trở thành kinh điển.

Một lịch sử Hà Nội bằng điện ảnh

Vốn sinh ra ở đất cố đô Huế, có mặt ở Hà Nội chỉ 2 năm sau ngày giải phóng Thủ đô, nhưng mảnh đất này đã trở thành nơi để Đặng Nhật Minh trưởng thành và khơi gợi trong ông biết bao xúc cảm suốt hơn 60 năm qua.

Như ông giãi bày: "Hà Nội thân thương với tôi như một người ruột thịt. Là người gốc Huế, nhưng chẳng khi nào tôi phân chia trong mình có bao nhiêu phần Huế, bao nhiêu phần Hà Nội. Với Huế, tôi chỉ sống những năm tháng tuổi thơ. Trong khi những năm tháng trưởng thành cho đến nay, tôi gắn bó với Hà Nội. Hà Nội đã hình thành nên con người nghệ sĩ của tôi -  một người làm điện ảnh cho đến hôm nay đều bởi Hà Nội".

Chú thích ảnh
NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh

Hà Nội đã chứng kiến Đặng Nhật Minh trưởng thành. Nhưng Đặng Nhật Minh cũng là người tường tận biết bao sự thay đổi của Hà Nội. Cứ thế, với những gắn bó và thấu hiểu, từng giai đoạn của Hà Nội đã trở thành những thời để nhớ trên phim của Đặng Nhật Minh. Điển hình có thể kể tới chùm 3 phim Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùa ổi và Hoa nhài.

Đó là Hà Nội của một thời "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong Hà Nội mùa Đông năm 46. Những năm tháng ấy có một Hà Nội bi tráng trong 60 ngày đêm chiến đấu, với "mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ". Cuộc kháng chiến như một bước ngoặt làm thay đổi số phận của bao gia đình, trong đó có gia đình ông.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim “Hà Nội mùa Đông năm 46”

Rồi một Hà Nội biến động của thời kỳ sau giải phóng Thủ đô cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước với công cuộc cải tạo nhà đất trong Mùa ổi. Có những khoảnh khắc buồn khổ, đau thương là thế, nhưng Mùa ổi vẫn làm toát lên một Hà Nội thực sự tĩnh lặng, nên thơ và đẹp đẽ bởi phẩm giá con người được giữ gìn.

Đến Hoa nhài, đó là một Hà Nội đương đại, nơi tụ hội 4 phương đổ về sinh sống, làm ăn với đủ những phức tạp trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng Hà Nội vẫn hiện lên đậm chất nhân văn, chứa đựng những yêu thương, đùm bọc giữa người với người, và trở thành nơi chốn nâng đỡ bao phận đời.

Chú thích ảnh
“Hoa nhài” - bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh về một Hà Nội đương đại

Dễ thấy một lịch sử Hà Nội vừa hoài niệm, vừa hiện thực, vừa dữ dội, vừa bình yên qua những thước phim của Đặng Nhật Minh. Thế nhưng, ông lại tiết lộ mình không có ý thức hay bất cứ chủ đích nào để phản ánh các giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Ông coi đó là một duyên số với Hà Nội, với đề tài Hà Nội.

"Tôi làm phim theo cảm xúc. Đúng nghĩa là thứ điện ảnh cảm xúc. Những cảm xúc của tôi vô tình gắn liền với những giai đoạn lịch sử quan trọng của Hà Nội. Tất cả đều đến một cách tự nhiên mà không có bất cứ toan tính hay cố tình nào" - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Ông nói thêm: "Quả thật, nếu nhìn lại Hà Nội từ quá khứ cho tới hiện tại, tôi đều có những tác phẩm điện ảnh nói về một số giai đoạn nhất định. Để lý giải sự tình cờ này chỉ có thể nói một điều: Đó là vì tôi đã gắn bó máu thịt với số phận của thành phố này. Nếu tôi sống mà không gắn bó với những biến động, với số phận của thành phố, chắc chắn không thể có được chuỗi những bộ phim về Hà Nội như thế".

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Rồi đạo diễn khẳng định: "Cũng phải thành thật, không phải giai đoạn lịch sử nào của Hà Nộitôi cũng làm phim. Vì thực tế, khó một người đạo diễn nào có thể cáng đáng được hết tất cả những dấu mốc lịch sử của Hà Nội để phản ánh. Tôi chỉ làm phim ở những khía cạnh mà tôi biết. Nếu không rõ, không hiểu tôi không bao giờ làm, không hư cấu. Hư cấu, nếu có, phải trên những cái mà mình đã trải nghiệm. Đó là phương pháp làm việc của tôi trong điện ảnh".

"Nếu tôi sống mà không gắn bó với những biến động, với số phận của thành phố, chắc chắn không thể có được chuỗi những bộ phim về Hà Nội như thế" - đạo diễn Đặng Nhật Minh.

"Hà Nội với tôi, không gì thay thế được"

Chọn làm bộ phim về Hà Nội ở cái tuổi xưa nay hiếm, cho thấy rõ ràng không khi nào đạo diễn Đặng Nhật Minh thôi ngẫm ngợi, trăn trở với Hà Nội. Mảnh đất ông gắn bó trọn vẹn đời mình, đời nghề là Hà Nội, nơi có những ký ức chẳng thể nào quên.

