Đọc lại cuốn sách này, nó cho chúng ta sự bất ngờ, không chỉ bởi cái nhìn tiên phong về nữ quyền, với nhiều điều mà cuộc sống ngày nay vẫn chưa thể áp dụng hết, nhiều nơi còn lâu mới theo kịp. Nó còn khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi: Nữ quyền Việt Nam phải chăng đi trước về sau, nếu so về tiến trình bình đẳng giới với nhiều nước?
Tác phẩm Nam nữ bình quyền do Đặng Văn Bảy (1903-1983, hiệu Hoành Sơn) viết, ấn bản lần đầu năm 1928 tại Nhà in Tam Thanh (Sài Gòn), ĐH Hoa Sen và NXB Hồng Đức tái bản quý 3/2014.
“Tôi đề xướng nam nữ bình quyền là do thấy phần nhiều đàn bà con gái bị chê bỏ, hiếp đáp, còn đàn ông con trai lại quá tự do. Phép công bình là đôi bên phải đồng, không khinh không trọng, không thấp không cao” - Đặng Văn Bảy nêu lý do. Thật khó để chỉ bằng một bài viết ngắn mà đề cập hết chiều kích của sách này, bởi ngoài chuyện bình đẳng nam nữ, sách còn nói đến dân chủ, dân trí và cả việc canh tân xã hội.
Chàng trai 22 tuổi tiên phong bảo vệ phụ nữ
Cũng xin lưu ý rằng, trên thế giới có 3 cột mốc lớn về nữ quyền, để mở ra cơ hội có tiếng nói thật sự cho nữ giới. Đầu tiên là việc phụ nữ một số nước đấu tranh giành quyền bầu cử sau Thế chiến 1 (đầu thập niên 1920). Tiếp theo, năm 1949, triết gia Pháp Simone de Beauvoir xuất bản cuốn Le Deuxieme Sexe (Giới tính thứ hai), cổ súy nam nữ bình quyền, mở ra làn sóng tranh đấu rộng khắp. Cuối cùng là việc bác sĩ người Mỹ là Gregory Goodwin Pincus phát minh ra thuốc tránh thai năm 1954. Phát minh này đã tạo một cuộc cách mạng thực sự trong nữ giới và xã hội. Chính nó là động lực để làn sóng nữ quyền bước vào giai đoạn hai đầy thành tựu vào những năm đầu 1960.
Gần như cùng thời gian, tại Việt Nam cũng có 3 cột mốc quan trọng cho nữ giới. Đầu tiên là việc phát hành tờ Nữ giới chung ngày 1/2/1918 do nhà thơ Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Ngày 6/1/1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu Quốc hội khóa 1, và nam nữ từ 18 tuổi trở lên đều được đi bầu cử. Nên nhớ rằng một nước như Pháp thì đến năm 1965 thì phụ nữ mới tạm giành được quyền đi làm mà không chịu sự kiểm soát, cho phép của chồng. Còn Thụy Sĩ thì tới năm 1971 phụ nữ mới có quyền tham gia bầu cử liên bang. Năm 1960, bà Trần Lệ Xuân thúc đẩy việc ra Đạo luật Gia đình, để phụ nữ được bình đẳng trong gia đình của mình.
Từ bối cảnh như vậy mà một thầy giáo tiểu học trẻ tuổi ở Vĩnh Long (chứ không phải Sài Gòn, Hà Nội - những nơi được cho là văn minh sớm hơn) đã nghĩ đến việc viết sách bình quyền nam nữ từ đầu thập niên 1920, quả là vô tiền khoáng hậu. Chính câu đầu và câu cuối trong lời tựa đã cho thấy ý định của Đặng Văn Bảy: “Có người viết sách dạy đời, có người viết sách xưng tội, có người viết sách vì nợ văn chương. […]. Vì xưng tội, vì đau đớn, vì thương xót, tôi góp ý thành sách”. Nghĩa là với hoàn cảnh còn nhiều thiệt thòi của phụ nữ nước nhà, chàng trai trẻ mới vừa lấy vợ (năm 1926) đã thấy mình phải có nghĩa vụ lên tiếng.
