(Thethaovanhoa.vn) - Đêm nay, đội tuyển futsal Việt Nam sẽ bước vào trận đấu đầu tiên được dự báo là đầy khó khăn. Dễ nhận thấy sự chênh lệch về mặt đẳng cấp, tuy nhiên, trong nguy có cơ. Đây há chẳng phải là dịp tốt để chúng ta học hỏi và tiến bộ sao?
Bóng đá xứ sở Samba nói chung và futsal nói riêng, những kiệt xuất phần lớn đều từ đường phố mà ra. Có liên tưởng nào đến Việt Nam không, khi cơ địa của người Việt được cho là rất hợp với môn thể thao trong không gian hẹp như futsal.
Từ nhiều năm qua, sân chơi phong trào góp một phần lực lượng không nhỏ trong hành trình 2 tới World Cup của tuyển futsal Việt Nam. Do chưa có Học viện hay một Trung tâm đào tạo đủ lớn chuyên về futsal, nên bóng đá học đường và phong trào chính là nơi sản sinh ra không ít “kì hoa dị thảo” của làng futsal Việt Nam, trước khi họ khoác lên mình màu áo của đội tuyển đến với sân chơi thế giới.
Có một thực trạng đáng buồn với futsal Việt Nam, đó là việc hệ thống đào tạo trẻ vẫn… chưa đâu vào đâu. Trong khi đó, các đội vẫn loay hoay tìm đáp án cho nguồn nhân lực kế cận, thì buộc họ phải duy trì bằng cách tuyển chọn nhân sự thông qua các giải đấu phong trào. Đó là lí do, đa phần các tuyển thủ futsal Việt Nam đến thời điểm hiện tại, có thể xem là “tay ngang”, khi họ không được đào tạo bài bản, mà trưởng thành thông qua các giải đấu phong trào. Thậm chí, khi giải futsal VĐQG đã vắt qua tuổi thứ 14, nhưng số câu lạc bộ có được hệ thống đào tạo trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó Thái Sơn Nam là tiên phong và luôn là số 1.
Trong số 16 thành viên của đội tuyển futsal Việt Nam thời điểm hiện tại, chỉ có số ít các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của Thái Sơn Nam, số còn lại là những Đình Hùng, Đức Hòa, Mai Xuân Hiệp, Nguyễn Đắc Huy…, đều đi lên từ phong trào sinh viên, hoặc nổi danh từ các giải phong trào trước khi trở thành cầu thủ futsal chuyên nghiệp. Việc phát hiện những tài năng, gọi là những viên ngọc thô, rồi sau đó trau dổi và luyện tập một quá trình dài, mới thành hình.
Công ty Vietfootball, đơn vị sở hữu hàng loạt giải đấu phong trào hàng đầu Việt Nam cũng là một “kênh” đáng tin cậy để các đội bóng từ đó có cho mình những cầu thủ chất lượng. Những Tuấn Vinh, Văn Hạnh “Ozil”…, cũng đều từ phong trào bóng đá sinh viên, đá phủi, nhưng nhanh chóng thích nghi và trở thành những cầu thủ futsal chuyên nghiệp. Dù chưa một lần được khoác lên mình màu áo đội tuyển futsal Việt Nam, nhưng nói về độ sao số và đẳng cấp, cả 2 cũng không hề thua kém bất kì tuyển thủ nào của futsal Việt Nam. Họ thậm chí còn có cả nhà tài trợ về trang phục, giày thi đấu dù chỉ chơi ở địa hạt phong trào, đủ hiểu tầm ảnh hưởng của sân chơi này là không hề nhỏ.
Một ví dụ thực tiễn nhất chính là trường hợp cầu thủ Nguyễn Văn Hiếu, cầu thủ thuộc biên chế Hiếu Hoa Đà Nẵng và đang là thành viên đội tuyển futsal Việt Nam dự World Cup Futsal 2021. Hiếu chỉ cần đúng 3 buổi tập để thích nghi mặt sân của futsal để rồi trở thành vua phá lưới ở mùa giải futsal VĐQG 2018. 2 năm sau anh được triệu tập lên đội tuyển futsal Việt Nam và giờ anh đang cùng các đồng đội chuẩn bị so tài ở sân chơi thế giới. Trước đó, Văn Hiếu chỉ là một cầu thủ nhẵn mặt ở các sân bóng dọc dải đấy miền Trung.
Tất nhiên, việc đến với World Cup, không chỉ 1 mà là 2 lần cũng là điều quá đỗi tự hào với futsal Việt Nam. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chỉ đánh giá giấc mơ World Cup thành hiện thực từ giải futsal VĐQG vốn vẫn chưa chuẩn chuyên nghiệp, mà bỏ qua “cái gốc” từ các giải đấu phong trào thì liệu có công bằng và thỏa đáng.
Xem ra sới phủi vẫn là nguồn cung ứng chính cho futsal Việt Nam, trong nhiều năm nữa, và vì thế, nó cũng cần được chăm sóc – quan tâm nhiều hơn, thay vì chỉ biết gặt, biết hái!
Đình Thảo
Tags