Hôm qua (11/6), ông Văn Trần Hoàn, Chủ tịch CLB Hải Phòng đồng thời là Trưởng BTC địa phương trận giao hữu giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 15/6 tới đây, đã gửi công văn lên VFF, về việc nên "để" VTV phát sóng trực tiếp trận đấu này cho người hâm mộ cả nước được thưởng thức, thay vì FPT, vốn hạn chế về số lượng thuê bao.
Trước đó vài ngày, VFF và FPT Play đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược (giai đoạn 2023-2027), qua đó, kênh truyền hình này sẽ độc quyền phát sóng tất cả các trận đấu có ĐTQG Việt Nam. Việc FPT Play có chia sẻ hay nhượng quyền cho nhà đài khác, còn tùy thuộc vào đàm phán.
Chúng ta đều biết, FPT hay SCTV hoặc K+... là những kênh truyền hình trả tiền. Và trong nhiều năm nay, để có thể theo dõi được các trận đấu ở Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha hay UEFA Champions League, Europa League..., khách hàng đều phải bỏ tiền mua thuê bao, chứ không hoàn toàn miễn phí như trước. Đến ngay cả V-League, FPT Play cũng đã và sẽ sở hữu bản quyền trong 4 mùa giải tiếp theo.
Thực ra, có một chi tiết mà người xem ít để ý, đấy là việc VTV vẫn có gói phát sóng các trận đấu ở V-League, nhưng cũng không phải miễn phí như nhiều người nghĩ. FPT Play chủ động chia sẻ với VTV, đổi lại là các shot quảng cáo hoặc tiền mặt. Như FIFA World Cup 2022 mới đây, VTV đã phải bỏ rất nhiều tiền (thông qua kêu gọi nhà tài trợ) để có được sóng phát trên kênh truyền hình quảng bá phục vụ khán giả.
Trong nhiều năm, khi Next Media sở hữu bản quyền hình ảnh các trận đấu của ĐTQG hay V-League, rồi Bundesliga..., họ đã rất khéo léo đàm phán với các nhà đài, trong đó có VTV, để thu hồi vốn và sinh lời, bởi bản thân Next Media, ngoài nền tảng mạng xã hội và kênh YouTube, thì không có sẵn kênh sóng. Tương tự là VTVcab với hệ sinh thái cực khủng và mạnh cũng phải đi mua mới có bản quyền các giải đấu.
Trong công văn mà Chủ tịch CLB Hải Phòng, Văn Trần Hoàn, gửi VFF, về lý là được lòng người hâm mộ, nhưng nó lại cho thấy tính thiếu chuyên nghiệp, rất đúng với phong cách của vị này.
Cơ chế bóng đá chuyên nghiệp không có gì là miễn phí, thậm chí với ngay cả bóng đá phong trào, bóng đá phủi như hệ thống giải bóng đá sân 7 toàn quốc Cúp Bia Saigon hay hệ thống giải của Thiên Long hàng năm, nhà đài muốn giành quyền phát sóng, đều phải trả bằng tiền mặt hoặc các gói quyền lợi quảng cáo.
Có vẻ như bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, với một bộ phận những người làm bóng đá, hơi chậm chuyển đổi, từ cái nhìn, đến quan điểm và phương pháp làm. Chúng ta bán vé vào xem các trận đấu, song lại đòi nó được trình chiếu miễn phí trên TV. Ai chịu chi phí sản xuất sóng cho nhà đài đây?!
Mấy hôm nay, người viết nhận được kha khá các thư mời đến dự lễ xuất quân của hàng loạt các đội bóng phong trào, như An Biên FC hay Wteam... cho mùa giải SPL-S5 (do Cty CP Bóng đá Việt, VietFootball tổ chức).
Có trực tiếp tham dự, trực tiếp ra sân điều hành và theo dõi các trận đấu, mới cảm nhận được tính chuyên nghiệp của bóng đá... phong trào, của sới phủi. Còn chuyên hơn cả sân chuyên ấy chứ, từ công tác tổ chức đến khán đài rực một màu sắc cổ động. Không đùa!
Bản quyền truyền hình là két sắt, là nhà băng nuôi sống bóng đá, chứ không phải túi tiền của ông bầu hay nhà tài phiệt. Tất nhiên, bao gồm cả khán giả, các CĐV bỏ tiền túi mua vé hoặc mua gói thuê bao truyền hình. Điều này đã được xác tín từ hàng thập kỷ qua, tại các nền bóng đá hay giải đấu hàng đầu. Chúng ta phải tập với nếp suy nghĩ ấy, nếu còn muốn bóng đá phát triển, thay vì ăn đong và lệ thuộc quá nhiều vào các ông bầu.
Bằng sự thương thảo nào đó giữa đôi ba bên, có thể VTV sẽ có quyền chia sẻ phát sóng ít nhất 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam dịp FIFA Days trong tháng 6 này, nhưng kinh doanh có nguyên tắc của kinh doanh. Tiền không phải là vấn đề, vấn đề là... giá cả mà thôi. Sự cạnh tranh như thế, xin nói luôn, là chỉ có lợi. Còn cái lợi ấy có đổ về hết cho bóng đá Việt Nam hay không, thì tạm thời không bàn tới.
Tags