Ông kể: "Năm 1950, khi nhận được tin cha tôi (GS Đặng Văn Ngữ) trở về Việt Nam tham gia kháng chiến sau nhiều năm du học tại Nhật Bản, mẹ tôi đã đưa 3 anh em chúng tôi lên chiến khu Việt Bắc để đoàn tụ. Thời gian sau đó, tôi tiếp tục việc học ở Việt Bắc, rồi sang Trung Quốc, Liên Xô để học. Đến năm 1957 tôi được trở về Hà Nội, cũng là lúc tôi đi tìm cha mình".

"Sau tiếp quản Thủ đô năm 1954, cha dạy ở Trường Y. Tìm cha, tôi nhớ đã đi lang thang dọc các con phố gần viện Pasteur. Bởi tôi nghĩ chắc rằng cha làm việc ở đó. Tôi cứ lang thang đi tìm nhưng không thấy. Mãi sau đó, tôi mới tìm thấy cha ở khu tập thể của Trường Y tại 16A Hàn Thuyên. Đó là cái ngày tôi đã tìm gặp lại được cha sau nhiều năm xa cách. Cho đến giờ mỗi lần đi qua con phố năm xưa, tôi vẫn nhớ khoảnh khắc lang thang tìm cha" - đạo diễn Đặng Nhật Minh kể tiếp.

Chú thích ảnh
NSND Bùi Bài Bình (vai ông Hòa) trong phim “Mùa ổi”

Kể từ ngày tháng đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, những kỷ niệm thân thương như thế đã để lại trong cậu thanh niên ngày đó bao ấn tượng. Hà Nội khi ấy trong mắt Đặng Nhật Minh là một thành phố êm đềm với những tòa nhà, công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp. Trong khi ấy, những người Hà Nội mà Đặng Nhật Minh tiếp xúc đều rất lịch sự. Thời điểm đó, các gia đình Hà Nội đều rất nề nếp. Khi tiếp khách nếu chủ nhân là nữ thì bao giờ cũng mặc áo dài. Sự thanh lịch và nền nã này của người Hà Nội chẳng mấy xa lạ với một người vốn xuất thân từ một gia đình trí thức Hà Nội gốc Huế như Đặng Nhật Minh.

Một Hà Nội gần gũi với Đặng Nhật Minh từ những ngày đầu tiên như thế đã trở thành duyên cớ đặc biệt để ông gắn bó máu thịt với mảnh đất này cả đời người và đời phim. Như ông bộc bạch: "Đã có hơn 60 năm ở mảnh đất này, một cách tự nhiên, hồn vía của mảnh đất này như thể nhập vào tôi. Và chính tôi cũng nhập hồn tôi vào Hà Nội. Bởi đây là mảnh đất tôi sống và gắn bó lâu nhất, cũng như có nhiều trải nghiệm và kỷ niệm nhất với nó".

Ông tâm sự thêm: "Mỗi lần đi nước ngoài, điều tôi nhớ nhất là những con người Hà Nội mà tôi thường ngày gặp trên các hè phố. Họ chỉ là những người lao động bình thường, nhưng luôn khiến tôi cảm thấy nhớ nhất, thiếu nhất khi ở nước ngoài. Do đó, đối với tôi, Hà Nội không có gì thay thế được. Dù đi đến chân trời góc biển, thì Hà Nội vẫn thân thương với tôi biết bao với cảm xúc khó diễn tả, được xuất phát từ những con người nhỏ bé trên những hè phố của Hà Nội".

Thân thương là thế nên suốt hơn 60 năm qua, Đặng Nhật Minh đã trải lòng với Hà Nội ở nhiều chiều kích, từ những sự kiện lịch sử lớn như Hà Nội mùa Đông năm 46 cho đến những khoảnh khắc đời thường với những con người Hà Nội nhỏ bé nhất như Hoa nhài. Tất cả như giúp ông trả ơn Hà Nội trọn nghĩa tình.

Để rồi, dẫu sự nghiệp có thể khép lại nhưng Hà Nội vẫn còn đây với Đặng Nhật Minh, trong những tác phẩm điện ảnh. Như hương hoa nhài, như mùi ổi mùa chín quả, cứ vương vấn qua bao năm tháng…

Một đạo diễn của Hà Nội

Nhắc đến Đặng Nhật Minh, ta nghĩ ngay đến Bao giờ cho đến tháng Mười (1985) rồi Thương nhớ đồng quê (1995)… Đó là những tác phẩm đã đưa tên tuổi của Đặng Nhật Minh vươn tầm với điện ảnh thế giới. Thế nhưng sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của Đặng Nhật Minh không chỉ có thế.

Ông còn có những tác phẩm quan trọng khác như Trở về (1994), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997), Mùa ổi (2001), Đừng đốt (2009),… và mới nhất là Hoa nhài (2022). Đó là những bộ phim mà ít hay nhiều, đậm đặc hay phảng phất, Hà Nội đều xuất hiện và được Đặng Nhật Minh khai thác ở nhiều chiều cạnh từ thời cuộc cho đến con người. Để rồi, dấu ấn Hà Nội trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp điện ảnh của Đặng Nhật Minh với những tác phẩm đi cùng năm tháng và thực sự rất Hà Nội.

Còn tiếp

Đón đọc kỳ 2: Có một Hà Nội của chủ nghĩa nhân văn

Công Bắc

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)