“Nay đọc lại, chúng ta thấy đây thực sự là một tiếng nói tiên phong đấu tranh cho quyền bình đẳng nam nữ, bảo vệ quyền làm người của phụ nữ. Là một trong những tiếng nói sớm nhứt về vấn đề này” - TS Bùi Trân Phượng nhận định trong sách.
Dung dị và sâu sắc
Nếu để tóm tắt ngắn gọn thì sách này đã đạt đến hai điều mà một chuyên luận khoa học cần có: dung dị và sâu sắc.
Từ chuyện quan hệ trai gái, vợ chồng cho tới quan hệ cha mẹ, con cái, giáo dục, nam nữ bình quyền… đều được viết với văn phong gần gũi, cụ thể. Đến những quan niệm dễ gây tranh luận như chữ trinh, tự do hôn nhân, tự do làm việc, tự lực tự cường… cũng được trình bày dễ hiểu như vậy.
Thế nhưng, trên hết vẫn là một tư tưởng tiến bộ, vượt xa bối cảnh lịch sử và tinh thần thời đại. Từ cơ sở nào để dựng nên nền tảng này thì đến nay chưa đủ dữ liệu để chỉ ra cụ thể. Chắc có lẽ do bối cảnh tiến bộ của Nam Bộ thời bấy giờ, nơi báo chí - tiểu thuyết chữ quốc ngữ xuất hiện sớm nhất, nơi hình thành và nở rộ các tôn giáo bản địa, nơi ra đời nghệ thuật tranh kiếng, đờn ca tài tử, cải lương… - đã giúp bồi đắp phần nào.
“Để biện giải cho vấn đề nam nữ bình quyền, tác giả Đặng Văn Bảy đã có sự tinh tế trong việc phân biệt không phải cứ quan niệm truyền thống là lạc hậu theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai thì coi là có, mười người con gái cũng coi như là không), còn quan niệm của phương Tây là tiến bộ” - GS-TS Ngô Đức Thịnh nhận xét trong sách này.
Về vấn đề phụ nữ Việt Nam thập niên 1920, trong sách Essays Into Vietnamese Pasts (New York, 1995) nhà Việt Nam học David Marr nhận định: “Phụ nữ và xã hội đã trở thành điểm tập trung chú ý mà các vấn đề khác thường xoay quanh nó. Hàng trăm cuốn sách, tập sách nhỏ và bài báo đã được xuất bản về mọi mặt. Phụ nữ trở nên có ý thức rằng họ là một nhóm người trong xã hội với các nỗi bất bình và yêu cầu riêng”.
Một số dấu ấn sớm về nữ quyền Việt Nam 1911, Phan Bội Châu viết tuồng Trưng Nữ Vương, lưu diễn từ năm 1913, kêu gọi phụ nữ tham gia chống giặc, giữ nước. 1917, Phạm Quỳnh viết Sự giáo dục đàn bà con gái đăng trên Nam phong, nhằm cải cách giáo dục cho phụ nữ. 1917, ban hành Quy chế về giáo dục Đông Dương, bênh vực nữ học, nữ quyền. 1926, Trịnh Đình Rư xuất bản Nữ sinh độc bản tại Hải Phòng với quan điểm: muốn đất nước thoát cảnh ngu dốt không phải chỉ có con trai đi học mà cả con gái cũng phải vậy. 1927, Phan Bội Châu in SGK Nữ quốc dân tu tri tại Huế. 1928, hội phụ nữ đầu tiên xuất hiện tại Huế với tên gọi Nữ công học hội. 1929, tờ Phụ nữ tân văn phát hành tại Sài Gòn. 1930, ngày 20/10, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) 1930, tờ Phụ nữ thời đàm phát hành 1932, tờ Phụ nữ tân tiến phát hành |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags